Tinh hoa Việt

Nhà thơ Lê Huy Mậu: ‘Cụng ly’ cùng quá khứ

Ngô Đức Hành 24/04/2025 14:50

Tuy sáng tác khá nhiều, nhưng tên tuổi Lê Huy Mậu với tư cách nhà thơ chưa ai biết. Mãi đến năm 2002, ông gặp nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo như một định mệnh. Trường ca Thời gian khắc khoải, trong đó có chương “Khúc hát sông quê” được ông giúi vào tay Nguyễn Trọng Tạo...

Nhà thơ Lê Huy Mậu
Nhà thơ Lê Huy Mậu

1.Lê Huy Mậu lễ mễ nhưng nhanh nhẹn không khác ông nông dân vào thời vụ. Gặp nhau chưa kịp chụp tấm hình, chỉ mới bắt tay, nhận câu nói thân thuộc “Chú em à” rồi chia tay. Ông bảo: “Anh về Thanh Chương đây”. Nơi đó là cố thổ, “ta lại về úp mặt vào sông quê”, như câu thơ của ông.

Tôi cũng như ông, lớn lên từ quê, đầm đìa cùng lam lũ; đều từ quê ra phố. Hẳn nhiên, rất rất nhiều nhà văn, nhà thơ như vậy. Với Lê Huy Mậu, mỗi lần gặp ông, dẫu trong các salon, resort đẳng cấp, tôi vẫn nhận ra nơi ông ngan ngát cánh đồng.

Năm 2016, tôi làm bài thơ chân dung về ông, trong đó có mấy câu: “Nhà thơ này ít khi ồn ào giữa chốn đông người / Ông thường chọn cho mình góc khuất / Và chân thành hỏi thật / Thơ chú mày vừa in có bán được không?”.

Lê Huy Mậu sinh năm 1949, từng bước qua “đời lính”, chiến đấu ở Tây Nguyên; yêu văn chương từ khi còn là một anh lính trẻ. Nhưng yêu để trong lòng, chỉ bầu bạn với sách vở. Sau khi đất nước thống nhất, Lê Huy Mậu trở về thi đại học năm 1975; ông ước nguyện vào Khoa Văn nhưng lại bị phân vào Khoa Triết học. Nhưng tình yêu văn chương vẫn thì không hề lay chuyển, thế là Lê Huy Mậu "đàn đúm" với cánh thơ Bùi Việt Phong, Lương Minh Cừ, Nguyễn Hòa Bình… để sáng tác.

Lê Huy Mậu còn gặp một “khúc quanh” nghề nghiệp khác, chắn ngang mọi hoài bão của ông suốt 10 năm. Đã có lúc ông nghĩ mình là một kẻ lạc lõng, xa lạ với bầu trời thi ca. Ở đơn vị hải quan mãi, giàu có cũng không, mà sáng tác cũng dở dang, Lê Huy Mậu quyết định dứt áo ra đi khỏi cái nơi, nhiều kẻ ao ước mà không được. Năm 1987, ông đến với cơ quan văn hóa nghệ thuật ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tuy sáng tác khá nhiều, nhưng tên tuổi Lê Huy Mậu với tư cách nhà thơ chưa ai biết. Mãi đến năm 2002, ông gặp nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo như một định mệnh. Trường ca Thời gian khắc khoải, trong đó có chương “Khúc hát sông quê” được ông giúi vào tay Nguyễn Trọng Tạo. Bài hát “Khúc hát sông quê”, đồng tác giả ra đời. Tên tuổi Lê Huy Mậu bay lên cùng Nguyễn Trọng Tạo, cùng “Khúc hát sông quê”. Cũng năm đó, ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Dẫu không ít thành tựu văn chương, nhưng Lê Huy Mậu giản dị, khiêm nhường. Ông tâm sự: “Là một người viết văn, tôi nhận thấy mình như một thân cây bé nhỏ, bình thường trong khu vườn đại thụ văn chương; và suốt đời cần mẫn, cặm cụi trên cánh đồng chữ nghĩa, nếu có một chút đóng góp được gì... tôi nghĩ ngoài sự đóng góp của bản thân ra, còn có một phần nào nhờ sự nâng đỡ và đóng góp của bạn văn và kinh nghiệm của các bậc tiền bối”.

