Với mong muốn mang thơ ca, âm nhạc, hội họa, những tâm sự, trải nghiệm cá nhân... chia sẻ với bạn bè khắp mọi miền đất nước, nhà thơ - TS Đinh Hoàng Anh cùng chồng là hoạ sĩ Thái Tĩnh đã tự tổ chức chương trình Hát thơ xuyên Việt, địa điểm lựa chọn đầu tiên là TP HCM.
PV Báo Đại Đoàn Kết trò chuyện với chị ngay trước khi chương trình Hát thơ diễn ra vào lúc 14h30, ngày 9/4, tại Salon Cà phê thứ Bảy, Phạm Ngọc Thạch.
Nhà thơ Đinh Hoàng Anh cùng chồng, hoạ sĩ Thái Tĩnh.
PV:Vì sao là một chương trình Xuyên Việt, thưa chị?
Nhà thơ Đinh Hoàng Anh: Thực ra vợ chồng tôi đã từng đi khắp nơi cùng nhau, lâu lâu cũng gặp gỡ bạn bè các vùng miền trên đất nước, rồi đọc thơ, hát... và bọn tôi rất thích những cuộc rong chơi như thế. Từ lâu bọn tôi vẫn có ý định tổ chức một chuyến đi xuyên Việt và giới thiệu các tác phẩm thơ, họa, nhạc của hai vợ chồng.
Nhưng một thời gian khá lâu do công việc bận rộn, nuôi con nhỏ... nên mãi đến bây giờ mới thực hiện được ý định. Chúng tôi chưa lên lịch được chính xác nhưng có 2 địa điểm mình chắc chắn sẽ đến là Quy Nhơn và Huế, nếu có thể thì sẽ qua Nghệ An, là quê hương của chồng mình.
Nhiều người yêu thơ đã biết tới chị qua chương trình Hát thơ từng được tổ chức. Phải chăng đó cũng là hình thức làm mới cho thơ?
- Đây là một câu chuyện rất thú vị vì nó liên quan đến sự phối hợp trong sáng tạo của hai vợ chồng. Có thể nói đó là một mối nhân duyên kỳ lạ. Đầu tiên tôi chỉ làm thơ, nhưng chắc do tôi học đàn piano từ lúc còn nhỏ và luôn say sưa với âm nhạc nên thơ của tôi có nhạc tính.
Tôi thích ngao du với vần điệu, với giai âm trong ngôn ngữ. Và Thái Tĩnh cảm nhận được âm nhạc trong những vần thơ của tôi. Anh ấy là một họa sĩ, biết rất ít nhạc lý, nhưng lại có giọng ca rất truyền cảm. Và anh ấy cứ lấy những bài thơ của tôi hát lên (tất nhiên chỉ một số bài thôi). Rồi tôi ghi lại những bài Hát thơ ấy và đã kết hợp với Pianist Nguyễn Tuấn Nam, một nhạc công chơi nhạc jazz tài năng, học ở Thụy Điển về, để phối khí và thu âm, nhưng chưa phát hành.
Thế nhưng một năm nay tôi lại bắt đầu viết nhạc. Tại sao lại bắt đầu, thì tôi cũng không biết. Vào một ngày sương trắng rất đẹp của Hà Nội, khi cùng chồng con thả thuyền trên hồ Tây, sự tĩnh lặng sâu sắc của khung cảnh hôm ấy khiến âm nhạc tự nhiên vang lên trông đầu tôi, giống như một hoài niệm đã quên đi từ lâu. Và trong khoảng nửa tiếng tôi đã viết xong bài hát “Mùa thu trắng”. Và tôi chợt nhận ra, âm nhạc chính là "Mộng ban đầu" của mình. Cho tới nay đã được mười một ca khúc rồi.
Chị tìm niềm vui nào khi phối hợp giữa thơ và nhạc?
- Làm thơ đôi khi giống như người đi đào bới nội tâm bản thân, vì thơ được chắt lọc từ nhiều nỗi niềm về kiếp người, có lúc không tránh khỏi cảm giác đau đớn, dằn vặt...
Nhưng âm nhạc thì giống như một đôi cánh, ít ra đó là cảm giác của mình. Những giai điệu đến với mình rất tình cờ, hầu như là khi mình đang ở trên rừng núi, ngoài đồng, trên sông hồ, giữa thiên nhiên. Đó là những khoảnh khắc mình rơi vào Thiền, những giây phút thăng hoa sâu sắc.
Suy nghĩ tan biến, bản thân cũng tan biến, chỉ thấy âm nhạc như một luồng năng lượng dâng lên trong cơ thể, và mình chỉ việc lựa ca từ cho nó thôi. Gọi là niềm vui có lẽ hơi ít, những khoảng thời gian viết các ca khúc đó mang lại niềm hoan lạc không gì sánh nổi.
Không dễ gì vợ nhà thơ, chồng hoạ sĩ lại có thể bên nhau chia sẻ nhiều điều và lâu bền như anh chị. Làm sao anh chị dung hoà được trái tim đa cảm nghệ sĩ với mái ấm gia đình?
- Thực ra vợ chồng mình hợp nhau ở một điểm: Mọi cái để cho tự nhiên. Và vì cả hai đều có tính ngẫu hứng rất cao nên gia đình mình sống cũng rất ngẫu hứng, với lại có ai quy định thế nào mới là mái ám gia đình đâu. Ví dụ như vợ chồng mình thích đi đây đi đó thì sẽ thiết lập cuộc sống kiểu gia đình du mục. Vậy thôi. Và chừng nào còn duyên thì sẽ còn rong chơi hết mình, không băn khoăn đến ngày mai.
Xin cảm ơn chị!