Là tác giả của 25 đầu sách chuyên sáng tác văn chương, nhà văn Phong Điệp quyết định viết cuốn kỹ năng “Cùng con vượt bão tuổi teen”, làm thế nào để cùng con đi qua những tâm lý bất ổn khi lứa tuổi dậy thì này dễ vướng vào trầm cảm.
- “Cảm ơn câu hỏi của bạn đã tạo cơ hội cho tôi được chia sẻ hành trình viết sách với tư cách là một người mẹ lấy cảm hứng từ con, mà “Cùng con vượt bão tuổi teen” là một trong số đó. Những đứa con là quà tặng tuyệt vời nhất mà cuộc đời ban tặng cho tôi. Bởi vậy khi bắt đầu làm mẹ, tôi thường có thói quen ghi chép nhật ký về con. Tôi suy nghĩ rằng theo thời gian, các con sẽ lớn lên, những ký ức đầu đời khi các con còn nhỏ nếu không được lưu lại bằng một cách nào đó sẽ dễ bị lãng quên và rồi biến mất một cách vô cùng đáng tiếc. Tôi lưu những tranh con vẽ, những tấm thiệp con làm, những con gấu bông con yêu thích, bộ quần áo con hay mặc thuở nhỏ,... để thỉnh thoảng đưa cho các con xem, và kể về cho chúng nghe về ngày tháng ấy. Nhưng điều đó tôi thấy là chưa đủ. Bởi vì chính tôi rồi cũng sẽ nhớ nhớ quên quên. Nên tôi quyết định viết sách về con, cho con. Khởi đầu là bộ sách “Nhật ký Sẻ đồng” gồm ba cuốn, ghi lại tuổi thơ của các con giai đoạn mầm non và tiểu học. Khi các con bước vào giai đoạn tuổi mới lớn, tôi đã nuôi ý định viết một cuốn sách về các con về giai đoạn đặc biệt này nhưng ở một dạng thức khác, mà như bạn đã gọi tên đó là: sách kỹ năng. Tuy nhiên tôi thấy có chút băn khoăn để gọi đúng tên thể loại mà mình đã sử dụng khi viết cuốn sách này. Bởi khác với những cuốn sách kỹ năng thường được bày bán khá nhiều hiện nay, thường là của các chuyên gia tâm lý, các nhà sư phạm… tôi chọn cách tâm tình, kể chuyện, chia sẻ những nghĩ suy, trăn trở mà tôi đã gặp phải trong hành trình cùng con bước vào giai đoạn “tuổi teen”. Các phụ huynh và các bạn trẻ hoàn toàn có thể cùng đọc cuốn sách này như một cách để tham khảo, hoặc có thể gặp chính mình trong đó, để rồi có những gợi ý để mỗi người sẽ lựa chọn cách ứng xử phù hợp với những hoàn cảnh cụ thể”.
Chị đã viết “Cùng con vượt bão tuổi teen” như thế nào?
- Khi con gái lớn của tôi bước vào năm cuối của bậc tiểu học, có những biểu hiệu ban đầu của tuổi dậy thì, tính cách bắt đầu có những thay đổi thì tôi hình thành ý tưởng viết cuốn sách này. Cuốn sách hoàn thành và xuất bản năm con gái tôi học lớp 9, thời điểm “sóng gió tuổi dậy thì” phần nào đã tạm ổn. Gần 5 năm “vượt bão” cùng con tôi đã có những trải nghiệm quý giá, đi qua mọi cung bậc cảm xúc,… với đầy ắp chất liệu để viết nên cuốn sách này.
Trong lứa tuổi đang phát triển của con, chị nhận ra điều gì mà chị cần quan tâm và theo sát?
- Ở tuổi dậy thì chính những sự thay đổi về tâm sinh lý khiến các con trở nên bất ổn. Chúng lúc vui, lúc buồn, lúc cáu giận một cách phi lý, sẵn sàng nổi đóa lên với bố mẹ, thậm chí sẵn sàng bỏ nhà ra đi chỉ vì một câu nói nặng lời của người lớn. Vậy nên điều tôi quan tâm nhất chính là làm sao không để con vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình. Muốn như vậy cha mẹ phải dành nhiều sự quan tâm cho con, nắm bắt mọi diễn biến tâm lý bất thường của con. Một số bố mẹ vì bận rộn công việc đôi khi xao nhãng con, quát con khi bị chúng làm phiền, mắng mỏ con khi chúng học hàng sa sút. Nhưng rất có thể chính lúc đó trẻ đang gặp vấn đề gì đó cần chúng ta giúp đỡ. Sự khước từ, đòn roi của người lớn sẽ khiến chúng có thể có những hành vi mất kiểm soát.