Rất chân thành, rất Lê Huy Mậu.

lehuymautieptuc_GDGV (1)

2.Nhoáng nhoàng nhưng nhà thơ Lê Huy Mậu còn kịp tặng tôi tập thơ mới nhất “Như lá đã từng xanh”, NXB Thanh Niên năm 2024. Tập thơ gồm 72 bài, chủ đề chính là tình bạn, tình yêu. Đằng sau con chữ trong Như lá đã từng xanh là những cảm xúc bật lên từ đúc kết, đốn ngộ ở cuộc đời. “Xưa tôi thấy hạnh phúc ở nhà bên / Giờ tôi thấy bình yên là hạnh phúc”, (Hạnh phúc là bình yên).

Tập thơ là tiếng thở dài của hiện hữu trước vô thường. Lướt qua tên nhiều bài thơ đã linh cảm thấy “có vấn đề” cần đọc. Ví dụ: "Đường tới Niết bàn", "Hoa ưu đàm", "Bản thể", "Phía con người", "Thao thức", "Thời gian", "Thực và mơ"... Tên tác phẩm đã làm người đọc liên tưởng đến siêu thực.

Tập thơ này mới xuất bản năm 2024, nhưng các bài thơ trong tập được sáng tác trong một thời gian dài, chủ yếu là trong ba năm nhân loại, trong đó có Việt Nam đối mặt với “kẻ thù” phi truyền thống, đó là đại dịch Covid-19. Sự sống và cái chết trở nên mong manh. Lê Huy Mậu chiêm nghiệm về đời sống.

Ở tuổi gần bát thập, chắc chắn Lê Huy Mậu đã sống kỹ càng cùng năm tháng. Nhà thơ trước hết là con người, tâm lý chung ai cũng nghĩ về quá khứ, hay nói về sự quên lãng... dẫu luôn điềm tĩnh. Lê Huy Mậu không ngoại lệ. “Sống rất đông bạn bè nhưng rốt lại / Đong đếm cuộc người chẳng được mấy tri âm”, (Mong ước đơn sơ); “Tôi là tôi. Cát bụi cũng là tôi / Quan trọng gì đâu còn hay mất”, (Thơ viết trước giao thừa); “Ta giữa đại dương / Một giọt xanh hòa vào xanh thẳm / Ta bé nhỏ và ta hữu hạn / Thêm ta biển chẳng đầy / Bớt ta đại dương chẳng cạn”, (Không đề cho tháng ba)...

Cách đây hơn 5 năm, nhà thơ Lê Huy Mậu gặp một “biến cố”, do con trai mang đến. Con trai ông là một người tài về công nghệ, khát khao khởi nghiệp, ở lĩnh vực mà bây giờ gọi là AI, chuyển đổi số và cần vay vốn. Khi cậu tâm sự với vợ chồng ông, ông choáng: “Tôi nhát gan / Tôi yếm thế / Tôi yên phận thủ tường / Đến mơ thôi, tôi cũng mơ nhỏ bé / Vậy mà con tôi mơ tận đẩu đâu”. Thế nhưng tình thương con thì vô hạn: “Con trai ạ! Bố mẹ chẳng có gì / Ngoài tấm lòng thương con vô hạn”, (Ngày mai, ngày kia, phía trước).

Không có tiền cho con vay, nhưng không “cản” được dự án của người con trai. “Bố đành cho con mượn chủ quyền nhà / Có người bảo thế là mạo hiểm / Bố đánh cược một phần trăm hy vọng vào con”, (Hái trăng).

Khi thực hiện, vốn quá lớn không huy động tiếp tục được nên con trai ông đành chấp nhận đổ bể. Vợ chồng Lê Huy Mậu đành phải bán căn nhà mặt phố lấy tiền cho con mình trả nợ, ngoại thất thập phải tìm nơi ở mới: “Một căn hộ chung cư bình dân / Một chỗ ở ngoại thành mặt hẻm / Có sao đâu, bố có lương hưu”, (Hái trăng).

