Để đưa được máy in cùng với những khay chữ chì đủ kiểu chữ và dụng cụ chế bản kẽm từ Hà Nội vào đến Trảng Cháy trong căn cứ Bến Ra của Báo Giải Phóng, phải dùng đến ba xe tải và gùi, vác băng rừng vượt suối.
Tìm hiểu lịch sử cuộc chiến tranh giữ nước lần thứ hai ở miền Nam, có người thắc mắc, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Mặt trận) thành lập ngày 20/12/1960, nhưng tại sao mãi đến 4 năm sau, Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận mới ra đời. Đó là lý do chưa có… nhà in.
Nhưng không thể chờ mãi, nhân kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Mặt trận, cấp trên quyết định xuất bản Báo Giải Phóng, in ở nhà in Trần Phú thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.
Lược sử về Nhà in Trần Phú để thấy, có được một nhà in phục vụ kháng chiến, những người thợ - có người mới học nghề qua sự chỉ dẫn tại chỗ của người đi trước - đã vượt khó khăn, hiểm nguy như thế nào.
Tháng 6/1947, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác chính trị, tư tưởng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Xứ ủy Nam bộ quyết định thành lập nhà in.
Nhà in mang tên Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam - khánh thành ở Đồi Tháp giữa bưng biền Đồng Tháp Mười, bắt đầu in trang báo đầu tiên - tạp chí Mácxit - Cơ quan lý luận của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin Nam bộ (một nội san của Đảng), sau đổi tên thành Tạp chí Thống Nhất, rồi in sách và tài liệu phục vụ kháng chiến và Báo Phụ nữ Cứu quốc. Năm 1949, Nhà in Trần Phú phải chuyển về Khu 9.
Từ năm 1950, lần lượt các Nhà in Cần Thơ, Liên Việt, Đoàn Kết sáp nhập với Nhà in Trần Phú. Thời gian này, Nhà in Trần Phú “hiện đại” dần nhờ bà con Việt kiều ở Thái Lan bí mật chuyển về cho một máy in mới, một lò đúc chữ chì, nên in báo Nhân dân Miền Nam khổ lớn đẹp không thua in ở Sài Gòn.
Năm 1961, Trung ương Cục Miền Nam chuyển từ rừng Mã Đà (Chiến khu Đ) về Bắc Tây Ninh (Chiến khu C), quyết định thành lập lại Nhà in Trần Phú, nhưng buổi đầu chỉ có bộ phận in stencil, năm 1962 mới in chữ chì bằng máy đóng từ gỗ rừng và sắt thép lấy từ hàng rào ấp chiến lược của đối phương.
Đó là sáng kiến của một thợ máy in kỳ cựu của Nhà in Phan Văn Mãng ở Long An - ông Nguyễn Khắc Tư. Chính cái máy in thủ công ấy cộng với tinh thần trách nhiệm và tay nghề cao của công nhân Nhà in Trần Phú, dù phải vất vả kéo tay suốt ngày đêm, số Báo Giải Phóng đầu tiên được xuất bản ngày 20/12/1964, chữ, tranh, ảnh khá sắc nét.
Nhưng Nhà in Trần Phú ở xa toà soạn Báo Giải Phóng, lại không có máy chuyên dụng in báo khổ lớn, nên đầu năm 1969, khi nhà báo Thép Mới ở Báo Nhân Dân được cử vào Nam làm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng thay nhà báo Kỳ Phương chuyển về bộ phận nghiên cứu Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, đã “xin” được một máy in bán tự động từ Nhà in Tiến Bộ.
Để đưa được cái máy in ấy cùng với những khay chữ chì đủ kiểu chữ và dụng cụ chế bản kẽm từ Hà Nội vào đến Trảng Cháy trong căn cứ Bến Ra của Báo Giải Phóng, phải dùng đến ba xe tải và gùi, vác băng rừng vượt suối.
Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thành lập, với nhà in mới mang tên B15C do đồng chí Hồ Tràng phụ trách, cái máy in ấy dù “chạy roda”, trong một tuần đã in hai số Báo Giải Phóng đặc biệt, 8 trang khổ lớn phục vụ sự kiện trọng đại này.
Từ thời điểm đó cho đến ngày thống nhất đất nước, máy in của B15C phải hai lần di chuyển bằng… xe bò. Lần thứ nhất là trong tháng 4/1970, từ Trảng Cháy qua bên kia thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông để sơ tán. Lần thứ hai là từ nơi sơ tán ấy lại trở về căn cứ Bến Ra, cũng bằng xe bò. Nhưng dù ở đâu nhà in B15C cũng liên tục in Báo Giải Phóng cho đến ngày 1/5/1975 là số báo cuối cùng với gần một vạn bản bán ở vùng Đông Nam bộ và đưa về Sài Gòn.