Nhà quay phim Nguyễn Lê Văn: Khát khao vùng vẫy

KHÚC HÀ LINH 27/10/2022 07:16

Khi tôi đến làm việc ở kênh truyền hình Nét Việt (VTC 10) mới biết Nguyễn Lê Văn. Lần đầu tiếp xúc, có cảm giác là người hờ hững, không mấy xởi lởi. Nhưng rồi giống như chén rượu quê, những giọt dưới đáy vò mới càng nồng đậm. Nguyễn Lê Văn là người như thế. Con người chỉ nhỏ nhẹ, cười tủm tỉm, nhưng khi đã quen biết, hóa ra cũng rôm chuyện. Cũng từ đấy tôi biết thêm điều này: NSND Nguyễn Đăng Bảy, người mà tôi ngưỡng mộ từ những năm 60 của thế kỷ trước, chính là thân phụ của Nguyễn Lê Văn. 

NSƯT Nguyễn Lê Văn.

Con nhà nòi

Nhớ lại, những năm 1965-1966, khi tôi học Trường Điện ảnh Việt Nam, bắt đầu thời chiến, trường điện ảnh còn có mật danh là “H 20 Đan Phượng - Hà Tây”. Ngày ấy những tên tuổi như đạo diễn: Lý Thái Bảo, Phạm Văn Khoa, quay phim Đăng Bảy được các thầy nói tới nhiều...

Rằng, năm 1961 nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy đã thổi hồn vào một bộ phim truyện, đã làm cho “Con chim vành khuyên” (đạo diễn Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ) vốn thấm đẫm chất thơ càng thăng hoa lãng mạn…

Đến sau này cả cuộc đời ông đã quay hơn 30 phim truyện, có tác phẩm để đời, như: “Nổi gió”, “Đến hẹn lại lên”, “Ngày Lễ thánh”, “Chị Dậu”… từng đóng đinh trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Một người về sau được các nghệ sĩ trẻ kính nể coi như cụ tiên chỉ trong làng điện ảnh Việt Nam.

Phải kể lể như thế, bởi vì bây giờ hàng ngày tôi được làm việc với con trai của nghệ sĩ Nguyễn Đăng Bảy, nên tôi càng quý. Nhiều người cứ tưởng Nguyễn Lê Văn có người cha là nghệ sĩ tài hoa, sức lan tỏa trong xã hội quá lớn, đứng dưới bóng râm rộng mát của cây cổ thụ, mà sinh ra ỷ lại? Thực ra Nguyễn Lê Văn giản dị, chân thật mộc mạc từ trong sinh hoạt đến làm việc, cặm cụi như ngọn nến cháy hết mình.

Năm 1972, tròn 20 tuổi, Nguyễn Lê Văn đi học quay phim khóa VI Trường Điện ảnh Việt Nam. Thừa hưởng tố chất của người cha, anh sinh viên chí thú học hành. Ra trường, là vào ngay môi trường phim tài liệu, là xông pha, vác máy lên rừng xuống bể, lấy cảm xúc cuộc đời soi rọi qua ống kính. Tuổi trẻ, anh chịu chà sát và quăng quật trong cuộc sống lao động nghệ thuật và tâm đắc với bài học: Hãy chăm chút từng mảnh ánh sáng và những góc nhìn.

Từ đấy sẽ tạo nên hồn vía nhân vật. Cũng vì công việc, quay phim Nguyễn Lê Văn được tiếp cận nhiều sự kiện lớn của đất nước: Đại hội Đảng toàn quốc, chứng kiến các đại lễ quốc gia, tác nghiệp rất gần những hoạt động các lãnh đạo cấp cao của Đảng. Những năm tháng làm phim tài liệu du lịch, đi khắp vùng miền tổ quốc.

Có lần Nguyễn Lê Văn kể rằng, không thể quên những ngày làm phim “Vòng cung phía bắc” bằng xe moto, xe UAZ xuyên qua 8 tỉnh Tây Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang). Rồi “Vòng cung phía nam” bằng xe moto, xe Jeep vượt qua các địa danh Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, TPHCM, với gần 30 du khách nước ngoài tự lái, cùng hàng trăm người đồng hành. Trên chặng đường gian nan ấy, đã gặp bao nhiêu tình huống gay cấn xảy ra, thậm chí máy quay phim có lần bị đứt mạch điện giữa đường, lo đến thót tim.

