Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Nhà giáo và nền giáo dục đổi mới

Hà Trọng Nghĩa 20/11/2023 15:40

Gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng nhấn mạnh, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta, là nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa và con người Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, giáo dục luôn tồn tại, song hành cùng đất nước. Hàng trăm năm trôi qua nhưng những tấm gương nhà giáo tài năng với phẩm giá bậc thầy không bị lu mờ mà ngày càng sáng trong. Đó là các bậc tiên hiền, như nhà giáo Chu Văn An (1292-1370), nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), nhà giáo Lê Quý Đôn (1726-1784)...

Tiếp nối truyền thống cao quý, là những nhà giáo dục bậc thầy, như các cụ Cao Bá Quát (1809-1854), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Phan Bội Châu (1867-1940), Nguyễn Tất Thành (1890-1969)...

Những bậc tôn sư đó xứng với danh xưng “vạn thế sư biểu”, người thầy của muôn đời.

Nền giáo dục cách mạng Việt Nam, tính từ năm 1945 sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, tới nay đã gần tròn 80 năm. Hành trình của nền giáo dục mới gắn bó với hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất và xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thời chiến cũng như thời bình, nền giáo dục nước nhà luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao quý: “Trồng người”.

Trong thành tựu lớn lao đó, có công sức của nhiều thế hệ nhà giáo.

Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nói chuyện với các thầy, cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên, Người khẳng định: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất (...). Những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển giáo dục, đào tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thực tế cho thấy, muốn có học sinh giỏi phải có người thầy tốt. Người học chỉ tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của thầy cô giáo có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và có phương pháp truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh.

Tuy nhiên, thành công của người thầy không chỉ là truyền thụ kiến thức mà sâu thẳm chính là thắp lên ngọn lửa đam mê, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, bồi đắp và xây dựng nhân cách làm người.

Muốn thế, thầy cô giáo phải là người giàu kiến thức và phải là người có phẩm hạnh tốt đẹp.

Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới giáo dục là nhu cầu tự thân để đào tạo nhân lực cho đất nước, bắt kịp đà tiến của nhân loại. Để đất nước Việt Nam chúng ta “bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.

Sự nghiệp đổi mới ấy thành công hay không chính là nhờ vào đội ngũ nhà giáo.

Khó khăn càng nhiều càng đòi hỏi phải cháy hết mình. Thắp lên ngọn lửa đam mê cho chính mình, để từ đó truyền sự đam mê sang các thế hệ học trò.

Đạo lý, lễ nghĩa của người Việt Nam ta là Tôn sư trọng đạo, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167, lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó, đây là ngày toàn xã hội tôn vinh những người làm công tác trồng người. Điều đó cũng chính là bắt nguồn từ truyền thống văn hiến cao quý của dân tộc.

Và, chính sự tôn vinh ấy cũng thể hiện niềm tin của học sinh, các bậc phụ huynh, của toàn xã hội đối với thầy cô giáo. Dẫu đâu đó ngoài kia vẫn còn một vài câu chuyện làm chúng ta nhói lòng nhưng vẫn không vì thế mà làm nhòe đi giá trị đạo đức muôn đời của người thầy.

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, ai cũng từng được thầy cô giáo bảo ban, dạy dỗ. Với ý nghĩa đó, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay là dịp để chúng ta tôn vinh những con người đáng kính và thêm kỳ vọng vào nền giáo dục nước nhà.

Nền giáo dục nhân bản, tiên tiến và đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà giáo và nền giáo dục đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO