Mấy ngày qua, người dân sống ở vùng hạ lưu ven sông Ô Lâu thuộc huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) và huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên- Huế) đang rất lo trước việc Ban quản lý dự án Cụm liên hợp Dệt-Nhuộm-May của Công ty TNHH Dệt May Vinatex quốc tế TOMS (VIT) đang triển khai thi công tuyến đường ống xả thải dài trên 9 km nối từ Diên Sanh qua các xã: Hải Thọ, Hải Chánh, Hải Thành và Hải Hòa thuộc huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.
Khi đến xã Hải Hòa, nơi có ngã ba hói ZÉT (thông với sông Vĩnh Định và Ô Lâu), do lo ngại khi xả, nước thải của nhà máy Nhuộm gây ô nhiễm môi trường nên người dân thôn Phước Diện đã ngăn cản; đồng thời làm đơn đề nghị chính quyền huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị cam kết nước thải không gây ô nhiễm môi trường.
Trước lo ngại của người dân vùng hạ lưu sông Ô Lâu sẽ lãnh hậu quả, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã làm báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỏ ý lo ngại: Với đặc điểm nước thải của Nhà máy dệt nhuộm có thành phần hóa học rất độc hại, nếu không xử lý an toàn trước khi xả sẽ có nguy cơ hủy diệt các hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, nuôi trồng, đời sống của nhân dân trong vùng, nhất là vùng hạ lưu sông Ô Lâu, bởi theo ông điểm xả thải (tại hói ZÉT) chỉ cách cầu Vân Trình của xã Phong Bình (huyện Phong Điền) khoảng 1,5 km.
“Đây là thượng nguồn đập Cửa Lác, nước sông Ô Lâu được giữ lại tại đập không chỉ cung cấp tưới nước cho hơn 1.000 ha lúa hai vụ của huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên- Huế) mà còn cung cấp nước tưới cho một số xã thuộc huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).
Hơn nữa, trên sông Ô Lâu người dân đang nuôi trồng thủy sản và là nguồn nước duy nhất mà tỉnh và huyện đang triển khai phương án xây dựng hệ thống bơm phục vụ nuôi tôm trên cát của huyện Phong Điền; ngoài ra đây là vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu”- ông Hùng cho biết.