Nhà thơ Vũ Từ Trang: Một nghị lực sống

Huy Thắng 21/07/2020 09:00

Ba năm nay nhà thơ Vũ Từ Trang hầu như chủ yếu sống trong bệnh viện. Lúc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, sau lại ở Bệnh viện 108 để liên tục xạ trị, truyền hóa chất chữa ung thư phổi. Đấy là nói về những ngày anh còn sức, có dịp là còn tung tẩy. Bây giờ thì ngày đêm anh chỉ dán người trong khoa cấp cứu bệnh viện, chung quanh dây dợ, chai lọ, thuốc men lằng nhằng luôn cắn răng chịu đựng những cơn đau đớn, phải dùng tới morphin.

Nhà thơ Vũ Từ Trang.

Thật khó mà tin rằng chỉ 2 tháng trước đây, giữa 2 đợt truyền hóa chất, tranh thủ ít ngày nghỉ vẫn thấy anh xe máy đến bạn bè để tặng sách, khi cuốn tiểu thuyết mới của anh "Và khép rồi lại mở" vừa xuất bản.

Khi lâm bệnh hiểm dù biết trước một cái án tử đã định sẵn nhưng không như nhiều người khác thường có biểu hiện bi quan, chán chường và buông mặc Vũ Từ Trang lại hoàn toàn khác. Anh không tin mình sẽ ra đi sớm, nên vẫn luôn lạc quan, ngay cả những ngày gần đây sau hơn một tuần lễ hôn mê sâu.

Bệnh tình của Vũ Từ Trang được phát hiện khá bất ngờ. Tôi nhớ, đó là vào tháng 5/2017, Vũ Từ Trang cùng mấy anh em chúng tôi ngồi ăn trưa. Lúc đó Trang nói, mấy hôm nay sao thấy mắt như mờ đi, hôm sau sẽ phải đi khám xem sao. Nhưng không phải bệnh ở mắt mà sau xét nghiệm Bệnh viện Hữu Nghị kết luận khiến anh giật mình, mắc ung thư phổi. Chưa vội tin, Trang tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, đến Bệnh viện K Trung ương rồi Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Việt Đức. Rất buồn, tất cả các cơ sở y khoa hàng đầu này đều chung một kết luận và các bệnh viện đã khuyên anh nên sớm nhập viện chữa trị. Sau mấy hôm đầu nằm ở Bệnh viện K Tân Triều cuối cùng Vũ Từ Trang chuyển về điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị cho đúng tuyến.

Đã hai lần do tác động của những lần truyền hóa chất đầu Trang trọc lốc. Lần đầu làm anh suy nghĩ nhưng rồi tóc xanh lại mọc khiến anh như quên đi nên đến lần hai anh hoàn toàn bình tĩnh.

Là bệnh nhân chữa trị ung thư, hàng ngày phải liên tục truyền hóa chất hầu như Trang đêm đêm vẫn tranh thủ về ngủ nhà. Những đêm nằm lại bệnh viện có thể đếm trên đầu ngón tay. Tối về anh vẫn qua chơi bạn bè và đến sàn chăm chỉ tập gym và... giải quyết các công việc kinh doanh. Và một công việc không thể thiếu, anh ngồi máy tính. Chị Thành, vợ Trang nói, đêm nào cũng thấy anh ngồi máy làm thơ, viết văn, đọc sách bạn tặng..., có khi đến khuya vợ con nhắc đang bệnh cần giữ gìn nhưng anh ít chịu nghe. Sức làm việc cảm giác vẫn như một người khỏe mạnh, không bệnh tật.

Một bệnh nhân mắc bệnh ung thư mà trong hơn 3 năm, không đếm nổi những ngày dài nằm truyền hóa chất, xạ trị những lần hút dịch, truyền thải, kích bạch cầu, anh còn xuất bản tập thơ: "Cây chuyển mùa", rồi một tập khảo cứu nghề, và hai tập chân dung văn học: "Phận người trôi nổi”, "Tơ trời chùng chình đón đợi" ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhận được giải thưởng cao nhất của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019 và rồi lại còn tiểu thuyết "Và khép rồi lại mở" NXB Phụ nữ ấn hành tháng 4/2020 dày gần 400 trang khổ lớn. Và trước đó cũng tại NXB Phụ nữ anh ra cuốn “Nghề cổ đất Việt -Từ truyền thống đến hiện đại" loại sách nghiên cứu văn hóa dầy đúng 700 trang khổ lớn. Đọc bài anh viết, đọc sách anh tặng ai cũng vô cùng ngạc nhiên, không hiểu anh lấy sức và thời gian đâu để có thể làm nhiều việc đến vậy, sức làm việc hơn cả người khỏe mạnh. Đấy là chưa kể, trong năm 2019 anh còn nhận được giải thưởng thơ của Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng.

Cả cuộc đời của Vũ Từ Trang có thể gói gọn trong 3 cụm từ: Văn chương, bạn bè, và bươn chải kiếm sống.

Khởi đầu là một nhà báo nhưng yêu văn chương, năm 1978, Vũ Từ Trang đã xuất bản cuốn truyện dài: "Miền đất đợi chờ", năm 1981, anh ra mắt tiểu thuyết: "Chiều dài mùa hạ". Nhuận bút của 2 tác phẩm trên giúp anh từ Bắc Ninh mua lại được căn hộ nhỏ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách ngay giữa Hà Nội.

Vũ Từ Trang là nhà thơ, tới nay anh đã xuất bản được 6 tập thơ. Tập thơ đầu "Nắng lên cao" ra đời năm 1977, sau đó là "Thời trai trẻ", "Ngược dốc", "Lẻ và không lẻ", "Những vòng tròn không đồng tâm", để rồi cuối cùng anh cho ra mắt "Cây chuyển mùa" nhiều tìm tòi táo bạo.

