Tìm lời giải cho lý luận, phê bình mỹ thuật, ngày 16/9, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề “Lý luận, phê bình mỹ thuật ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp tác động đến đời sống nghệ thuật”.
Nhiều bức tranh của các danh họa hồi hương cần có tiếng nói của giới phê bình.
Sự tương hỗ giữa sáng tác và phê bình
PGS.TS Đoàn Thị Mỹ Hương - Trưởng Ban Nghiên cứu Nghệ thuật (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhìn nhận: Không ít người đã cho rằng mức độ đóng góp và phê bình đối với những tác phẩm nghệ thuật luôn là sự khởi đầu của các cuộc đối thoại về nghệ thuật và văn hóa. Bà Hương cũng dẫn lời nhà phê bình Lê Quốc Bảo: “Bản chất của phê bình nghệ thuật là nghệ thuật đối thoại, một khi là nghệ thuật đối thoại đòi hỏi nói sao cho lọt lỗ tai, viết sao có sức thuyết phục cả lý luận lẫn thực tiễn”. Thêm nữa, nhà phê bình Lê Quốc Bảo còn xác định vai trò tương hỗ giữa sáng tác và lý luận phê bình mỹ thuật, mối quan hệ qua lại giữa hai đối tượng này được coi là “song sinh” và là “một cặp bài trùng”.
Theo cách lập luận đó, lý luận phê bình mỹ thuật và sáng tác có thể “tác động chuyển hóa lẫn nhau” để cùng nhau “thúc đẩy nghệ thuật tiến tới” và “chiếm lĩnh cái đẹp đích thực của nghệ thuật”.
Tại Việt Nam, từ sau năm 1986, đời sống mỹ thuật của nhiều nghệ sĩ cũng như công chúng được nâng lên, có thể kể đến như sự bứt phá trong quan niệm sáng tác, số lượng tác phẩm mỹ thuật được các nhà sưu tập tranh trên thế giới chú ý tới ngày một gia tăng, nhiều triển lãm mỹ thuật và nghệ thuật thị giác liên tục diễn ra giúp công chúng có thêm cơ hội tiếp xúc với sự phát triển của nghệ thuật đương đại…
Tất cả đã tạo điều kiện cho sự “vào cuộc” không chỉ từ phía các nhà lý luận phê bình, mà công chúng cũng có thể góp tiếng nói của riêng mình về các vấn đề nghệ thuật đang diễn ra hiện nay. Tuy nhiên, để định hướng được sự khách quan và không ngộ nhận trong đánh giá tác phẩm nghệ thuật, vai trò của các nhà lý luận phê bình lại cần phải được đặt lên trên, bởi các nhận định, đánh giá nghệ thuật đó cần phải được xây dựng từ môi trường của sự sáng tạo nghệ thuật, thông qua hiện thực phong phú và sinh động của đời sống xã hội, nhằm định hướng và tạo nên những quan niệm thẩm mỹ đúng đắn trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Từ đó có thể thấy về mô hình tổ chức hoạt động, cần có thêm những diễn đàn lý luận phê bình mỹ thuật chính thống và đặt dưới sự bảo trợ của Nhà nước hoặc các tổ chức của mỹ thuật từ trung ương đến địa phương như Hội Mỹ thuật Việt Nam và các hội văn học - nghệ thuật các vùng miền khác trên cả nước. Để việc giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thị hiếu nghệ thuật cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh được coi trọng nhiều hơn, cần có giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống tài liệu về lý luận, phê bình mỹ thuật, tạo điều kiện xây dựng ngân hàng dữ liệu và phát triển nó để có thể đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Không thể võ đoán, cảm tính
Ngày 16/9, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức họp báo thông tin về Triển lãm lớn nhất trong năm- Triển lãm “Mở cửa”- Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986-2016). Theo đó, Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 28-9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm trưng bày tác phẩm của 50 nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, đa dạng về nội dung, ngôn ngữ thể hiện, phản ánh đa chiều đời sống xã hội Việt Nam đương đại. |
Có thể nói hiện nay, ngành phê bình ở Việt Nam thường được mặc nhiên coi như viết kiểu “nhận định những tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ gồm những yếu tố: chủ đề, tạo hình, thẩm mỹ, văn hóa, kỹ thuật…”; cao hơn nữa thì viết về “khuynh hướng, trường phái kim cổ đông tây”; giỏi hơn nữa, lý luận sắc bén, cao siêu hơn nữa thì viết “sự ảnh hưởng của mỹ thuật đến thẩm mỹ, đến văn hóa, đến sự phát triển rồi chỗ đứng của mỹ thuật đối với xã hội, với lịch sử”…
Ông Hoàng Anh - Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật cho rằng, điều này nghe rất khó thực hiện và lý thuyết. Và lỗi không chỉ riêng ở nhà phê bình. Một hệ thống cơ sở học phải phát triển đồng bộ để làm được điều đó là phải rất lâu nữa. Nhưng ngành phê bình và những người làm phê bình vẫn có thể làm ngay để như một đầu mối tiếp cận với công chúng yêu nghệ thuật qua các bài viết về triển lãm, giới thiệu các họa sĩ hoặc những bài viết có tính chất học thuật lý luận như chúng ta vẫn đang làm trước đây. Nó chỉ khác đi ở chỗ phê bình muốn tốt thì không thể viết võ đoán, viết theo cảm tính cá nhân mà phải xây dựng nó từ những nền tảng lý thuyết, học thuật. Các nhà phê bình nên là người nắm rõ hơn ai hết hệ thống lịch sử mỹ thuật. Phải hiểu được sự ảnh hưởng sâu sắc của mỹ thuật tới văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội qua từng giai đoạn lịch sử.
Cũng theo nhà phê bình Hoàng Anh, tác phẩm nghệ thuật rất cần công chúng, nhà phê bình nên là cầu nối giữa công chúng và người nghệ sĩ. Hãy viết đúng, viết chân thành, viết hay, viết sâu sắc để công chúng đọc và sẽ có những sự lựa chọn riêng mình với tác phẩm. Khi người phê bình có viết những lời góp ý dù khen hay chê nhưng sự chuẩn mực, đúng đắn trong bài viết sẽ khiến người nghệ sĩ sáng tác thấy tác phẩm của mình được tôn trọng; công chúng thì sẽ hiểu được giá trị của tác phẩm nằm ở đâu.