Trong cuộc sống, con người nhiều tất bật, lo toan, đôi lúc nhàm chán. Vì thế, trí tuệ nhân tạo xuất hiện tôi thấy cũng thú vị. Khi mọi người đặt cho ChatGPT câu hỏi, đặc biệt về thơ văn, tôi lại càng thấy trí tuệ nhân tạo ra đời lại hay, để cho nhà văn, nhà thơ thấy được giá trị của mình.
Đôi khi trên chặng đường sáng tác sẽ có những lúc này lúc khác, khi trí tuệ nhân tạo ra đời buộc người viết phải nhận định lại giá trị của bản thân. Người viết có một giá trị là được viết, được sống một cuộc đời khác, được đi vào những thế giới khác trong sáng tác của mình, giá trị ấy không gì có thể thay thế được.
Trí tuệ nhân tạo thúc đẩy tôi viết một cách thích thú hơn. Nhắc nhở tôi phải ngồi vào bàn nhiều hơn. Bởi nhiều khi ý tưởng có nhưng cuộc sống bận bịu, tôi thường ghi vội ra quyển sổ hoặc điện thoại rồi theo thời gian lại bị mất dần đi.
Bây giờ được đọc những câu trả lời của trí tuệ nhân tạo thì tôi thấy rằng không gì có thể thay thế một nhà văn, nhà thơ sáng tác tác phẩm của mình.
Tôi nghĩ trí tuệ nhân tạo sẽ không bao giờ thay thế được người cầm bút. Nếu một tác phẩm nào đó như bài thơ, truyện ngắn, tản văn do trí tuệ nhân tạo sáng tạo ra thì cũng là do con người đặt hàng. Tôi đặt viết thế này thế kia để thỏa mãn tò mò của tôi rằng trí tuệ nhân tạo làm được gì.
Tác phẩm của trí tuệ nhân tạo có thể đủ ý cho một đề tài nhưng nó không bao giờ đủ sáng tạo bằng con người. Bất cứ một người nào cầm bút sáng tác cũng sẽ rất khác, cùng về một vấn đề mỗi người sẽ là một độc bản. Tôi chỉ muốn sử dụng công nghệ để số hóa, đưa những tác phẩm của tôi cũng như phục vụ cho công việc có thể tiếp cận đến với nhiều người hơn.
Trong thời đại công nghệ số, người nghệ sĩ có thể có rất nhiều sự lựa chọn sáng tác, quảng bá nhưng làm thế nào để có được một sáng tác văn chương đích thực lại là một vấn đề khác. Vấn đề này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự nỗ lực và sự lựa chọn của nhà văn.
Trí tuệ nhân tạo có lẽ sẽ có những tác động lớn nhất đối với lớp viết văn trẻ. Nếu như không có bản lĩnh, những nhà văn trẻ sẽ vô thức bị tác động và dẫn dắt bởi trí tuệ nhân tạo. Vì vậy tôi khuyến khích các bạn yêu văn học hãy viết. Tôi có quen 2 bạn trẻ và được biết các bạn ấy muốn viết truyện từ những cái rất nhỏ. Mặc dù rất muốn viết nhưng các bạn ấy lại cứ loay hoay viết 1-2 dòng rồi lại xóa. Tôi có nói với các bạn ấy rằng hãy ghi lại hàng ngày. Một ngày chúng ta có cực kỳ nhiều việc trôi qua, tưởng như nó mờ nhạt. Tôi khuyên các bạn mua lịch tờ, mỗi ngày ghi lại một chút để tạo thành thói quen ghi chép.
Thói quen này sẽ giúp cho các bạn quen viết, khi mình ghi chép nhiều sẽ giúp câu từ của mình tốt hơn và biết đâu sau này sẽ thành cái tản văn, truyện ngắn, thành ý tưởng cho tác phẩm. Bên cạnh những việc đó thì các bạn cũng cần phải đọc thêm rất nhiều.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, có sẵn những thiết bị thông minh giúp ta hiểu biết hơn về thế giới, có nhiều thông tin hơn; đổi lại chúng ta hãy dành thời gian viết tay, hoặc là viết như nhật ký hàng ngày chúng ta trải qua để dần dần sẽ thành tác phẩm thì tôi tin rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời đại nào mà từng con người vẫn bền bỉ viết, sáng tác bằng những trải nghiệm, những cảm nhận về cuộc đời thì văn học vẫn sống.
Trí tuệ nhân tạo với văn học - nghệ thuật
Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển đang đặt ra hàng loạt băn khoăn xen lẫn sự hoài nghi. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, sự phát triển của AI đã giúp khoảng cách giữa con người và công nghệ ngày càng thu hẹp. Hiện nay, thông qua một số ứng dụng AI, với một số yêu cầu do con người nêu ra, các ứng dụng này đã có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây.
Càng ngày càng thấy xuất hiện nhiều bức tranh được các ứng dụng AI thực hiện. Tương tự, âm nhạc, nhiếp ảnh, văn học, báo chí - tuyền thông và rất nhiều lĩnh vực đang bị trí tuệ nhân tạo lấn sân. Không hề vô lý khi có những người tỏ ra lo ngại rằng sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo sẽ khiến nhiều nghề mất đi.
Vậy liệu những công cụ có sử dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT với khả năng sáng tạo nội dung có thể khiến nhà văn, nhà thơ, nhà báo trở nên thất nghiệp? Hay người soạn nhạc có mất việc khi trí tuệ nhân tạo có khả năng sáng tác âm nhạc tốt hơn? Giới họa sĩ có bị ảnh hưởng khi những máy móc cũng có thể cung cấp cho người ta những bức tranh theo từng ý muốn chủ quan?...
Từ số báo 193 (ngày 10/4/2023), Tinh hoa Việt (Báo Đại Đoàn Kết) xin mở chuyên đề “Trí tuệ nhân tạo với văn học - nghệ thuật” với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ…
T.H.V