Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến, người được mệnh danh “Pho sử sống Văn hoá Thái đen”, đã về cõi thiên thu ở tuổi 92.
Thông tin từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, cụ Lò Văn Biến - Nhà văn hoá chuyên nghiên cứu, gìn giữ, trao truyền văn hoá dân tộc Thái đen, đã về với Mường trời chiều qua (Mùng 3 Tết Ất Tỵ).
Cụ Lò Văn Biến người bản Cang Nà, Thị xã Nghĩa Lộ, vùng đất tổ của những làn Xoè cổ ở thung lũng Mường Lò, đã dành cả đời mình nghiên cứu, thắp lửa và truyền dạy văn hoá Thái cho nhiều thế hệ con cháu. Ông làm nghề dạy học từ năm 1952 sau Giải phóng Nghĩa Lộ, và từng có thời gian dài dạy học song ngữ (chữ Thái và chữ Quốc ngữ) ở Than Uyên, Lai Châu, sau đó trở về dạy học tại quê hương Mường Lò.
Người Thái đen, cùng người Thái trắng, sinh sống tại vùng núi Tây Bắc (Việt Nam), Bắc Lào, Thái Lan và Nam Trung Quốc. Đây là dân tộc thuộc số ít có chữ viết từ rất sớm. Có tài liệu lưu giữ từ thế kỷ XI bằng chữ viết Thái đen - loại chữ tượng thanh, cho thấy cộng đồng này có chữ viết từ rất lâu, và có thể đó là nguồn gốc của chữ Thái Lan, Lào ngày nay. Người Thái đen cũng thờ cúng tổ tiên, có tính giáo dục cao, điều chỉnh hành vi, ứng xử của con cháu đối với ông bà, cha mẹ khi chung sống.
“Pho sử sống” Lò Văn Biến đã hàng chục năm lặn lội, vượt núi băng rừng tìm kiếm và nghiên cứu chữ Thái cổ, sưu tầm sách Thái cổ và gom lại những làn dân ca, bài cúng, điệu múa Thái, ghi chép và dịch ra thành sách. Chính cụ là người đầu tiên ở Tây Bắc đã mở lớp dạy học chữ Thái cho thế hệ trẻ. Từ năm 1953 cụ đã xây dựng đội văn nghệ biểu diễn và truyền dạy giá trị của Xoè Thái. Năm 2006 ông đã cho ra đời giáo trình 100 tiết dạy chữ Thái. Thậm chí cụ Biến còn biên soạn bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở các vùng dân tộc Thái. Nhiều sinh viên ngoại quốc đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Lào và Pháp đã tìm đến thầy Biến học và nghiên cứu văn hoá Thái.
Cụ Biến cho rằng làn Xoè - điệu múa ăn mừng quanh đống củi lửa, là sự kết tinh văn hoá độc đáo tuyệt vời nhất của dân tộc Thái, phản ánh chặng đường lịch sử cội nguồn và phát triển của cộng đồng người Thái trong trị thuỷ, khai phá đất đai, bảo vệ dân tộc, cũng là “phương thức tư duy bằng ngôn ngữ múa”, và để hướng đến cuộc sống ngày càng đoàn kết, phát triển hơn. Xoè Thái đặc biệt ở chỗ khi nhạc nổi lên thì quanh đống lửa tất cả mọi người nắm tay nhau cùng nhảy múa mà không phân biệt giới tính, địa vị, tuổi tác - như một lời hiệu triệu đoàn kết đặc sắc của cộng đồng Thái. Có thể nói nghệ nhân Lò Văn Biến là người góp sức chủ lực cho làn Xoè của người Thái được công nhận là Di sản của nhân loại năm 2021.
Trong hầu hết các sự kiện văn hoá lớn ở Yên Bái và Tây Bắc, cụ luôn được mời tham gia tổ chức nội dung văn hoá và diễn xướng. Cụ Biến cũng là người thầy dạy thổi khèn, chơi đàn tính, thổi pí pặp, dạy hát Khắp (loại hình dân ca rất phổ biến trong cộng đồng Thái và Tày) cho thế hệ trẻ cộng đồng dân tộc Thái ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.