Công nhân phải có xác nhận của chính quyền địa phương là có nhà ở nhưng chật chội, diện tích bình quân dưới 10m2 sàn/người thì mới đủ điều kiện thuê trọ tại khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Quy định này khiến hơn 500 hồ sơ chờ xét duyệt bị ách tắc. Trong khi đó, hàng nghìn chỗ ở tại khu vực này đang để trống.
Được thuê nhà trọ tại khu nhà ở công nhân là mong đợi của người lao động.
Thừa phòng, công nhân vẫn phải thuê trọ ngoài
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2007, hàng chục nghìn công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đều hy vọng có chỗ ở mới tại khu nhà ở công nhân - là dự án đầu tiên của cả nước dành cho công nhân. Dự án có quy mô 28 đơn nguyên chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 có 24 đơn nguyên nhà 5 tầng với 1.084 phòng đáp ứng cho 9.168 chỗ ở; giai đoạn 2 gồm 4 đơn nguyên nhà 15 tầng với sức chứa 224 phòng (896 chỗ ở) cho hộ gia đình và 224 căn hộ (1.456 chỗ ở) phục vụ cho hộ độc thân.
Kể từ thời điểm vận hành năm 2007, 24 đơn nguyên nhà 5 tầng đã bố trí cho thuê 913 phòng (7.630 chỗ ở), còn trống 171 phòng. 4 đơn nguyên nhà 5 tầng, hiện còn trống 3 tòa CT1B, CT2, CT3 (336 phòng tương đương 1.904 chỗ ở). Tuy nhiên, năm 2013, 24 đơn nguyên 5 tầng rơi vào tình trạng bỏ trống 334/1.084 phòng, cộng với 336/448 căn hộ ở 4 đơn nguyên 15 tầng.
Lý giải về điều này, ông Phạm Hoàng Hải, Phó ban Quản lý nhà ở tái định cư, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà ở Hà Nội cho biết, theo tiêu chuẩn, khu 5 tầng dành cho các hộ độc thân thuê, nhưng từ năm 2013, phần lớn công nhân này lập gia đình nên không đủ tiêu chuẩn ở, các doanh nghiệp vì thế đồng loạt không ký tiếp hợp đồng thuê nhà cho công nhân. Công ty đã báo cáo UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan đề nghị cho mở rộng đối tượng được thuê nhà ở công nhân. Ngày 7-10-2014, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 7729/UBND-XDGT chấp thuận cho mở rộng đối tượng được thuê, bao gồm cả công nhân độc thân và hộ gia đình được phép thuê. Tuy nhiên, quy định về giá và bố trí người ở lại có bất cập. Mức giá chung là 120.000 đồng/người nhân theo số người đã thiết kế trong một phòng (từ 15 đến 18 người/phòng) khiến giá “đội” lên trên dưới 2 triệu đồng/tháng (chưa kể chi phí điện, nước). Cộng với việc, số người ở mỗi phòng quá đông, bất tiện trong sinh hoạt, nên một thời gian sau đó, nhiều công nhân đã chủ động ra ngoài thuê trọ dù không muốn.
Công nhân "kêu" yêu cầu xác nhận
Vấn đề trở nên khó giải quyết khi Nghị định 99/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 19/2016/ TT-BXD ngày 30-6-2016 của Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn mẫu giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở để đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Cụ thể, công nhân phải xác nhận: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình; có nhà ở nhưng chật chội, diện tích bình quân dưới 10m2 sàn/người; bị hư hỏng khung tường, mái nhà, dột nát hoặc thuộc diện bị giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất... Hầu hết doanh nghiệp, cá nhân đã nêu khó khăn, vướng mắc do công nhân đều là người ở các tỉnh, xin được các xác nhận trên rất khó khăn, phức tạp. Nên từ đầu năm 2017 đến nay rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân chưa hoàn thành các thủ tục để ký hợp đồng thuê nhà.
Các căn hộ do bị bỏ hoang lâu ngày nên nhiều mảng tường bong tróc, ẩm mốc. Trong khi đó, hàng trăm bộ hồ sơ vẫn bị "xếp xó", công nhân vẫn thuê trọ bên ngoài. Chị Nguyễn Thị Hương (quê Ninh Bình) hiện đang thuê nhà tại thôn Bầu, xã Kim Chung cho biết, đã nộp hồ sơ xin thuê nhà từ đầu năm 2017 đến nay vẫn chưa được duyệt vì chờ hướng dẫn theo quy định mới.
"Nhà tôi ở quê đất rộng hơn 100m2 nhưng chỗ làm cách nhà cả trăm cây số thì không thể sáng đi tối về được. Có bạn công nhân làm cùng tôi quê cách xa hàng trăm cây số thì quy định này làm khó cho chúng tôi quá" - chị Hương bức xúc.
Chị Lê Thị Hoa (quê ở Vĩnh Phúc) phải thuê một phòng trọ chật hẹp tại khu Cầu Chui, xã Kim Chung để ở. Chị Hoa cho biết, dù nộp hồ sơ nhưng không hy vọng được thuê vì nhà ở quê của chị rộng rãi, không đủ điều kiện.
Ông Phạm Hoàng Hải cho biết, hiện nay Nghị định 99/NĐ-CP và Thông tư 19 của Bộ Xây dựng quy định gộp chung khu nhà ở công nhân và nhà ở thu nhập thấp (cả thuê và thuê mua) gọi chung là nhà ở xã hội. Việc này là chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Quy định này thực sự làm khó cho công nhân, vì hầu hết họ đều ở các tỉnh xa về đây làm việc, nếu xin được xác nhận của địa phương mất nhiều thời gian, khó khăn cho đi lại. Hầu hết các gia đình ở các tỉnh đều có diện tích đất rộng, rất khó có gia đình nào diện tích dưới 10m2 để có thể "đủ điều kiện" được thuê nhà trọ.
Là dự án đầu tiên trong cả nước dành cho công nhân, nhưng thật đáng tiếc khi việc thiết kế phòng trong mỗi căn hộ chưa hợp lý, những bất cập trong quản lý và quy định chưa phù hợp với thực tế nên dù nguồn “cung” thừa vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Mong rằng các đơn vị liên quan cần sớm có chỉ đạo cụ thể để kịp thời giải quyết những vướng mắc nêu trên.