Những ngày sau đó, ông chuếnh choáng và lao đao, tâm lý bất ổn, đến nỗi nhà thơ phải lên mạng xã hội “cầu cứu”. Ông cùng gia đình vượt qua bão tố, tìm kiếm an nhiên, buông bỏ. Lê Huy Mậu tin vào những điều thánh thiện ở con người. “Đẹp vô cùng! Trời đất! Buổi sáng nay / Ta thức dậy vươn vai sảng khoái / Không biết ai. Nhưng phải có ai đấy / Chẳng lẽ loài người vô cớ được sinh ra”, (Những ý nghĩ rời rạc).

3.Con người ai cũng có cố thổ, thuộc về nơi đó, càng về già, gốc gác “nhà quê”, (cách nói của Nguyễn Trọng Tạo) càng hiển thị lên rõ nét. Lê Huy Mậu không ngoại lệ.

Cùng sinh ra bên dòng sông Lam với ông, có các nhà thơ, nhà văn đã quá cố như Đặng Văn Ký, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Thành An, Hoàng Trần Cương... Mỗi lần về Thanh Cương, ngồi ngắm dòng Lam, Lê Huy Mậu thường nhớ bạn. “Chưa kịp hội ngộ cùng nhau lấy một lần / Nhưng nhà văn cùng uống chung dòng nước / Chén rượu quê bây giờ mình tôi rót / Bây giờ một mình tôi ngồi uống với sông Lam”, (Uống rượu với sông Lam).

Càng lớn tuổi, con người càng sợ cô đơn. Lê Huy Mậu từng viết: “Có những lúc tôi muốn trút bầu tâm sự / Nhưng xung quanh, nhìn quanh chẳng có một ai...”, (Trò chuyện cùng đám bụi). Không phải không có đâu. Người sinh, đất không đẻ là quy luật muôn đời. Cái chính là mỗi thế hệ, tâm sinh lý khác nhau, thang giá trị, mối quan tâm khác nhau. Vậy nên sống trong đời sống mới cần tri âm, tri kỷ.

Thế nhưng Lê Huy Mậu luôn tin những điều tốt đẹp, sống “Như lá đã từng xanh”. Cuộc sống với biến bao thay đổi, thế giới ngày càng đa biến. Thi sỹ vốn cô đơn. Tâm hồn họ vốn nhạy cảm. Những thanh âm trong tâm hồn họ nhạy cảm, dễ rung lên.

“Tựa ngày xưa để sống giữa hôm nay”, “Sao bây giờ đủ đầy mà không thấy sướng”, Lê Huy Mậu từng hoài nghi, thảng thốt. Hỷ, nộ, ái, ố suy cho cùng là những cung bậc của đời người. Vấp ngã, đau khổ với bất cứ ai, suy cho cùng là những gia vị trong kiếp người, của kiếp người một lần được sinh ra.

Những lúc buồn nản, hoặc tâm tư bị nhiều xáo trộn của đời sống, có lẽ không ai, nhất là các thi sỹ, không nhớ đến câu thơ của Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ và đứng dậy…”. Nhà thơ sở hữu nỗi buồn, tựa vào đêm, vịn vào câu thơ để bước tiếp; dẫu nhiều lúc: “Những câu thơ hiện lên trong đầu / Nhưng chỉ được vài dòng rồi tắt ngóm”, “Thơ cứ đến và dở dang tất cả”, (Hoa ưu đàm).

Lê Huy Mậu vẫn đi về. Tiếng gọi của ký ức làm cho khoảng cách giữa Vũng Tàu và Thanh Chương quê ông không xa lắm. Ở nơi đó, Lê Huy Mậu, hạnh phúc: “Cụng ly nào! Quá khứ mến yêu ơi”, (Bữa tiệc Tết).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Lê Huy Mậu: ‘Cụng ly’ cùng quá khứ