Đó là lứa tuổi mà nhiều hành vi không được kiểm soát, bị cảm xúc lôi cuốn?
- Đây chính là điều mà rất nhiều chuyên gia tâm lý cảnh báo. Với trải nghiệm của chính bản thân mình, tôi thấy điều đó rất rõ. Nhiều khi đứa trẻ đang rất bình thường bỗng nhiên nổi đóa lên chỉ vì những lý do chẳng đâu vào đâu. Rồi cảm xúc của chúng bị đẩy lên cao trào. Chúng như ngọn núi lửa chỉ chực phun trào. Và chúng tìm cách gân hấn với những người xung quanh. Những thay đổi về tâm sinh lý của lứa tuổi này khiến chúng rất dễ mất kiểm soát. Bản thân trẻ cũng không hiểu nổi chính mình. Bởi vậy vai trò của cha mẹ đối với trẻ ở giai đoạn này hết sức quan trọng.
Thưa chị, vì sao khi xã hội càng hiện đại thì con người lại càng dễ mắc bệnh trầm cảm, nhất là đối với trẻ tuổi teen?
- Bạn có thấy lạ khi bước vào một quán café, thay vì nói chuyện với nhau, nhiều nhóm bạn lại chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại của mình? Tại không ít gia đình, thay vì ngồi tâm tình, chia sẻ với nhau thì bố, mẹ, con cái – mỗi người chúi vào một góc và say mê lướt điện thoại? Ngày 8/3 tôi thấy không ít người viết những status rất lâm ly về mẹ trên facebook, nhưng mẹ của họ không dùng mạng xã hội, và tôi cũng không rõ liệu những người mẹ ấy có cách nào để đọc được những dòng sướt mướt kia không? Và tôi tự hỏi, người mẹ ấy thực sự có được người con quan tâm chăm sóc như những gì họ đang trình ra trên mạng xã hội? Hay đó chỉ là yêu thương gửi facebook để tạo ra một hình ảnh hoàn hảo, hay để kiếm comment, kiếm like? Xã hội hiện đại giúp chúng ta sống tiện nghi hơn, có cơ hội thụ hưởng nhiều hơn nhưng cũng đồng thời đang hiện diện một nguy cơ là con người thiếu sự gắn kết với nhau hơn, lo sống ảo hơn là dành sự quan tâm một cách thiết thực cho những gì đang diễn ra xung quanh mình? Đặt trong bối cảnh đó thì có thể thấy bệnh trầm cảm gia tăng cũng là điều dễ hiểu. Vì thiếu sự gắn kết chúng ta dễ rơi vào trạng thái cô đơn, bế tắc, và nếu không tìm được người để sẻ chia thì sẽ rất dễ bị trầm cảm. Với lứa tuổi teen, càng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Sự cáu giận của bố mẹ có thể khiến chúng nghĩ rằng mình bị hắt hủi. Sự chê cười của bạn có thể khiến chúng thấy mình đang bị bỏ rơi. Và rồi chúng thu mình lại, chúng tự tìm cách dằn vặt, hành hạ bản thân. Dấn sâu vào tình trạng này những đứa trẻ sẽ trở nên trầm cầm và có thể có những hành vi gây hại cho bản thân.
Chị đã cùng con “vượt bão” thế nào?
- Cuốn sách chính là hành trình “vượt bão” của tôi cùng các con. Một hành trình đủ dài, giúp không chỉ con cái mà chính cha mẹ cũng học cách để trưởng thành hơn. Như tôi đã chia sẻ trong cuốn sách, điều mà tôi luôn tâm niệm đó là khi gia đình quây quần bên nhau, chẳng có khó khăn nào mà chúng ta không giải quyết được. Bởi khủng hoảng tuổi teen có tính quy luật, hầu như đứa trẻ nào đến tuổi ấy cũng gặp phải, với mức độ khác nhau. Không thể né tránh, không được sợ hãi, các phụ huynh cần ý thức được rằng trong cơn khủng hoảng ấy, con cái cần sự hỗ trợ của bố mẹ biết bao, như mảnh phao cho người tập bơi lúc kiệt sức. Vậy thì đừng vì lý do nào chúng ta rút đi mảnh phao quý giá ấy để con mình hoang mang, chới với, mất lòng tin vào người thân”.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!