Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý là gương mặt nổi bật của văn chương phương Nam. Với hành văn trong sáng, giản dị, hướng tới ánh sáng tích cực trong tinh thần, lối viết của chị tạo nên một sức hút mạnh mẽ trong sự mềm mại, đầy tính nữ.
Từng nhận Giải thưởng Lá trầu của Quỹ Lời vàng Eva, Tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM, là tác giả của “Cơn ngạt thở tình cờ”, “Sao con hỏi mà con kiến không trả lời”, “Yêu thương là tự do”… được bạn đọc ưa thích, nhà thơ Trần Lê Sơn Ý vừa ra mắt tập tản văn “Thương một tình thương” - những góc nhìn mới mẻ, mang tính khám phá trong cách nghĩ cách sống cách tư duy của con người dưới mái ấm gia đình và giữa thế giới hiện đại đang xoay chuyển mạnh mẽ. Để rồi sau cùng khi tất cả lắng lại, mỗi người có thể tự tìm cho mình sự hoà giải để bình an.
Đọc nhiều tác phẩm xuyên suốt hành trình sáng tác của chị thường thấy, Trần Lê Sơn Ý hay lưu dấu cảm xúc, cảm nhận của mình trước những điều nho nhỏ xảy ra thường ngày. Ánh mắt chị cũng dừng lại khá lâu trước những điều bé xíu, như một cọng cỏ, một nhành hoa, một ánh nắng, hay một cánh chim bay… Tất cả những điều đó, có lẽ, xuất phát từ những kỷ niệm tuổi thơ đẹp trong ngôi nhà và khu vườn của ba má và quê hương Bình Định của chị.
Với Trần Lê Sơn Ý, đó là một môi trường kham khổ nhưng thơ mộng. Chị nhớ những ngày đi học qua những đường ruộng, người thì bé choắt tưởng khuất sau những cánh đồng, những bàu nước mênh mông, người lớn hay cấm trẻ em không được đi về ngang qua đó. Rồi cũng bằng bất cứ cách nào có thể nghĩ ra, chị và các bạn đi học về không bao giờ về thẳng nhà, lúc nào cũng kiếm cách trốn cha mẹ đi theo đường ruộng, đường bàu, ghé nhà bạn. Đến giờ, dù không nhớ nổi tên người bạn ấy, chị vẫn nhớ nhà bạn có một cái ao, cây si nằm vắt ngang ao nước, cả đám ngồi vắt vẻo trên cây si già thò chân xuống nước. Thậm chí có hôm cầm lòng không đặng trước mùi hương mà hái đám hoa bưởi nhà bạn. Hôm đó về bạn bị mắng, cả đám không còn dám bén mảng tới cây si già ngâm nước nữa. Mãi sau này lớn lên, học về khả năng chữa lành của nước, Sơn Ý mới hiểu tại sao ngâm mình giữa thiên nhiên lại tự tại an lành đến thế.
Do tính chất công việc ba má chị thường xuyên vắng nhà, khi một tuần, khi cả tháng, thậm chí nhiều hơn, vì thế, Sơn Ý tạm cho rằng mình “thoát ly gia đình” khá sớm: “Tôi nghĩ điều gì cũng có hai mặt của vấn đề. Sự thiếu thốn cho tôi tự do, tự chủ và nhiều điều kiện thời gian để đọc, mơ mộng và suy tư. Vắng ba mẹ bù lại tôi gần gũi với ông bà, họ hàng, hàng xóm. Tôi cũng học được cách quý trọng khoảnh khắc tôi có hơn… Các con tôi thỉnh thoảng lại ước ao, giá mà con được sống thời của mẹ một ngày, được đi bắt dế, bắt chuồn chuồn cắn rún…”.
Chị kể năm đầu tiên vào Sài Gòn học suýt nữa thì chị đã… bỏ về quê khi bước vào giảng đường lại nhìn thấy những cánh đồng lau trắng lút đầu người. Buổi tối, đèn ngọn tỏ ngọn lu, lúc nào cũng xạc xào lau lách, rừng tràm bông vàng, những ngọn gió ở đó lúc nào cũng hiu hắt, nhất là những đoạn giao mùa… Những năm 1990, Thủ Đức còn hoang vắng nguyên sơ. Không hiểu sao, chị cũng trụ lại: “Lúc còn ở quê tôi luôn nghĩ một mai ra đi mình sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng rồi khi thực sự ở lại nơi này tôi lại nghĩ sớm thôi mình sẽ trở về!”.
Có thể thấy qua từng tác phẩm Sơn Ý hướng tới một cách viết trong sáng giản dị dù không chủ ý. Việc viết cũng đến với chị tự nhiên như cách chị giãi bày: “Có thể tôi là người đơn giản dễ hiểu. Cũng có thể so với các loại hình khác, văn chương có vẻ dễ tiếp cận cũng như dễ được đồng cảm hơn. Từ nhỏ tôi đã có niềm yêu thích với chữ nghĩa, nên tôi chọn chữ nghĩa hẳn cũng là điều tự nhiên”. Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý tâm sự: “Sau này làm báo, một trong cách tôi được học là kể một câu chuyện như thế nào để chạm vào người đọc, để họ có thể tiếp nhận thông tin dễ dàng, cũng như bắt buộc phải có những chuẩn mực nhất định. Tôi nhớ có thời gian viết nhiều gương mặt điển hình. Ban đầu, nhân vật nào gặp tôi đều thấy hay, tìm được đề tài để khai thác, viết… Đến một ngày tôi phát hiện ra mình sa chân vào một lối mòn, nhân vật nào cũng na ná như nhau. Tất nhiên không phải tại nhân vật mà hẳn là do điểm nhìn của mình rồi. Thời tuổi trẻ ưa trao đổi, tôi đem chuyện bàn thảo với người phụ trách, anh ấy cho tôi một góc nhìn thú vị: tại sao cứ phải viết về những điều đặc biệt, khác thường. Những điều bình thường mà ta có thể nhìn ra được, viết được, mới thú vị chứ”.
Mỗi mùa báo Tết - mùa làm việc căng thẳng, cũng là thời điểm Sơn Ý muốn viết nhất. Chị thường mộng mơ, nếu có không gian đẹp và yên tĩnh, sẽ tha hồ viết. Nhưng thực tế, đã nhiều lần, chị phải ngồi viết trong môi trường không hề tĩnh lặng. Sau này, khi làm việc tự do, ngại ngần việc cầm nắm mang vác nhiều, vì thế, chị chọn cách viết trên điện thoại, có những lúc quá mệt lại nằm dài ra và gõ. Với Sơn Ý, có không gian cho việc viết cũng tốt, tranh thủ tận hưởng, nghỉ ngơi, còn không, cũng không sao, bởi chị luôn có một “thế giới riêng” bên trong mình.
Sơn Ý rất thích hoà mình vào thiên nhiên, bởi với chị, Mẹ thiên nhiên luôn có cách nào đó xoa dịu những đứa con của mình. Sống giữa chốn thị thành, khi chọn một chỗ ngồi trong quán, chị sẽ chọn chỗ yên tĩnh, với góc có thể nhìn ra cuộc sống náo động bên ngoài. Dù thích sự tĩnh lặng nhưng khi cần, chị vẫn có thể bước ra: “Sự náo động ngoài kia cũng có những nét đẹp riêng của nó. Đôi khi chỉ nhìn thôi là thấy vui rồi. Giống như khi đang yêu ai đó, đi ngang qua nhà người ta, bạn chỉ cần nhìn cô ấy, anh ấy đứng ở balcon và tặng cho bạn một cái vẫy tay, một cái nhìn hay một nụ cười”.
Văn chương với Sơn Ý là sự hoà giải với chính mình. Ẩn sâu trong đó, chị cũng dùng văn chương để làm lành những khoảng rỗng bên trong. Sơn Ý nghĩ, ai cũng có trong lòng mình những khoảng trống, những đoạn bơ vơ, lạc lối… Mọi hoạt động thường ngày của mỗi người xét cho cùng là để đối diện với chúng. Từ mỗi trang viết, Sơn Ý tự mang đến cho mình những câu hỏi để rồi tự trả lời. Chị tự cho rằng bản thân chậm một nhịp với những biến đổi đang ngày một nhanh và ào ạt của vô thường. “Tôi luôn thấy mình chậm, chắc không phải một mà nhiều nhịp”. Sơn Ý chia sẻ. “Mọi thứ đang xảy ra quá nhanh, cuộc sống quá vô thường để đắm chìm, vì chưa kịp làm gì thì khoảnh khắc đã trôi qua. Tôi vẫn luôn quán xét mình. Thỉnh thoảng khi quan sát những sự việc diễn ra và cách mình phản ứng lại, tôi nhận ra nhiều điều được và chưa được, cũng có khi tôi thất vọng trong cách hành xử từ chính mình. Vì vậy, đôi khi việc viết giống như thể tôi đang xem lại bộ phim, cuốn sách của cuộc đời mình và cuộc đời xung quanh”.
Với cuốn sách mới, “Thương một tình thương”, Sơn Ý muốn dành cho những bạn đọc trung niên, những người trong cuộc hành hương ngược gió, hành lý mang theo gói trong hai đầu đòn gánh. Một đầu gánh những đứa con đang lớn, đầu kia gánh những cha mẹ đang… nhỏ lại: “Đầu nào cũng nặng nề với tất cả những kế hoạch, những vấn đề, những âu lo… Bản thân cũng phải đương đầu với vô số những vấn đề của cá nhân và xã hội. Đã đành ai cũng có những vấn đề phải đương đầu, tôi nhìn thấy những đứa con bé nhỏ của mình cũng đang vật lộn mỗi ngày với đống bài tập chẳng hạn. Người cao tuổi cũng vật vã với những bài học về nhân sinh: nỗi sợ, sự yếu đuối, tuổi già, bệnh tật, lãng quên, cái chết thậm chí cả việc hành xử với con cái… Nhưng rồi cuốn sách cũng không hẳn đi theo con đường ấy, nó ngó nghiêng nhìn chỗ này chỗ khác theo cách riêng của mình. Và như bạn đã phát hiện, thực lòng thì tôi cũng chỉ viết về những điều bé mọn, những điều chắc chắn bạn đã biết và đang đối mặt mỗi ngày”.
Chị, một người ngày càng tiến về lối sống tối giản, không mong cầu. Với chị, “mọi mong ước, mưu cầu, nghe có vẻ hợp lý nhân văn nhất như mưu cầu bình an hạnh phúc… xét cho cùng cũng là một hình thức bám chấp. Và càng mưu cầu, e rằng ta sẽ càng bất an, đau khổ”. Dẫu vậy sau khi nếm trải một số điều bất toàn trong cuộc sống, trước thềm năm mới, hỏi chị về những điều mong ước, chị trầm tư một chút rồi đáp: “Thực lòng tôi chỉ mong bản thân có đủ mạnh mẽ tĩnh tại để có thể đối diện với những biến động không ngừng của cuộc đời”.