Nhà thơ Huỳnh Mai Liên là tác giả của một số tập thơ: “Biển là trẻ con”, “Ngày xưa của con”, “Mẹ yêu ai nhất?”... Con gái chị, bé Bùi Mai Khuê (tên gọi ở nhà là bé Ong) đã đạt giải Nhất hạng mục Tiểu học cùng giải đặc biệt của cuộc thi Sáng tác truyện “Đóa hoa đồng thoại” lần thứ hai. Và giờ đây, chị đang đồng hành cùng tuổi dậy thì của con gái.
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên và con gái dù đã chuẩn bị trước, song bản thân chị vẫn bất ngờ trước sự thay đổi của con mình: “Cùng với đó là việc thay đổi tâm lý của con khiến mẹ chóng mặt theo. Con sẽ không thích lúc nào cũng kè kè bên mẹ. Đầu tiên là con muốn ngủ riêng phòng, điều mà trước đó con rất sợ. Rồi con hay nhốt mình trong phòng, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết. Khi đó, tôi mới chợt nhận ra một điều: con đang trở thành người lớn.
Khi bé bước sang tuổi dậy thì, cảm xúc dễ xáo trộn, dễ buồn, mong manh, nhạy cảm hơn. Cũng vì thế nhiều khi chỉ một câu nhắc nhở của mẹ cũng khiến con cáu kỉnh và to tiếng. Song ngay lập tức hoặc cùng lắm một lát sau, con sẽ trở về là một cô gái nhỏ của mẹ rụt rè lời xin lỗi. Tôi cũng tập làm quen với sự thay đổi này để chờ đợi con bình tĩnh lại, vì khi mẹ cũng nổi giận theo sẽ khiến tâm lý của con càng căng thẳng hơn”.
Chị Mai Liên chia sẻ, từ nhỏ, Mai Khuê là một cô bé cá tính mạnh và có thiên hướng sáng tác. Món quà đầu tiên chị tặng con là những cuốn sách về tuổi dậy thì, để con tự đọc, tự tìm hiểu và trao đổi với bạn bè: “Cũng không tránh khỏi thoáng chốc, hai mẹ con bất đồng, giận dỗi nhau, nhưng tôi nhận ra mình cần phải thay đổi. Tôi tránh không phê bình khi con mắc lỗi hay điểm kém. Tôi tập cho mình chấp nhận con với những khả năng và hạn chế của bạn ấy. Tôi dành thời gian đặt câu hỏi để con kể về các bạn, về lớp, những trò đùa. Và nhờ thế, một ngày nào đó khi trao đổi với phụ huynh khác trong lớp, tôi thầm hiểu rằng mình đã may mắn dường nào khi được là bạn của con”.
Theo chị Mai Liên, các bạn tuổi mới lớn hôm nay đúng là khác hẳn với thế hệ của chị ngày trước. Từ vóc dáng đến nhiều mặt các con còn giỏi hơn bố mẹ của hiện tại: giao tiếp tiếng Anh thoải mái với giáo viên người nước ngoài, làm slide các bài thuyết trình trên lớp, khám phá nhiều phần mềm ở điện thoại, máy tính mà bố mẹ chưa bao giờ đụng tới. Cùng với đó, con có những quan điểm, góc nhìn riêng và sẵn sàng nổi cáu khi người lớn "vi phạm" đến niềm tin của mình. Khi hiểu về những "giới hạn" này, chị biết lúc nào cần phải rút lui hay nói lời xin lỗi khi mình nhầm hoặc sai.
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên sáng tác thơ dành cho trẻ em, bên cạnh là những bức tranh của con chị vẽ. Với chị, có “họa sĩ nhí” minh họa đồng hành trong sáng tác là một niềm vui nho nhỏ: “Hai mẹ con trở thành cảm hứng của nhau, chia sẻ cùng nhau trong từng dự án sách. Thường là mẹ viết xong rồi đưa con minh họa. Song cũng có trường hợp từ bức tranh của con mẹ muốn viết bài thơ”.
Dự kiến trong năm nay, cả hai mẹ con chị sẽ cùng xuất hiện trong tập thơ thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng.
“Việc trẻ em khám phá nghệ thuật và đắm chìm trong đó cũng tùy từng đứa trẻ, vì mỗi bạn nhỏ có một khả năng khác nhau”, chị Mai Liên đánh giá, và chia sẻ: “Như Mai Khuê, vẽ tranh và sáng tác truyện như một người bạn để con chia sẻ, gửi gắm cảm xúc của mình. Mai Khuê vẽ rất nhiều, thậm chí có những buổi vẽ đến 3 giờ sáng. Con vẽ lấp chỗ trống khi đi ra ngoài, khi ở lớp không có bạn nào nói chuyện với mình. Và con thường không muốn mọi người xem tranh của mình, vì coi đó là một thế giới riêng. Tôi cũng tôn trọng điều đó”.
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên đã tham gia sản xuất những chương trình truyền hình dành cho thanh thiếu niên của VTV6 như: Thông điệp tuổi 20, Khi người ta trẻ, V6 và những người bạn, Phim trẻ..., điều đầu tiên chị chú ý là tính "mở" để tiếng nói, tinh thần của người trẻ lan tỏa trong từng chủ đề. Bên cạnh đó là tính tương tác, để người trẻ trực tiếp chia sẻ suy nghĩ, quan điểm sống của mình, để khán giả thanh thiếu niên cảm thấy gần gũi, dễ tiếp cận.
“Sự khác biệt thế hệ là điều đương nhiên xảy ra, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không thể nào xích lại gần nhau. Các con cần ở cha mẹ không chỉ là sự dạy dỗ, hướng dẫn mà còn mong muốn cha mẹ hãy lắng nghe con, hiểu con.
Để trở thành một người bạn đồng hành cùng con không dễ dàng, đòi hỏi cha mẹ phải học hỏi để có kiến thức nắm bắt tâm lý, biết tôn trọng, yêu thương con đúng cách. Khi con có bố mẹ làm bạn, con sẽ không phải lo đối phó, giảm bớt những áp lực không đáng có để thêm tự tin trong cuộc sống. Vì thế, muốn giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì, bố mẹ cũng cần học hỏi, cập nhật thông tin để "được" làm bạn cùng con, lớn lên cùng con”.