Nhà ngoại giao nước ngoài đồng loạt rời Triều Tiên

02/04/2021 08:25

Nga cho biết các nhà ngoại giao và nhân viên tổ chức cứu trợ quốc tế hầu như đã rời khỏi Triều Tiên và quốc gia này chỉ còn khoảng 290 người nước ngoài.

Nhà ngoại giao Nga phải tự đẩy xe chở theo hành lý và gia đình băng qua biên giới giữa Triều Tiên và Nga để hồi hương vào tháng trước (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga).
Nhà ngoại giao Nga phải tự đẩy xe chở theo hành lý và gia đình băng qua biên giới giữa Triều Tiên và Nga để hồi hương vào tháng trước (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga).

Các nhà ngoại giao Nga rời khỏi Triều Tiên cho biết, quốc gia Đông Á đang chịu sự thiếu thốn về thuốc men và nhu yếu phẩm cơ bản, trong bối cảnh Triều Tiên đang áp dụng một trong những lệnh hạn chế ngăn Covid-19 nghiêm ngặt nhất thế giới. Cho tới nay, Triều Tiên vẫn chưa ghi nhận bất cứ ca bệnh nào.

Trong một bức thư được đăng lên mạng ngày 1/4, các nhân viên của Đại sứ quán Nga ở Bình Nhưỡng mô tả về "sự rời đi đồng loạt" của các nhà ngoại giao nước ngoài và cho rằng "đây sẽ không phải là những người cuối cùng đi khỏi Triều Tiên". Các nhà ngoại giao Nga mô tả tình trạng thiếu thốn ở Bình Nhưỡng là "không thể chịu đựng".

"Thật dễ để hiểu những người quyết định rời khỏi thủ đô Triều Tiên. Hầu hết mọi người không thể chịu được những lệnh hạn chế chặt chẽ, sự thiếu hụt nặng nề của các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả thuốc men, và các biện pháp chăm sóc sức khỏe", bức thư viết.

Nga là một trong những nước cử nhiều nhà ngoại giao tới Triều Tiên nhất, nhưng các nhân viên của họ đã bắt đầu rời đi trong thời gian qua. Bức thư viết rằng "còn rất ít nhà ngoại giao" vẫn ở lại Bình Nhưỡng và số người nước ngoài vẫn còn ở tại Triều Tiên là 290 người.

Trừ 3 người, toàn bộ nhân viên các tổ chức cứu trợ quốc tế đã sơ tán khỏi Triều Tiên từ tháng 12 năm ngoái, trong khi Liên Hợp Quốc cho biết, họ không còn nhân viên là người nước ngoài ở quốc gia Đông Á.

Biên giới Triều Tiên đã đóng cửa từ đầu năm ngoái để chống dịch khiến nước này gặp nhiều khó khăn. Thương mại với đối tác lớn nhất, Trung Quốc, giảm tới 80% với hoạt động nhập khẩu lương thực và thuốc men rơi xuống mốc gần bằng 0 vào năm 2020.

Các nhà hoạt động kêu gọi chính phủ nước ngoài nên ưu tiên hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên, hơn là chỉ tập trung vào chương trình hạt nhân.

Nhà nghiên cứu Lina Yoon từ tổ chức HRW cho rằng: "Điều quan trọng là thế giới cần nhớ tới người dân Triều Tiên, chứ không chỉ là kho vũ khí của họ".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà ngoại giao nước ngoài đồng loạt rời Triều Tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO