Trò chuyện

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Nhạc sĩ đương đại chẳng ai dám sánh với thế hệ tiền bối

NGUYỄN THANH BÌNH (thực hiện) 08/11/2023 09:18

Đời sống âm nhạc đang có sự chuyển động mạnh mẽ, khi công nghệ số lên ngôi và chi phối tâm tính của nghệ sĩ. Thuận tiện cho nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ biểu diễn nhiều, nhưng đồng thời lại cho thấy rất nhiều sản phẩm âm nhạc nhàn nhạt, thậm chí nhảm nhí.

Nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long không chỉ là người quan sát đời sống âm nhạc đương đại mà còn là người trực tiếp tham gia những dự án âm nhạc, đồng hành cùng nhiều nhạc sĩ, ca sĩ. Anh cho rằng, các tác phẩm âm nhạc ngày nay được sáng tác nhanh, nhiều nhưng chất lượng chưa hẳn đã tương xứng.

PV: Tôi muốn bắt đầu câu chuyện với anh bằng sự ra đi của nhiều nhạc sĩ trong thời gian gần đây. Như nhạc sĩ Chu Minh chẳng hạn. Khi nhắc đến nhạc sĩ Chu Minh, anh nghĩ đến điều gì?

Nhà nguyên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG: Điều tôi nghĩ ngay đến đầu tiên là một người thầy đáng kính, được anh chị em nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc cả nước kính trọng. Thầy dạy trong lĩnh vực sáng tác, tôi học chuyên ngành lý luận. Thầy về hưu trước khi tôi đặt chân vào trường (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Cho nên dù tôi vào đúng khoa thầy từng chủ nhiệm nhưng tôi ít có cơ hội tiếp xúc sâu với thầy ở ngoài đời như rất nhiều đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tác của tôi.

Tất nhiên, tiếp xúc bình thường thì có, chẳng hạn như gặp thầy ở một sự kiện nào đó của âm nhạc, tại Học viện, tại Hội Nhạc sĩ, hay tại nhà của ông chú tôi (nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật và thể thao tỉnh Bắc Ninh)…

Trong thế giới riêng của bản thân tôi, nhạc sĩ Chu Minh là một người gần gũi. Cái tên Chu Minh cùng âm nhạc của ông luôn đồng hành cùng tôi trên con đường âm nhạc. Chẳng hạn thế này: Ngay những ngày đầu mới bước chân vào con đường lý luận thì ca khúc “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” của ông là một trong những tác phẩm được các thầy cô giao cho để phân tích. Phân tích kỹ vào trong ca khúc, càng hiểu hơn về giá trị của tác phẩm, càng quý trọng người thầy đã sáng tác ra tác phẩm.

Đối với những nhạc sĩ bậc thầy, họ đã cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho cuộc đời những tác phẩm đầy ý nghĩa. Chúng ta biết rằng không ai không nằm trong quy luật của sinh - lão - bệnh - tử. Cho nên sứ mệnh của các nhạc sĩ đã hoàn thành một cách vẻ vang. Và khi chu kỳ vòng đời của một con người đã trọn vẹn thì họ có quyền ra đi một cách kiêu hãnh. Và chúng ta tiễn biệt họ với lòng biết ơn.

Nhưng âm nhạc của Chu Minh không chỉ có một ca khúc, ông còn là tác giả của “Người là niềm tin tất thắng”. Sáng tác chủ đề ca ngợi lãnh tụ để vừa hay vừa mang tầm vóc như vậy không có nhiều. Mà chưa hết đâu, Chu Minh không chỉ có ca khúc, ông còn sáng tác nhiều thể loại khác nhau.

Chẳng hạn, ông là tác giả ca kịch “Tiếng ru”, một hình thức lớn trong sáng tác âm nhạc có lời. Với âm nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc sĩ còn sáng tác nhiều tác phẩm như: Tổ khúc giao hưởng "Khăn quàng đỏ", Concerto cho piano "Tuổi trẻ", Giao hưởng một chương "Ngã ba Đồng Lộc", Tổ khúc giao hưởng "Miền Nam tuyến đầu", Ouverture "Thành phố Hồ Chí Minh"…

Tôi rất thích một số bài của nhạc sĩ Chu Minh, ở đó tính dân tộc được khai thác và tôn vinh. Và chính ông cũng khẳng định được phong cách âm nhạc của mình từ rất sớm…

- Đúng vậy. Tính dân tộc hiện hữu trong âm nhạc của nhạc sĩ Chu Minh không ở đâu xa xôi, nó nằm ngay trong chính mỗi tác phẩm, hiện hữu một cách rõ ràng và đã thoát ra khỏi những mô tả bình thường để mang tầm tư tưởng thời đại. Cách tôn vinh vừa rất lớn lao, âm hưởng của sự tôn vinh rất hoành tráng nhưng cái tài là ta hoàn toàn không có cảm giác hô khẩu hiệu. Tính dân tộc nằm trong chính con người của nhạc sĩ Chu Minh, đó là sự lĩnh hội của tư tưởng thời đại, của một dân tộc giàu truyền thống nhưng luôn đứng trước đầu sóng ngọn gió và vẫn luôn vững vàng vượt qua.

Nói chung, âm nhạc của nhạc sĩ Chu Minh mang tầm vóc của thời đại. Ông là một trong những nhạc sĩ góp phần tạo lên sự lớn mạnh của âm nhạc cách mạng Việt Nam thế kỷ 20. Dẫu ở ta không quen cách gọi nhà soạn nhạc, nhưng lẽ ra, phải gọi ông như vậy mới xứng tầm.

Trước Chu Minh, nhiều nhạc sĩ tài năng khác, như nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Văn Ký, Văn Dung… cũng lần lượt ra đi. Ít hay nhiều, những sự ra đi này cũng đều để lại khoảng trống trong âm nhạc cách mạng. Anh có nghĩ như vậy không?

- Sự ra đi nào cũng sẽ để lại khoảng trống cho những người thân. Đối với những người nghệ sĩ, khoảng trống ấy còn để lại trong lòng những khán giả, người hâm mộ. Sự ra đi của các nhạc sĩ nổi tiếng, những người góp nên diện mạo trong lịch sử âm nhạc của đất nước một giai đoạn đương nhiên sẽ để lại khoảng trống không bù lấp được trong lòng người thân, học trò, đồng nghiệp và người hâm mộ. Nhưng đó là khoảng trống không bù lấp đối với người ở lại và nó thiên về tình cảm, về đạo lý.

Thị trường âm nhạc ngày càng sôi động.

Anh có nghĩ rằng, thế hệ nhạc sĩ đương đại ngày hôm nay thật khó sánh với các bậc cha anh đi trước, tất nhiên, chỉ xét riêng ở góc độ tác phẩm âm nhạc?

- Làm sao có thể sánh được! (Cười). Và tôi nghĩ những thế hệ nhạc sĩ sau này cũng chẳng ai dám sánh với thế hệ tiền bối. Với các nhạc sĩ trưởng thành và cống hiến cho nền âm nhạc mới Việt Nam nói chung, âm nhạc cách mạng nói riêng, họ là những tượng đài trong lòng công chúng, trong đó có những người hoạt động âm nhạc thuộc thế hệ sau.

Những nhạc sĩ bậc tiền bối mà chúng ta nhắc đến trong cuộc trò chuyện này sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, thiếu thốn mọi thứ, luôn phải đối mặt giữa sự sống và cái chết. Họ sinh ra trong thời đại mà mọi động cơ để có thể có được những tác phẩm hay, mang tầm thời đại, mang tinh thần dân tộc được khởi động. Một tinh thần chung yêu nước chống giặc ngoại xâm, tính anh hùng ca luôn ở thế thượng phong.

Một thế hệ thế giới quan trong sáng tác được hình thành từ những điều cao đẹp, có sự chung sức, đồng lòng của toàn dân tộc, có tư tưởng xuyên suốt, có lý tưởng để theo đuổi, có niềm tin để vượt qua. Cho nên việc có những tác phẩm tầm vóc nói lên tiếng nói thời đại, hướng tới cái chung đất nước, dân tộc là điều dễ hiểu. Họ đã viết các tác phẩm bằng trái tim yêu quê hương, đất nước với dòng máu nóng chảy trong thời đại.

Còn với các nhạc sĩ thế hệ sau này may mắn vì được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, kinh tế đã hết khó khăn và xu hướng hội nhập quốc tế khiến cho “nhà người ta” có gì thì “nhà mình” có thức đó. Nhưng trong sáng tạo nghệ thuật thì khác, điều may mắn của nhạc sĩ sinh ra trong thời bình lại là sự không may mắn khi họ phải đối mặt với trường hợp làm sao để có tác phẩm hoành tráng, xứng đáng với tầm vóc thời đại giống như thế hệ cha ông đã làm được…

