Ngay khi vừa kết thúc chuyến thiện nguyện cứu trợ bà con khó khăn vùng tâm dịch tại Sài Gòn - TPHCM liên tục 72 ngày đêm, nhà thơ Minh Đan chuẩn bị bản thảo tập thơ mới “Phút bù giờ” dự kiến ra mắt vào tháng 11 tới.
Hơn 20 năm sống tại thành phố này, như chị chia sẻ, không cần tỏ ra, không cần cố gắng mà như một lẽ tự nhiên, Minh Đan muốn dành một chút tấm lòng cho những hoàn cảnh không may, những em bé đường phố, những sinh viên nghèo hiếu học… để tri ân tình nghĩa với vùng đất này.
Thành phố đã mang tới chị cảm giác an toàn, ấm áp và chở che: “Không ít lần tôi nhận được sự giúp đỡ từ những người xa lạ. Từ cho quá giang xe, đến quàng cho nhau cái áo mưa mỏng tránh đỡ cơn mưa ràn rạt cuối chiều, đến người dưng cũng quan tâm nhau như thân thuộc… hào sảng, chân thành!
“Cửa Đông chợ Bến Thành có một chiếc đồng hồ. Ngày Sài Gòn-TP HCM giãn cách, bà con sống quanh chợ lần đầu tiên nghe đồng hồ đổ chuông. Tiếng chuông suốt mấy chục năm không ai nhận ra giữa ồn ào còi xe phố xá, nay âm vang giữa bốn bề tịch mịch. Không biết có thể chịu đựng được đến bao giờ? Ngoại cảnh là dịch bệnh căng thẳng. Tâm cảnh gồng gánh nhiều nỗi lo toan. Có người lo mất kế sinh nhai, có người sợ hãi sự tù túng khi phải chôn chân ở nhà với các kết nối đứt gãy. Nỗi lo lắng khiến chúng ta như bị đẩy đến trần giới hạn. Các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, của người quen xung quanh như cái bong bóng mỗi chút được bơm căng…”, nhà thơ Minh Đan tâm sự.
“Dịch bệnh như một cơn bão tàn khốc quét qua thành phố. Giữa lúc quay cuồng với trăm mối lo, chúng tôi đã may mắn tìm được những trái tim nhân ái cùng chung chí hướng để tựa vào, bám trụ, giữ yên tâm trí trong hành trình “Gửi nghĩa đồng bào”. Mỗi ngày, niềm vui của chúng tôi là lời động viên sẻ chia từ phía bà con khó khăn. Số VIP trong danh bạ điện thoại của chúng tôi là của các cô chú bán ve chai, vé số, hàng rong, công nhân, phụ hồ…”.
“Người ta hay nói, khi chân mình đau, mình còn nghĩ gì được đến người khác. Khi thùng gạo sắp vơi, bạc tiền sắp cạn, người ta lẽ ra đặt mình trước lựa chọn phải biết tự lo cho bản thân. Nhưng bà con đã cho tôi và nhóm thiện nguyện của mình một câu trả lời khác, rằng trong giây phút nguy nan, con người vẫn không quên sống có nghĩa, có tình. Và trong những ngày tháng gian nan, mỗi ngày, chúng tôi đã tìm thấy câu trả lời từ những câu chuyện xúc động được nghe, được thấy và được trở thành một phần trong đó”.
72 ngày đêm, hành trình thiện nguyện dài nối tiếp những chuyến xe khởi hành với đầy ắp “gói nghĩa tình”: “Trao đi cũng đã trở về cùng chúng tôi với đầy ắp những niềm vui qua cái thở phào nhẹ nhõm của một người mẹ, lời cảm ơn trong trẻo của một em nhỏ theo chân ông bà nhận “quà”, hay nụ cười chân phương của anh công nhân xóm trọ nghèo. Bà con không chỉ nhận ân tình mà cũng trao lại nghĩa tình. Đó là đạo nghĩa nhân mà chúng tôi đã cảm nhận được từ tận đáy lòng”.
“Trong suốt thời gian tham gia chiến dịch cứu trợ lương thực cho bà con khó khăn bị kẹt lại, chúng tôi luôn mong tìm một lý do nào đó để kết thúc sớm. Vậy nên, lúc nghe tin thành phố mở cửa từng bước để người dân dần trở lại nhịp sống bình thường mới, những tình nguyện viên tại “kho nghĩa tình” của chúng tôi khấp khởi bàn về chuyện sẽ làm đầu tiên sau khi giãn cách được nới lỏng. Người thì về nhà sum họp với gia đình, người sẽ đi cắt tóc, người chỉ cần được ăn món ăn yêu thích, người chọn được thảnh thơi ngủ nghỉ một ngày trọn vẹn sau nhiều đêm thức trắng…
Nhà tôi nằm cạnh một trong những khu chợ lớn nhất của thành phố nên sự ra vào tấp nập của các chuyến hàng hóa đã nói lên tất cả. Bà con tiểu thương vui như Tết. Có nơi còn mở nhạc Xuân rộn rã cả một con phố. Dường như trong mắt họ chưa hề có trận dịch lịch sử đã gây ra cảnh khốn đốn trước đó. Tinh thần mọi người lạc quan và có phần cởi mở hơn.
Điều khiến tôi xúc động ngay trong buổi đi chợ ngày đầu tiên Sài Gòn mở cửa là mua hàng được giảm giá hoặc được người bán tặng thêm lộc.
Nhìn ngắm những nụ cười chan hòa của mọi người dành cho nhau, tôi hiểu và rất quý trọng cái tình cái nghĩa của người Sài Gòn.
Đó hẳn là lý do tôi tin Sài Gòn sẽ hồi sinh và có thể còn phát triển hơn nữa, bởi chính cái nghĩa khí bao dung và hào sảng vốn có của vùng đất này”.