Nói đến thơ Vũ Từ Trang mọi người hay nhắc đến bài thơ “Trăng Phồn Xương" mạnh mẽ và ấn tượng, được khẳng định là một bài thơ hay ngay từ năm 1978, từng được chọn in trong tuyển thơ Việt Nam 1945 - 2000. Và sau đó với bài thơ tình "Cà phê lối cũ" bâng khuâng, tha thiết... thể hiện sự đa dạng, phong phú trong tâm hồn anh, trong thơ anh.

Vũ Từ Trang trở thành hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam sau khi anh công bố 6 cuốn sách khảo cứu, giới thiệu về các nghề cổ đất Việt. Nhưng dấu ấn văn học của Vũ Từ Trang được bạn bè và những người trong nghề ghi nhận lại chính là những cuốn sách viết về chân dung văn học, như "Phía sau con chữ", "Nhà văn độc hành độc bộ", "Vì ai ta mãi phong trần”, "Phận người trôi nổi" và "Câu thơ chùng chình đón đợi". Trong thể loại văn học này Vũ Từ Trang không chỉ viết với tất cả sự gần gũi, hiểu biết tường tận, mà đặc biệt hơn cả là tấm lòng của tác giả luôn cảm thông và chia sẻ trước những thành công cũng như những khuất lấp để dành cả cuộc đời tìm đến với văn chương, chữ nghĩa nơi mỗi người. Vũ Từ Trang không ngần ngại nêu ra cả những trôi nổi, cùng cực vất vả trong công cuộc tìm đến với văn chương nơi họ... Hơn cả là những tình cảm trân trọng, yêu quý mà Vũ Từ Trang đã dành cho mỗi người. Cho dù đó là những tác giả đã khẳng định dược tên tuổi trong nền văn chương nước ta, đã được xã hội biết đến mà cả những người số phận chẳng mấy an lành, đã và đang phải làm những công viêc cực nhọc, "dưới đáy" như thợ móc cống hay đạp xích lô... tên tuổi còn rất khiêm tốn nhưng vì đam mê thơ phú mà dám hy sinh, dám dấn thân.

Với hơn 130 chân dung được anh viết ra thì cảm giác các tác giả Mã Giang Lân, Quang Dũng, Lưu Quang Vũ, Thanh Tùng, Vũ Quần Phương, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bản. Nguyễn Xuân Khánh…, những người anh yêu quý và thân thiết, được anh viết nắn nót nhất về họ.

Vũ Từ Trang là người kinh doanh thành đạt. Bí quyết nơi anh đơn giản chỉ là quảng giao, sự chu đáo, trung thực, có trước có sau. Cả thời gian anh khó khăn khi dời quê nằm bàn nằm ghế cơ quan hay đến khi nhà cao cửa rộng, xe đi xe nằm chỗ thì tính cách của anh cũng như đối xử với bạn bè, với những người chung quanh không bao giờ thay đổi. Luôn trước sau như một.Vì thế Vũ Từ Trang lắm bạn bè. Và cũng giầu có bạn bè. Ngôi nhà của Vũ Từ Trang dù ở đâu nhưng luôn luôn có khách thăm. Nhiều lần đến thấy bạn bè ngồi chật nhà. Đủ thành phần, đủ lứa tuổi. Đặc biệt bạn bè văn chương. Những bạn văn Hà Nội chẳng nói, mà nhiều người từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An , Hà Tĩnh… mỗi khi về Hà Nội thường đầu tiên tìm đến Trang. Có người qua chơi chốc lát, nhưng có người còn nghỉ lại. Căn nhà của gia đình Trang như một câu lạc bộ văn chương. Bạn bè trong Sài Gòn ra thường chỉ đến ăn nghỉ ngay tại nhà anh, có người ở cả tháng trời như với nhà thơ Thanh Tùng hay nhà thơ Hoài Anh. Vì thế nhiều người nói Vũ Từ Trang là sợi dây kết nối bạn bè văn chương. Khi bạn đau yếu không bao giờ vắng mặt Trang. Nhớ ngày nghe tin Nghiêm Đa Văn mất, dù đang ở xa lại giữa trưa nắng như đổ lửa nhưng nghe tin, lập tức Trang đón xe khách cố có mặt ở nhà tang lễ Phùng Hưng để kịp thắp cho bạn nén hương.

Là người nền tính nên hầu như thấy anh không bao giờ nổi nóng hay, to tiếng với bạn. Không chỉ với người nhiều tuổi mà với người ít tuổi hơn anh cũng hết sức đằm tính, nhường nhịn. Tất nhiên Trang có bạn thân, bạn sơ, mỗi người mỗi cá tính, kể cả người trái tính nói năng ít giữ ý thường bao giờ anh cũng luôn biết kiềm chế, không bao giờ có phản ứng thái quá...

Với Vũ Từ Trang, gia đình và bạn bè là nguồn động viên, chia sẻ không thể thiếu. Và văn chương đem lại cho anh niềm vui, sự chia sẻ và đam mê. Ngay cả những ngày này, dù đang nằm bất động trong viện, thậm chí không thể rời khỏi giường nhưng mấy lần Trang nài nỉ xin bác sĩ cho phép về nhà. Tưởng làm gì, hóa ra chỉ để có dịp xem lại mấy bản thảo mà anh đang viết hoặc đang biên soạn dở dang.

Với tất cả những gì Vũ Từ Trang đã làm chỉ có thể nói, anh là một tấm gương của nghị lực sống và nghị lực làm việc. Anh như đang gắng giành giật từng giây từng phút để chiến đấu với bệnh tật và làm việc. Không hề ngưng nghỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Vũ Từ Trang: Một nghị lực sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO