Nhà nghiên cứu Lang Minh làm tư vấn xây dựng chương trình cho các trường phổ thông tư thục về khoa học xã hội nên môn Ngữ văn trong chương trình phổ thông là mối quan tâm của anh.
“Tôi luôn tìm kiếm ở văn chương một cái nhìn cận cảnh về thế giới và con người”, nhà nghiên cứu Lang Minh nói. “Là người làm nghiên cứu khoa học, tôi biết rằng muốn tìm hiểu về xã hội thì phải thông qua các dữ liệu thống kê và các báo cáo tiêu chuẩn, nhưng chúng cũng khó lòng mà phản ánh về những nỗi buồn vui riêng, những hoàn cảnh bên lề, những góc khuất của tâm hồn. Thiếu những điều đó thì người nghiên cứu khó lòng hiểu được những động lực sâu xa trong hành động của con người và dịch chuyển âm thầm trong lòng xã hội. Vì vậy, văn chương luôn là mảnh ghép mà tôi cần để tránh thành một nghiên cứu viên “vô hồn”.
Trong một bài viết gần đây, nhà nghiên cứu Lang Minh đã trình bày về vấn đề mà anh lo ngại nhất trong bộ môn này: Sự mất cân bằng về lượng và chất giữa văn bản thông tin và văn bản văn chương: “Sự thiên lệch này, theo tôi, là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hứng thú và động lực học tập của học sinh. Học sinh không nhìn thấy mục tiêu giáo dục quan trọng nhất của môn Ngữ văn là luyện khả năng giao tiếp đa dạng cho học sinh, từ những giao tiếp thường nhật như trao đổi thư từ đến những giao tiếp tinh tế như thơ ca, diễn văn. Riêng với văn bản văn chương, giống như xu hướng giáo dục Ngữ văn chung của thế giới, ngữ liệu trong sách giáo khoa cần sự xuất hiện đa dạng hơn của các tác giả theo các tiêu chí: Địa lý, chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ…”.
Theo nhà nghiên cứu Lang Minh, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã khắc phục được vấn đề trên, đặc biệt là phần văn bản thông tin - đã có những văn bản báo chí đương đại, các khảo cứu dành cho đại chúng…Với văn bản văn chương, nhiều tác giả nổi tiếng đương đại được giới thiệu cùng với các tác phẩm gần gũi với tâm tư và thời đại của học sinh. Tuy vậy, việc kết nối giữa văn bản thông tin và văn bản văn chương vẫn là khâu yếu nhất của chương trình. Ví dụ như tác phẩm gây tranh cãi gần đây, bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh, được công chúng và giới chuyên môn tập trung vào phân tích “câu chữ văn bản” rất nhiều mà thiếu đi sự kết nối với các văn bản nghị luận, công trình nghiên cứu xã hội học, hồi ký cá nhân… về cùng chủ đề bạo lực học đường.
“Vấn đề không nằm ở các tác phẩm cũ mà nằm ở cách chúng ta đặt câu hỏi để học sinh thể hiện quan điểm tình cảm cá nhân, đang rất cũ. Đơn cử như đề thi tốt nghiệp THPT 2023, học sinh phân tích cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân trong đoạn trích của “Vợ nhặt”, một vấn đề thuần túy chuyên ngành phê bình văn chương và lịch sử văn học. Thay vào đó, người ra đề hoàn toàn có thể kiểm tra khả năng cảm thụ văn học của thí sinh khi đặt ra câu hỏi về văn chương đã miêu tả con người trong hoàn cảnh tột cùng khó khăn (của cá nhân và lịch sử) như thế nào và tại sao chúng ta cần cái nhìn đó của văn chương, thay vì chỉ đọc các số liệu thống kê về người chết hay các sự kiện lịch sử được sơ đồ hóa.
Vừa qua, đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT lại một lần nữa trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi với cách ra đề an toàn, thậm chí được cho là cũ kỹ, chưa phát huy được sức sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, “đổi mới phương pháp dạy văn học” cũng là cụm từ được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây nhưng dường như vẫn chưa tìm ra phương pháp phù hợp. Vậy làm thế nào để việc giảng dạy môn Ngữ văn ngày một tích cực, và kích thích tư duy sáng tạo của học sinh?
Thêm nữa, trong bối cảnh xã hội càng ngày càng chịu ảnh hưởng tuyệt đối của các tác động công nghệ, văn chương như một chỉ dấu quan trọng trong việc bộc lộ tâm hồn cá nhân và rèn giũa nhân tính. Người trẻ thiếu sự tiếp xúc một cách bài bản với văn chương từ sớm sẽ thiếu cái nhìn tích cực và nhân bản về đời sống. Sự thiếu cảm thông và tư duy theo lối mòn sẽ là trở ngại rất lớn cho người trẻ trong cuộc cạnh tranh nhân lực toàn cầu.
Cuối cùng, hệ thống giáo dục cũng phải trang bị khả năng cảm thụ cái đẹp cho học sinh, khi mà thế giới ngày càng đơn điệu về tinh thần, các sản phẩm văn hóa trở thành hàng hóa thay vì bồi đắp cho thế giới thẩm mỹ của cá nhân”.
Khi đi dạy, nhà nghiên cứu Lang Minh được tiếp xúc với nhiều học sinh say mê và tha thiết với văn chương mặc cho chương trình chung còn nhiều hạn chế: “Cái ta cần nhìn là dù điểm đầu vào cao, nhưng đầu ra, chúng ta chưa có nhiều tiểu thuyết gia mới, nhiều người ứng dụng kỹ nghệ văn chương vào các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, marketing cho nghệ thuật… Khó có câu trả lời đến cùng cho hiện tượng trên, nhưng điều tôi thật sự trăn trở là làm thế nào xã hội có thể hỗ trợ cả về tinh thần lẫn cơ chế cho các bạn trẻ say mê kia đi đến cùng với văn chương, có đóng góp thật sự cho tinh thần của thời đại mình.
Theo tôi, môn Ngữ văn cần gắn liền với những thách thức tinh thần của thời đại. Ví dụ như đoạn trích “Tôi có một ước mơ” trong sách Ngữ văn 11 (Kết nối tri thức với cuộc sống) chỉ được làm ví dụ minh họa cho các kỹ thuật lập luận, nhưng phần câu hỏi gợi ý cuối bài không trực tiếp đề cập đến vấn đề quan trọng nhất của đoạn diễn từ đó. Khi học sinh còn không được trình bày những trăn trở suy tư cá nhân của mình lên trang giấy - thông qua việc đọc, phân tích và tranh luận lại với đa dạng văn bản đã được tuyển lựa chặt chẽ thì lúc đó môn Ngữ văn sẽ còn thiếu sức sống, còn chưa kết nối được với những năng lực quan trọng nhất của thế kỷ XXI: Tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, giao tiếp đa văn hóa và tinh thần hợp tác vì một cộng đồng toàn cầu bền vững hơn”.