Nguyễn Lê Văn có “gen” di truyền bấm máy từ người cha. Nhìn tiểu mục “Giải thưởng” trong trích ngang lý lịch đã thấy nể. Một giải Nhất liên hoan Điện ảnh và Truyền hình quốc tế về Thể thao và Du lịch lần thứ V (FICTS). Trong nước, ông dành 4 giải Cánh diều vàng, 4 giải Cánh diều bạc, 2 giải Cánh diều cho đạo diễn xuất sắc, 2 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc Liên hoan phim truyền hình và một số giải thưởng đặc biệt, giải B, C giải khuyến khích, rồi những bằng khen trong nước và quốc tế.

Khi đã nghỉ hưu, Nguyễn Lê Văn còn viết sách. Cuốn “Truyền hình Việt Nam, quá khứ và hiện tại - 2020” được tặng thưởng “Cánh diều Bạc”…

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012. Tính ra trên 30 năm công tác, có 10 năm làm trưởng phòng quay phim và đạo diễn - Ban Khoa giáo VTV đến lúc nghỉ hưu.

Trong đời có người làm nhiều nghề, xê dịch ở nhiều nơi. Với NSƯT Nguyễn Lê Văn, chỉ có một nghề quay phim rồi đạo diễn, ở một ngôi nhà. Đấy là ngôi nhà Đài Truyền hình Việt Nam. Chính nơi đây, ông đã sáng tạo nghệ thuật, lập nghiệp, thành danh.

NSƯT Nguyễn Lê Văn tham dự đại hội Điện ảnh lần thứ IX (người đeo kính, thứ 4 từ phải sang).

Người thắp lửa

Khi về kênh Nét Việt làm trong ban cố vấn, NSƯT Nguyễn Lê Văn vừa là người thầy, người bạn của các biên tập viên, quay phim trẻ. Ông nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm dựng phim một cách chân thành. Những ký ức về người cha truyền dạy khi còn đi học, rồi trải nghiệm khi vác máy quay những thước phim đầu đời… ông lại truyền cho họ.

Ông tâm sự: Con chữ bầu lên nhà văn, giai điệu tiết tấu tạo thành tên tuổi nhạc sĩ, với chúng ta ánh sáng và góc quay sẽ tạo thành nét thơ, khắc họa số phận con người. Ông như một người thắp lửa, tiếp nhiên liệu và giữ ngọn lửa cháy mãi trong bầu không khí của truyền hình VTC.

Kênh truyền hình VTC 10 có hàng trăm phóng viên, quay phim, biên tập viên đều tốt nghiệp các trường đại học, hoặc cơ sở đào tạo truyền thanh, truyền hình quốc gia. Nguyễn Lê Văn đề nghị lãnh đạo cho mở lớp bồi dưỡng làm phim tài liệu, phóng sự, để cập nhật thông tin và làm mới cách biểu hiện. Nhiều nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình có kinh nghiệm, kể cả NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng tới giảng bài, hướng dẫn. Học viên được nghe lý luận, xem phim ngoại khóa và được cấp giấy chứng chỉ học tập.

Ông có công lớn trong việc thành lập chi hội điện ảnh ở Công ty Truyền thông đa phương tiện kỹ thuật số-VTC. Khi Chi hội điện ảnh VTC 10 hình thành, NSƯT Nguyễn Lê Văn được bầu làm Chi hội trưởng, và ông lại khuyến khích hội viên tham gia viết kịch bản, dự trại sáng tác. Mỗi lần trong nước có cuộc thi gì về điện ảnh, về truyền hình ông đều thông tin nội dung thể tài cho từng người, chuẩn bị tác phẩm tham gia. Nguyễn Lê Văn còn hướng dẫn, khích lệ đồng nghiệp kê khai thành tích để hội đồng chuyên ngành xét danh hiệu NSƯT cho bạn mình.

Nước tự nguồn

Làng Phù Lưu (xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), là quê của Nguyễn Lê Văn. Mảnh đất sinh ra nhiều người nổi tiếng: Họa sĩ Hoàng Tích Chù; nhà văn Kim Lân, Nguyễn Địch Dũng; nhà thơ Hoàng Hưng; nhạc sĩ Hồ Bắc; NSND Nguyễn Đăng Bảy.

Thuở nhỏ sống với cha mẹ ở Hà Nội, lớn lên đi học quay phim theo nghiệp cha, rồi gắn bó ba bốn chục năm tại Đài Truyền hình Việt Nam. Cuốn phim tài liệu của Nguyễn Lê Văn “Hồ Chí Minh – Quá khứ, hiện tại và tương lai” để lại trong ông nhiều bài học về làm người, làm nghề mà người cha đã truyền dạy. Ông không quên được giây phút cảm động, năm xưa trong buổi lễ tôn vinh danh hiệu Cánh diều Vàng NSND Nguyễn Đăng Bảy (do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức), đã cảm động lên sân khấu, nhận vinh quang người cha quá cố để lại.

Tuổi Nhâm Thìn, NSƯT Nguyễn Lê Văn như con rồng vẫn khát khao vùng vẫy. Ngôi nhà đang sống nằm trên phố Phó Đức Chính, thụt hẳn dưới đường Yên Phụ, gần cây cổ thụ và ngôi miếu bàng bạc nắng mưa phảng phất màu cổ tích. Ngôi nhà đã nhỏ, mà chủ nhân có thú sưu tầm đồ cổ, dẫu đã khéo chọn những vật kích thước nhỏ, nhưng vẫn chật chội.

Tuy thế, ở đây lại thường có đông bạn bè lui tới. Có lần mùa đông giá rét 10 độ, Nguyễn Lê Văn gọi điện nhắn tôi lên chơi. Rằng có bạn bè, cả “Dũng Tiệp Khắc” ở nước ngoài về thăm quê hương. Từ tỉnh lẻ bắt xe lên đến nơi, thì đã thấy các “kẻ sĩ Bắc Hà” quây quần quanh chiếc bàn gỗ, bày những món ăn dân dã, bà chủ nhà thì vồn vã chào đón khách của chồng. Ngoài trời gió lạnh, trong nhà tiếng cụng ly nghe ấm rực lòng người.

Tôi bỗng nhớ ai đó kể rằng: Trên cổng làng Phù Lưu cổ kính dẫu bao nhiêu biển đổi, nhưng bây giờ vẫn còn đôi câu đối. Vế bên này khắc chữ “Nhập hương vấn tục” và vế bên kia là “Xuất môn kiến tân”. Có người giảng rằng: Đi đâu không biết, nhưng về làng giữ gìn tục lệ, khi ra ngoài biết thù tạc bạn thân. Đấy, nét văn hóa của làng Phù Lưu, Kinh Bắc vẫn thấm đượm trong con người Nguyễn Lê Văn như thế.

Nguyễn Lê Văn có “gen” di truyền bấm máy từ người cha. Nhìn tiểu mục “Giải thưởng” trong trích ngang lý lịch đã thấy nể. Một giải Nhất liên hoan Điện ảnh và Truyền hình quốc tế về Thể thao và Du lịch lần thứ V (FICTS). Trong nước ông dành 4 giải Cánh diều vàng, 4 giải Cánh diều bạc, 2 giải Cánh diều cho đạo diễn xuất sắc, 2 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc Liên hoan phim truyền hình và một số giải thưởng đặc biệt, giải B, C giải khuyến khích, rồi những bằng khen trong nước và quốc tế. Khi đã nghỉ hưu, Nguyễn Lê Văn còn viết sách. Cuốn “Truyền hình Việt Nam, quá khứ và hiện tại - 2020” được tặng thưởng “Cánh diều Bạc”… Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà quay phim Nguyễn Lê Văn: Khát khao vùng vẫy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO