Trong chương trình công tác tại Bắc Ninh mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các khu nhà ở xã hội phải đầy đủ hạ tầng giao thông, điện, nước, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục. Vệ sinh, môi trường của các khu nhà ở xã hội phải bảo đảm đầy đủ, thuận tiện cho người dân như với các dự án nhà ở thương mại.
Cũng về vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - tập đoàn doanh nghiệp tư nhân hàng đầu đất nước, cũng đề xuất tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội.
Theo ông Vượng, nhà ở xã hội không chỉ là nhà ở cho người nghèo mà là nhà ở cho người chưa giàu và cho công dân bình thường. Vì rằng, người hiện nay nghèo nhưng có thể sau họ lại có tiền mua ô tô, xe máy. Với tầm nhìn đó, nhà ở xã hội cũng phải có chỗ để xe, vui chơi cho trẻ con, tiện ích cho người già...
Thực tế thì lâu nay nhà ở xã hội thường được “mặc định” là những khu nhà dành cho người nghèo, ít tiền. Chính vì thế mà các dịch vụ liên quan đến nhà ở xã hội rất thiếu thốn, lại quá xa khu vực trung tâm, đi lại rất bất tiện. Vì thế mà đã từng có những khu nhà ở xã hội “ế”, trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân lao động rất cao.
Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu thị trường OneHousing cho rằng đến năm 2025, Hà Nội sẽ thiếu hụt khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm với 90% nhu cầu là căn hộ chung cư. Căn hộ chung cư ở đây được hiểu là đã bao gồm cả nhà ở xã hội. Điều cũng rất đáng nói là từ 3 năm nay, giá căn hộ chung cư dưới 30 triệu đồng/m2 ở Hà Nội đã “biến mất”.
Ở thời điểm hiện tại, giá căn hộ chung cư phân khúc bình dân khá xa trung tâm đều đã từ 45 triệu đồng/m2 trở lên.
Tính toán của giới chuyên gia kinh tế thì với thu nhập trung bình của một gia đình lao động khoảng 20 triệu đồng/tháng, chi tiêu 10 triệu đồng, tiết kiệm 10 triệu đồng/tháng, mỗi năm để ra được 120 triệu đồng. Để có được 3,7 tỷ đồng mua nhà, sẽ mất khoảng 33 năm tiết kiệm, với điều kiện không được đau ốm và không có quá nhiều khoản chi phát sinh.
Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, tốc độ xây nhà ở xã hội ở Hà Nội và TPHCM (hai thành phố có nhu cầu nhà ở xã hội rất cao) thì lại đang rất chậm. Đến nay Hà Nội mới đạt gần 37%, còn TPHCM khoảng 21% chỉ tiêu xây dựng dự án nhà ở xã hội đến năm 2025.
Với những gì đã và đang diễn ra cho thấy đã đến lúc cần một cách đặt vấn đề mới, cách làm mới trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Trong đó có việc kéo giảm giá xây dựng, giá bán cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng, giảm lãi suất ngân hàng đối với doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội lẫn người dân vay để mua nhà ở xã hội.
Đặc biệt, không nên xây dựng những khu nhà ở xã hội quá thiếu thốn các yếu tố hạ tầng, bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt của người dân. Xã hội ngày càng phát triển, nhà ở không chỉ là nơi “chui ra chui vào” mà còn phải là nơi người ta có điều kiện tổ chức cuộc sống ngày một tốt hơn, hạnh phúc hơn. Mà muốn thế, điều đó phụ thuộc vào cách đặt vấn đề của chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp xây dựng.
Với chính quyền, không thể chỗ đất nào “thừa ra” thì để xây nhà ở xã hội, mà phải tính dài hơi hơn khi những nơi đó cũng chính là một bộ phận của đô thị.
Còn với doanh nghiệp tham gia xây nhà ở xã hội, cũng không thể vì “tối ưu hóa” lợi nhuận mà cắt xén tiện ích của khu nhà. Muốn đạt được điều đó cần có quy định rất cụ thể đối với loại hình nhà ở xã hội theo hướng cuộc sống phát triển, chứ không bị níu lại với cách nghĩ đó là nơi ở muôn thuở của người nghèo. Nếu thế, khi buộc phải nâng cấp những khu nhà thiếu tiện nghi sẽ rất khó khăn cho cả chính quyền lẫn người dân.