Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung hiện nay đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nhà ở dành cho công nhân. Hiện TP Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân. Đây được xem là giải pháp lâu dài, căn cơ để đảm bảo cuộc sống an sinh, xã hội cho người lao động.
Tại tọa đàm “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, Việt Nam đang là địa điểm thu hút nhiều tập đoàn về công nghiệp điện tử trên thế giới nhưng hiện gặp phải tình trạng thiếu lao động khá trầm trọng sau dịch. Theo đó, tính đến ngày 21/10, các doanh nghiệp điện tử phía Nam mới thu hút được khoảng 60 - 70% lao động quay trở lại làm việc.
Giải pháp căn cơ, lâu dài
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM chia sẻ, đợt dịch vừa qua đã khiến 800 nhà máy trong khu công nghiệp phải đóng cửa, 700 nhà máy (chủ yếu là các doanh nghiệp FDI do không thể để đứt gãy sản xuất, mất chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu) không đóng cửa thì thực hiện 3 tại chỗ và tốn thêm chi phí để thuê chỗ ở cho công nhân.
Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường y tế cũng cho rằng, trong đợt dịch Covid-19 lần này tác động rất mạnh đến những khu vực có mật độ lao động tập trung cao như Bình Dương, Đồng Nai, Long An là do các khu nhà trọ có điều kiện rất khó khăn nên điều kiện cách ly kéo theo cũng rất khó khăn, dễ lây nhiễm chéo. Do đó, ông Nam đề nghị cơ quan các cấp, ngành cần có sự quan tâm, vào cuộc rà soát để có chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân theo các quy chuẩn xây dựng.
Được biết, để giải quyết chỗ ở cho người lao động, TP HCM đang có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, coi đây là giải pháp lâu dài, căn cơ để đảm bảo cuộc sống an sinh, xã hội cho người lao động.
Trước đó, trong cuộc tiếp xúc cử tri, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cũng đã đề cập đến vấn đề nghiên cứu xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và lao động nhập cư để giữ chân công nhân, người lao động ở lại thành phố làm việc. Ông Mãi nhấn mạnh rằng ngay khi thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”, trong kế hoạch phục hồi kinh tế, lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm đến câu chuyện nhà ở và chính sách cho công nhân, người lao động.
Chưa đáp ứng được 30% nhu cầu nhà ở cho công nhân
Liên quan đến các chính sách phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp (KCN), Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82 năm 2018 của Chính phủ theo hướng: Trong KCN, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân KCN thuê; trong quy hoạch KCN phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân KCN thuê, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở cho công nhân nhưng phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng. Đồng thời, đáp ứng các tiêu chuẩn pháp luật về xây dựng và các pháp luật khác liên quan đối với nhà ở; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả KCN; sửa đổi các quy định về thủ tục hành chính theo hướng rút gọn nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát của nhà nước, hạn chế lợi dụng chính sách.
Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung hiện nay đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nhà ở dành cho công nhân. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đầu tư KCN chỉ san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mà chưa quan tâm đúng mức vấn đề phát triển nhà ở, ổn định an sinh xã hội cho công nhân.
Theo ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua đã có văn bản cho phép bổ sung nguồn kinh phí cho một số ngân hàng thương mại được chỉ định, sử dụng làm “vốn mồi” cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vay ưu đãi để thực hiện dự án. Nhưng thực tế nguồn vốn phân bổ rất chậm, dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư phải vay vốn ngân hàng theo lãi suất thị trường, không được ưu tiên theo quy định.
Do vậy, nhiều chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh giá bán nhằm đảm bảo cân đối lợi nhuận, khiến cho giá nhà trên thị trường liên tục tăng. Người thu nhập thấp ngày càng khó khăn hơn trong việc sở hữu nhà ở…
Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung hiện nay đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu nhà ở dành cho công nhân. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp chỉ san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mà chưa quan tâm đúng mức vấn đề phát triển nhà ở, ổn định an sinh xã hội cho công nhân.