Mỗi trang viết của nhà văn Lê Phi Tân đều thấm đẫm tình yêu xứ Huế. Anh viết, là để neo đọng lại hồn cốt truyền thống văn hóa quá khứ, làm gốc cho hiện tại. “Lụt bão hiện lên rõ nhất cái tình làng nghĩa xóm. Người quê chung sức, chung lòng nhường cho nhau từng nắm cơm, hột muối để cùng chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên”, nhà văn Lê Phi Tân tâm sự.
Trong ký ức, nhà văn Lê Phi Tân vẫn nhớ nhất trận lụt năm 1983, khi anh còn học lớp 5. Nửa đêm, cả nhà đang ngon giấc bỗng nghe tiếng gọi rất to của bác Chiu hàng xóm: “Dậy mà dọn dẹp nhà cửa để đón nước lụt vô thăm nhà bà con ơi!...”. Ba mạ anh choàng tỉnh giấc thắp đèn dầu thì thấy nước lụt đã lấp sấp trước sân nhà. Mấy anh em cùng dậy, chẳng cảm thấy nét mặt lo lắng của người lớn mà lại hí hửng ngày mai được nghỉ học, được chơi trò thả bè, được lội nước lụt...
“Nhưng cơn lụt năm đó không phải là một cơn lụt thường thường như mọi năm. Đến tờ mờ sáng nước đã bò vô nhà và mấy anh em mình được một trận cười khi thấy cảnh hai con heo nhà bác Toàn hàng xóm bơi qua bơi lại trước sân khi nước đã ngập chuồng. Ba mình lo lắng: “Gió nồm thổi to kiểu ni nước còn lên nữa, thôi cả nhà chuẩn bị mà lên nhà mụ Sô tránh lụt. Nhìn ra đường thì mấy nhà hàng xóm cũng đã sắp xếp đồ đạc để đi tránh lụt”.
Với nhà văn Phi Tân Lê, lụt bão là khi hiện lên rõ nhất tình làng nghĩa xóm. Người quê chung sức, chung lòng nhường cho nhau từng nắm cơm, hột muối để cùng chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên: “Cũng cơn lụt năm 1983, cả xóm thổi cơm chung, con nít được ưu tiên ăn trước, người lớn ăn sau; cũng là cơm với thứ ruốc kho mỗi khi mẹ vắng chợ nhưng thấy ngon lạ lùng...
Lại nhớ chuyện ăn ngày lụt; khi con nước bắt đầu rút, những chiếc đò của bà con xóm vạn chài len lỏi vào tận các đường làng khi đó đã thành những con sông nhỏ để bán các sản vật đặc trưng mùa nước lũ. Nhớ món lệch roi con mô con nấy đầy bụng trứng. Mùa lụt loài lệch từ trên núi trôi hàng đàn về sông, về ruộng cứ thế giăng lưới mà vớt. Nước rút dần, hàng chục cái rớ của dân làng giăng đầy trên các con khe. Những loài cá lăn tăn, li ti, cá cấn, cá mại về theo con nước. Món cá rớ kho vời riềng hay nấu canh với khế chua cũng là đặc sản của mùa nước lụt ở quê tôi...
Câu hát da diết “Trời hành cơn lụt mỗi năm...” khi nói về xứ Huế không chỉ nói đến cái khó, cái khổ mà còn là nỗi nhớ nữa. Và cũng như một ai đó đã sống quen với ruộng đồng, sông nước, mình vẫn thấy thiếu thiếu một “ khách quen” khi mùa mưa đến mà mùa lụt chẳng về...”.
Nhà văn Lê Phi Tân kể, người dân xứ Huế đã quen sống chung với bão lũ hàng năm nên những ở các làng quê ven các con sông mỗi nhà đều sắm một chiếc ghe nhỏ để làm phương tiện giao thông khi mùa lũ về: “Ở mỗi ngôi nhà trệt, người Huế thường làm một cái tra (là cách người miền Trung gọi cái gác-xép - một tầng nhà phụ nằm dưới mái nhà để tránh lụt). Nhưng những cơn lụt mỗi năm cũng là quy luật của tự nhiên khi lụt mang tôm cá về cho người, mang phù sa bồi đắp ruộng đồng để "thau chua, rửa mặn’”.
Hiện nay, nhờ việc thông tin về bão lụt đã được dự báo sớm và gần như cập nhật hàng giờ nên việc phòng tránh lụt đều được tất cả mọi người chuẩn bị sẵn sàng. Chính quyền, lực lượng vũ trang và thanh niên đã có mặt rất sớm để sơ tán người dân ở những vùng nguy cơ đến nơi an toàn. “Tôi thấy kịp thời nhất là những công lệnh của chính quyền địa phương không cho người dân ra đường trước khi bão đổ bộ, đồng thời lệnh cấm lưu thông ở các tuyến đường nguy hiểm khi lũ lụt xảy ra. Điều này đã giúp cho người dân an toàn hơn khi thiên tai xảy ra”, nhà văn Lê Phi Tân nói. “
Giữa tháng 10 vừa qua, Huế đã xảy ra lũ lớn trên báo động 3, nước lên rất nhanh vào nửa đêm nhưng phải nói là người dân rất bình tĩnh để ứng phó vì đã dự báo trước đó mấy ngày. Sau lũ, các lực lượng xung kích đã có mặt ngay tại hiện trường để dọn bùn, vệ sinh môi trường, lũ rút ngày chủ nhật thì ngày thứ hai gần như các hoạt động đã trở lại hoạt động bình thường.
Người Huế đã quá quen với “mùa bão lụt”, đó cũng là mùa ruộng đồng nghỉ ngơi để chờ phù sa về. Bão lụt là thiên tai, nhưng chưa bao giờ người dân xứ Huế tỏ ra bi quan trước thiên tai đó. Tôi vẫn nhớ cảnh cả làng tôi gượng dậy sau mùa lụt bằng từng cọng rau trong vườn, bằng từng con tép ngoài đồng… Không biết người dân quê đã vượt qua cơn khốn khó bằng cách nào? Và rồi chúng tôi đã lớn lên qua bao mùa lụt bão. Ở xa quê, nghe lụt tràn vô làng. Con nước màu nâu, mùi lúa ướt, những vệt bùn non, tiếng gà eo ót... năm nào lại hiện về”.
Với nhà văn Lê Phi Tân, bão lụt đã là ký ức thấm vào máu thịt của anh và bao người con xứ Huế, vì thế, hầu như cuốn sách nào của anh cũng đều có những trang viết về bão lụt vùng đất Cố đô.