Điều đó là khó. Và vẫn là quy luật tự nhiên, họ sẽ giãi bày những tâm tư, tình cảm mà họ đã lĩnh hội hay trải qua trong giai đoạn mà mình đang sống. Như thế, đương nhiên giữa các giai đoạn có sự khác nhau về hoàn cảnh thực tiễn, đời sống xã hội và mọi thứ khác nữa, cho nên không thể đòi hỏi nhạc sĩ thời nay phải như nhạc sĩ thời chiến hay ngược lại.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tôi hiểu điều đó, nhưng mà đôi khi, trong cuộc sống, chúng ta vẫn đành phải đặt ra sự ví von. Chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau một điều thế này: đời sống xã hội đã tác động và chi phối khá nhiều hình thức và cách thức sáng tác âm nhạc. Thời xưa, có cảm giác các nhạc sĩ viết kỹ lưỡng, trau chuốt hơn. Còn bây giờ, cuộc sống chuyển động nhanh hơn, các nhạc sĩ cũng sáng tác nhanh, nhiều hơn…

- Tôi tin rằng 80 năm trước, khi mà đại bộ phận người dân Việt Nam ta nhu cầu thưởng thức âm nhạc vẫn là những câu hò, điệu lý, là những bài dân ca, là quan họ, ca trù, chèo, bài chòi, đờn ca tài tử… Lúc ấy làn sóng nhạc mới có xuất xứ từ phương Tây tràn vào, chắc lúc sẽ có rất nhiều cụ nghe chướng tai lắm, nhưng giới trẻ thời ấy thì vẫn tiếp nhận và nhanh chóng lan tỏa nó vào đời sống. Tại sao lại vậy? Bởi nó là xu hướng thời đại, nó là sự chuyển dịch mang tính lịch sử trong thẩm mỹ âm nhạc của dân tộc.

Chúng ta cũng thấy rằng, các tác phẩm âm nhạc mới của các nhạc sĩ tiền bối, không chỉ riêng dòng ca khúc cách mạng mà các dòng ca khúc khác ca từ trau chuốt, luôn mang ý nghĩa hoặc nội dung văn học…

Trong giai đoạn hiện nay, như anh nói, cuộc sống chuyển động nhanh, sáng tác cũng nhanh, số lượng bài thì cũng nhiều. Nó rất đúng, vì đó là bởi các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ GenZ đang hòa cùng dòng chảy của thời đại, hòa cùng nhịp điệu thời đại. Tôi nói vui, ở thời đại 4.0, thời điểm khám phá thể giới chỉ trong vòng một nốt nhạc các bạn trẻ phải cuốn theo nhịp sống đó chứ. Cho nên, tính văn học giảm bớt, văn nói thể hiện một cảm xúc hay cách nghĩ nào đó là đặc điểm phổ biến trong ca từ. Nhịp điệu âm nhạc nhanh hơn, bên cạnh các dòng ca khúc có tính giai điệu thì kiểu hát nói tiết tấu nhanh cũng đã có vị trí của nó…

Hơn nữa, cũng từ sự phát triển của công nghệ, của kỹ thuật, giờ đây sáng tác ca khúc đại chúng đâu có cần ngồi bên cây đàn, hay cần người viết phải am tường nhạc lý, vì tất cả đã có máy móc hỗ trợ. Thậm chí tôi còn biết có kiểu nhà sản xuất cung cấp sẵn beat nhạc, người mua về có thể hoàn thiện nó thành một ca khúc bằng cách đắp vào đó một nội dung cần truyền tải trong ca từ và những giai điệu phù hợp với ca từ đó.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long (phải) và nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Nhanh, nhiều nhưng chất lượng thì cứ… bình bình, thiếu hẳn những tác phẩm chất lượng cao?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với anh (Cười). Nhanh, nhiều thì chất lượng chưa hẳn đã tương xứng. Khi nhạc đại chúng lên ngôi, khi mà người người nhà nhà đều có thể làm ca khúc, khi mà công chúng bị dẫn dắt bởi những yếu tố bên ngoài âm nhạc kiểu như dư luận tạo bão trên mạng xã hội chẳng hạn, thì chất lượng bình bình cũng là điều chúng ta phải chấp nhận. Nhưng trong bạt ngàn những tác phẩm bình bình ấy sẽ chọn ra được những tác phẩm tốt hơn. Trong khi muốn có tác phẩm đỉnh cao thì nó phải là sự kết hợp từ nhiều yếu tố chứ không phải ta muốn và dồn thật nhiều ưu ái về vật chất vào nó mà có được đâu.

Anh vừa nói đến công chúng ngày nay cũng khác ngày xưa. Các nhạc sĩ bây giờ sáng tác cũng phải tiếp cận và chinh phục công chúng đương đại. Điều ấy đúng thôi. Chỉ có điều “đỉnh cao” bây giờ người ta thường đo đếm qua việc ca khúc ấy có bao nhiêu “triệu view”…

- Vâng, thời buổi bây giờ cái gì cũng số hóa, định tính quyết định độ nổi tiếng của tác phẩm. Một ca khúc được coi là thành công khi thu hút được nhiều người xem trên mạng xã hội. Nhưng nhiều triệu view hay nổi tiếng không đồng nghĩa tác phẩm ấy là đỉnh cao. Nói gì thì nói, âm nhạc hiện nay có những tiêu chí chỉ có trong giai đoạn công nghệ đã phát triển. Điều đó cho thấy rằng nó đang phản ánh yếu tố thời đại, đang hòa cùng thời đại.

Nhưng anh sẽ nói gì khi nhiều sáng tác chạy theo thị hiếu khán thính giả, mà lờ đi, giảm đi những yếu tố nghệ thuật mà đáng ra, ở các tác phẩm nghệ thuật cần và nên có?

- Tôi tiếc nuối cho những điều đó. Nhưng xét ở khía cạnh thời đại, thật khó để các bạn GenZ hiện nay ngồi nhấm nháp những hình tượng nghệ thuật, những giá trị đẹp ẩn trong mỗi giai điệu lời ca như thế hệ trước họ. Dẫu vậy, tôi đồng ý với anh và vẫn luôn mong, yếu tố nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ được hiện hữu nhiều hơn trong ca khúc đại chúng của các bạn trẻ hiện nay.

Âm nhạc đương đại còn một chuyện này nữa: Nhiều nghệ sĩ có xu hướng tìm về các giá trị truyền thống để làm mới, “remake”. Nói hoa mỹ thì bảo các nghệ sĩ tìm về khai thác như một cách tôn vinh, làm mới giá trị truyền thống; nhưng mặt khác phần nào cũng cho thấy nghệ sĩ đang bị bí? Trong khi xã hội thì phát triển, cuộc sống thì không ngừng mở ra những chất liệu sáng tác mới…

- Cả hai ý anh vừa nói đều đúng nhưng theo tôi chưa đầy đủ. Đầu tiên để nghệ sĩ chú ý và khai thác yếu tố dân tộc vào trong tác phẩm không phải xuất phát từ cái chung và đóng góp đâu, đó là lối đi mà họ vận dụng để đến với công chúng. Nhưng họ thực sự dũng cảm, dám chọn con đường khó để đi. Cho đến khi được khán giả đón nhận thì đó là may mắn.

Nhưng may mắn này hàm chứa cả tư duy, tâm sức và tài năng của họ. Và khi được công chúng đón nhận, tác phẩm được lan tỏa, họ tiếp tục đi trên con đường mình đã khai phá, lúc đó vừa là phát triển nghề nghiệp vừa là đóng góp cho đời sống nghệ thuật một màu sắc mới.

Anh có ngại không khi chỉ ra những cái tên trong làng nhạc…

- Không. Tôi không ngại.

Mỗi thế hệ có một sứ mệnh riêng, vị trí riêng, nói lên tiếng nói thời đại của thời điểm mình hiện hữu. Cho nên khoảng trống ở đây không thể là khoảng trống thế hệ. Giả sử có sự hoán đổi, tôi không thể biết nó sẽ thế nào. Nhưng có một điều là một nguyên tắc bất biến, thế hệ sau phải nhìn vào những cống hiến và những giá trị mà thế hệ trước đã sáng tạo để làm điểm tựa, làm động lực cống hiến theo cách của mình, phù hợp với thời đại mà mình sinh sống.

Vậy thì bắt đầu với những cái tên định hình phong cách, khẳng định giá trị cá nhân và xứng đáng là thế hệ tiếp nối…

- Vẫn có những cái tên đầy cá tính. Loại trừ các nhạc sĩ thế hệ 7X hay đầu 8X, ở đây chúng ta chỉ điểm các nhạc sĩ, ca sĩ sinh cuối những năm 1980 trở về giai đoạn hiện nay. Có những con người có âm nhạc như một cõi riêng như Lê Cát Trọng Lý. Có những tác giả sáng tác các ca khúc chủ đề về quê hương, đất nước, người lính hôm nay đáng được nhắc tới tên như Tạ Quang Thắng, Hoàng Hồng Ngọc.

