Rạng sáng hôm 4/2, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đặt tại Zaporizhzhia, Ukraine đã bất ngờ bốc cháy.
Theo hãng Sputnik (Nga), nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP), miền Nam Ukraine, thông báo có một đám cháy bùng lên tại nhà máy.
"Có một đám cháy xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia", ZNPP thông báo hôm 4/3. ZNPP nằm ở thành phố Enerhodar, vùng Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, và là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu với 6 lò phản ứng.
Theo CNN, nhà máy điện hạt nhân này sản xuất 40-42 tỷ kWh, chiếm 1/5 sản lượng điện trung bình hàng năm ở Ukraine và gần 47% lượng điện do các nhà máy điện hạt nhân Ukraine tạo ra.
Tới đầu giờ sáng 4/3, vẫn chưa rõ mức độ nghiêm trọng của đám cháy và liệu nguyên nhân có xuất phát từ chiến sự hay không, theo Sputnik.
Hãng Reuters hôm 4/3 đưa tin, thành phố Enerhodar thuộc quyền kiểm soát của các lực lượng Nga từ ngày 28/2. Moscow sau đó đã thông báo điều này với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và nói thêm rằng, các nhân viên nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia "vẫn tiếp tục công việc để đảm bảo an toàn hạt nhân và giám sát bức xạ khi nhà máy hoạt động bình thường. Mức độ bức xạ thời điểm hiện tại vẫn bình thường".
Nga lưu ý, tất cả nhà máy điện hạt nhân của Ukraine vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các nhà điều hành Ukraine.
Trước đó, theo hãng tin TASS, Nga đã thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng quân đội nước này đã kiểm soát khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhskaya và mức phóng xạ tại đây là bình thường.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết hôm 2/3: "Nga đã thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng các lực lượng quân sự của họ đã giành quyền kiểm soát vực xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine".
Ngày 3/3, IAEA cũng đã kêu gọi các lực lượng quân sự kiềm chế hoạt động gần Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhia. Tổng giám đốc Rafael Mariano Grossi cho biết tình hình ở Enerhodar, nơi đặt nhà máy Zaporizhzhia là "nguy cấp" và kêu gọi các lực lượng quân sự trên thực địa kiềm chế bạo lực gần khu vực này.
“IAEA tiếp tục tham khảo ý kiến của Ukraine và các nước khác nhằm hỗ trợ tối đa cho quốc gia này khi họ tìm cách duy trì an ninh và an toàn hạt nhân trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay”, ông Grossi cho biết trong một tuyên bố.