Có những ca sĩ luôn khẳng định một phong cách riêng mang tính tiên phong như Đinh Mạnh Ninh với RnB, có rapper mang tính dân tộc như Đen Vâu và còn rất nhiều những cái tên khác nữa. Anh cũng đừng ngạc nhiên nhé, khi tôi nhắc tới Sơn Tùng M-TP, Hứa Kim Tuyền…

Không chỉ thế, chúng ta vẫn có những ngôi sao dòng nhạc thính phòng sáng lấp lánh như trường hợp Ninh Đức Hoàng Long…

Còn những cái tên mang tới một cái gì, à, truyền thông hay gọi là “thảm họa” chẳng hạn…

- Tác phẩm đỉnh cao bây giờ khó, “thảm họa” bây giờ chắc là cũng khó, trừ khi đó là một chủ ý. Mạng xã hội cũng có nhiều cái hay, tôi nghĩ thế.

Cái hay nhất ở đây là cộng đồng mạng xã hội cũng cùng tham gia giám sát nghệ sĩ một cách tự nhiên. Điều này phát huy tác dụng, như chúng ta thấy, trường hợp gần đây thôi, nghệ sĩ chỉ sơ xuất sử dụng hình ảnh của một người nổi tiếng thế giới vào MV, nhưng khi cộng đồng thắc mắc và câu giải thích không thỏa đáng cũng khiến nghệ sĩ và sản phẩm gặp khó khăn. Việc đạo nhạc giờ cũng dễ bị phát hiện bởi cả hàng chục triệu “giám sát viên”.

Điều anh vừa nói gợi cho tôi nhớ đến việc “bản danh sách đen” dành cho các nghệ sĩ có hành vi vi phạm các chuẩn mực của cộng đồng. Cá nhân tôi thấy rằng, đã tới lúc cần siết lại, và “bản danh sách đen” là hết sức cần thiết…

- Ở nước ngoài người ta dùng từ “phong sát” đối với nghệ sĩ vi phạm những chuẩn mực chung của xã hội, chẳng hạn như hành vi trốn thuế, lối sống trác táng, quan hệ bất chính… Hơi khắc nghiệt nhưng hết sức nghiêm túc. Hậu quả mà những nghệ sĩ vi phạm những chuẩn mực chung của xã hội là hết sức nặng nề, không những cánh cửa để quay trở lại rất khó mở ra mà còn phải đối mặt với những án phạt tương ứng với mức độ vi phạm.

Ở Việt Nam hình như việc quản lý nghệ sĩ vẫn còn nương nhẹ vấn đề này. Tôi đồng ý với việc nhà quản lý cần phát huy sức mạnh của mình để làm trong sạch đời sống nghệ thuật, thanh lọc những thành phần mang danh nghệ sĩ để làm xấu đi bộ mặt của giới nghệ thuật và gây hại cho xã hội.

Các nghệ sĩ khi có danh có tiếng, nhất là những nghệ sĩ đã được phong danh hiệu NSND, NSƯT hoặc những nghệ sĩ có sức lan tỏa trên mạng xã hội có tác động không nhỏ tới người hâm mộ. Những hành vi phản văn hóa, vi phạm có tác động “điều hướng” ghê gớm…

- Họ xứng đáng nhận được sự phê bình, lên án của xã hội. Đối với người có sự ảnh hưởng được khán giả ngưỡng mộ, người có uy tín được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý thì càng phải cân nhắc tới hệ quả của những hành động mà mình tham gia tiếp sức.

Chẳng hạn, quảng bá những mặt hàng cấm, mặt hàng nhạy cảm, quảng cáo quá đi sự thật với sản phẩm, đặc biệt là ngành thuốc, thổi phồng một thứ gì đó lên như một thần dược đánh vào tâm lý của những người bệnh và gia đình họ, điều đó thật sự cần phải lên án một cách mạnh mẽ. Thậm chí xử lý một cách quyết liệt, triệt để.

Tùy mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, từ cảnh cáo, phạt hành chính đến xử lý hình sự. Nghệ sĩ thì vẫn như mọi công dân, sống và làm việc phải tuân theo pháp luật và những chuẩn mực chung của xã hội.

Nhưng khi thực hiện việc này, cũng cần hết sức khách quan, không có mối quan hệ phía sau ràng buộc để tránh làm quá, làm nhầm gây rối ren xã hội, bất an trong tâm trí giới làm nghệ thuật, có thể dẫn đến hệ quả mà ta không lường được.

Trân trọng cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Nhạc sĩ đương đại chẳng ai dám sánh với thế hệ tiền bối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO