Là tác giả của các tiểu thuyết “Made in Vietnam”, “Chinatown”, “Paris 11/8”, “T mất tích”, “Vân Vy”, “ Thang máy Sài Gòn”, “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”, (5 trong số đó đã được dịch và xuất bản ở Pháp ), Thuận còn dịch văn học Pháp sang tiếng Việt mà tiểu thuyết “Ngôn từ” của Jean-Paul Sartre (dịch cùng Lê Ngọc Mai) vừa ra mắt ở Việt Nam.
Lần đầu tiên, câu chuyện chi tiết về cuộc đời cũng như con đường văn chương của Thuận - (tên đầy đủ là Đoàn Ánh Thuận, sinh năm 1968, hiện đang định cư tại Pháp) - được chia sẻ trên Tinh Hoa Việt:
“Mùa hè năm 1979 bố tôi nhận công việc giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Đó là lý do mà gia đình tôi đã chuyển vào Sài Gòn.
Ba năm sau, tôi lại theo gia đình quay lại Hà Nội, hết phổ thông trung học thì sang Nga học đại học rồi qua Pháp định cư.
PV: Sống ở Pháp đã mang lại điều gì trong văn chương của chị?
Nhà văn Thuận: Hơn hai mươi năm sống ở Pháp, đất nước này đã trở thành một phần không thể tách rời của những gì tôi viết. Thậm chí, đôi khi tôi còn lo rằng nó có chiều hướng lấn át phần Việt dường như đang giảm dần trong tôi. Nhưng văn chương, một cách nào đấy, cũng đồng nghĩa với mâu thuẫn: một đằng, tôi luôn tìm cách cưỡng lại bản chất tự nhiên của tôi, (ví dụ như tôi luôn muốn mình mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn), một đằng tôi lại thích chiều chuộng cảm xúc - thứ mà tôi biết là không còn dồi dào ở những người viết đã bắt đầu có thâm niên như trường hợp của tôi. Có lẽ vì vậy mà phần Việt, phần Pháp, phần nào to phần nào bé, chỉ là một nỗi lo thoáng qua mà thôi. Tôi luôn viết đúng những gì tôi cảm thấy, không mất thời gian cho công việc chứng minh vô bổ: bám vào hoài cổ để củng cố tình yêu với nước Việt hay cố tỏ ra hiện đại để bày tỏ say mê với nước Pháp…
Một người Việt sống ở Nga rồi Pháp như chị đã trải nghiệm những điều gì?
- So với những đồng nghiệp Pháp hoặc Việt thì đây cũng có thể coi là một trải nghiệm quí mà không dễ gì có, nhất là năm năm đó lại được đánh dấu bằng cuộc cải tổ Perestroika. Sau này, bạn bè của tôi nhiều người vẫn bày tỏ tiếc nuối thời gian đi học ở Nga, tôi không có cảm giác này, tuy vậy nước Nga, người Nga vẫn đều đặn xuất hiện trong hầu hết tác phẩm của tôi và tôi luôn cố coi đó là những đối tượng sáng tác, giữ một cái nhìn khách quan nhất có thể. Nói cho cùng thì yêu không có nghĩa là tô hồng.
Chị đã làm gì để hòa nhập khi đặt chân tới Pháp?
- Đến Pháp là bắt đầu một cuộc sống tự lập hoàn toàn, không còn học bổng để chỉ việc rút ra mà tiêu, không còn ký túc xá để chỉ việc xách va li đến mà ở, không còn cửa hàng thực phẩm dành riêng cho sinh viên ngoại quốc để chỉ việc nhắm mắt mua thịt gà và bắp cải vì quanh năm có mỗi thịt gà và bắp cải. Cảm giác lần đầu tiên trả hóa đơn tiền điện cho một tháng ở Pháp không khác gì lắm cảm giác lần đầu tiên mua vé khứ hồi Moscow-Hanoi, cũng ngẩn ngơ y hệt như vừa bị móc ví. Ngoài ra thì tuy luôn tự cho là đất nước của nhân quyền và bình đẳng nhưng chính phủ Pháp vẫn giữ một chính sách khá hẹp hòi với dân nhập cư. Các nhân vật của tôi, gốc Việt hay không, đều bị ám ảnh và hành hạ bởi các thủ tục hành chính nhiêu khê, thậm chí có vẻ còn cố tình khiến những ai chân ướt chân ráo đến đây phải nản lòng và bỏ cuộc.
Tôi không biết mình đã hòa nhập vào xã hội Pháp chưa và có một mô-đen nào để người nhập cư biết mà tuân theo, nhưng xã hội Pháp đương đại tránh sử dụng những cụm từ “đặc Pháp”, “chuẩn Pháp” hay “rất Pháp”. Nước Pháp từ thế kỷ XX đã bắt đầu vinh danh những gương mặt đến từ những miền đất khác góp phần tạo nên một nền văn hóa Pháp đa dạng và cởi mở như Stravinski, Chagall, Kandinsky, Appolinaire, Kundera, Gainsbourg, Aznavour, Cao Hành Kiện...
Sau hành trình đến với nước Pháp, con đường đến với văn chương của chị cũng bắt đầu?
- Tôi bắt đầu viết một thời gian ngắn sau khi đặt chân sang Pháp. Đầu tiên là những truyện ngắn mà sau này tôi vẫn đỏ mặt mỗi lúc nghĩ đến. Tuy nhiên, ngay cả lúc ấy, viết, với tôi, không phải là để khỏa lấp nỗi cô đơn của một người tha hương. Từ nhỏ đến lớn, sau những lần liên miên sơ tán, rồi theo gia đình rời Hà Nội vào Sài Gòn, lại một mình rời Việt Nam sang Nga, tiếp tục rời Nga sang Pháp, tha hương không còn khả năng đặt tôi vào một tình trạng bất thường. Dù khó chịu với các thủ tục hành chính nhiêu khê như kể trên, tôi vẫn cảm thấy thoải mái và thú vị trong hoàn cảnh là người từ xa đến. Thú vị là bởi trí tưởng tượng và óc quan sát - phân tích của tôi được sử dụng triệt để. Còn thoải mái là vì tôi được tự do, không phải gánh trách nhiệm nặng nề là thay mặt cho một dân tộc nào đó, cho một nền văn hóa nào đó. Đây là những điều kiện quá thuận lợi cho những ai muốn cầm bút. Cái còn lại chỉ là lao động. Lao động viết văn, như chị biết, ở đâu cũng như nhau. Bao giờ cũng âm thầm trong bóng tối. Và đừng nên tơ tưởng đến một nhuận bút có thể giúp ta sống đúng như công sức bỏ ra. Nhà văn có lẽ là những kẻ kiếm được ít nhất trong các ngành nghệ thuật.
Độc giả lại biết đến chị qua nhiều tác phẩm tiểu thuyết, thay vì truyện ngắn. Liệu chị có cho rằng: là nhà văn đích thực thì phải viết tiểu thuyết?
- Không, tôi chưa bao giờ quan niệm như vậy. Với cá nhân tôi, tiểu thuyết vẫn luôn là một thể loại văn chương đầy thách thức, một chuyến phiêu lưu trong cấu trúc và ngôn từ mà mỗi tác phẩm chỉ là một thử nghiệm. Hoàn toàn có thể viết một trang thú vị, mười trang thú vị, nhưng năm mươi trang mà vẫn thú vị là bắt đầu thấy oải. Một mạch hai trăm trang, ba trăm trang vẫn khiến độc giả bất ngờ là một việc không dễ chút nào. Tiểu thuyết đòi hỏi người viết phải có một đầu óc tổng hợp, sắp đặt, dẫn dắt thế nào để tất cả mọi yếu tố - ngôn từ, hình ảnh, chi tiết, nhịp điệu - hòa quyện vào nhau tạo nên một tổng thể chắc nịch. Tôi thích sự hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết đến từ nghệ thuật viết hơn từ nội dung câu chuyện, từ sự miên man của chữ nghĩa hơn là từ những éo le của tình tiết. Kundera có lý khi quan niệm rằng tiểu thuyết không phải là một nhánh của văn học mà là một ngành nghệ thuật đầy đủ và riêng biệt, giống như hội họa hay âm nhạc.
Chị thường viết trong hoàn cảnh nào?
- Tôi viết mỗi ngày, những lúc có bản thảo dang dở thì viết thêm cả tối và đặc biệt là ban đêm. Đêm, chữ nghĩa không bao giờ để tôi yên, chúng chạy lòng vòng trong đầu tôi, đứa này gọi đứa kia í ới, cãi nhau, mách nhau, gây sự. Thực ra bóng tối là bạn đồng hành lý tưởng của nghề văn. Chính khi không còn nhìn thấy thế giới bằng mắt, thì người ta buộc phải ngẫm nghĩ nó bằng đầu và cảm nhận nó bằng tim. Những tia chớp, như ta vẫn thấy, chỉ lóe lên khi mặt trời, trăng, sao, đã tắt. Đêm có quyền năng kỳ diệu trong sự tĩnh lặng tuyệt đối của nó về cả không gian lẫn thời gian, và chính ở đó, giữa vô thức và ý thức, giữa bản năng và ý chí, giữa mộng và thực, mà tôi làm những cuộc gặp gỡ thú vị nhất với ngôn từ.
Đương nhiên viết văn cần cảm hứng, nhưng cảm hứng không phải là cái có thể rơi xuống từ trên trời theo kiểu hôm nào trời đẹp thì một thi sĩ nhất định sẽ phải bật ngay ra được một câu đại loại: “Hôm nay trời đẹp lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Thời tiết, thiên nhiên, chưa bao giờ có khả năng kéo tôi vào hoặc đẩy tôi ra khỏi trang viết. Giống như Duras, “tôi ngồi vào bàn với bàn tay rỗng và cái đầu rỗng”. Từ gọi từ, câu vẫy câu, ý chào ý - đó là kinh nghiệm mà tôi rút ra từ công việc của mình. Còn trải nghiệm ư? Với nghề viết thì trải nghiệm lớn nhất chính là viết.
Thói quen khi sáng tác của chị thì sao?
- Tôi không có thói quen nào cả. Là một người dễ tính, tôi có thể viết ở mọi nơi, nhưng nếu được lựa chọn thì tôi cũng thích viết trên máy bay và tàu tốc hành nơi người ta thường dành phần lớn thời gian để ăn, ngủ hay xem phim giải trí. Với tôi, tạo một thế giới của riêng mình giữa đám đông vô danh, không ràng buộc, không định kiến có vẻ thuận lợi hơn là giữa những người vẫn gặp gỡ hàng ngày. Ngoài ra thì còn gì thú vị hơn được ngồi viết trong cảm giác đang bồng bềnh giữa những đám mây hay đang lướt như gió qua một thảo nguyên, một con sông, một rặng núi. Và ngay lúc đó, trên màn hình máy tính nhỏ bé đặt trước mặt lại là một vũ trụ khác nữa, mà mỗi câu chữ được gõ ra lại khiến nó trở nên rộng lớn hơn, huyền diệu hơn… Tất cả như thể mơ và thực đang hòa trộn vào nhau. Nếu nghề viết có chút gì lãng mạn thì chính là những khoảnh khắc thế này.
Một cuốn tiểu thuyết của chị có được ra đời với kế hoạch rõ ràng không?
- Thường thì tôi đặt kế hoạch 2 hoặc cùng lắm là 3 năm phải hoàn thành một tác phẩm. Thế nên sau một năm nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng bằng cách dịch các tác giả khác, tôi sẽ ngồi vào bàn chuẩn bị cuốn mới của chính mình. Đầu tiên tôi chọn một ý tưởng đang ám ảnh, thử viết vài chục trang, mục đích là tìm một cấu trúc khác với những tiểu thuyết trước đấy của tôi. Đương nhiên cũng chỉ là một cấu trúc ở dạng sơ khai manh nha thôi, nó sẽ được hoàn thiện dần trong khi viết. Nếu so sánh các tác phẩm của tôi thì người ta sẽ thấy sự khác nhau đầu tiên nằm ở cấu trúc. “Made in Vietnam” được viết một mạch, hơn 200 trang không một lần xuống dòng. Tiếp theo, “Chinatown” xuống dòng 2 lần để gài vào 2 trích đoạn của một tiểu thuyết khác - một bản thảo mà nhân vật chính đang viết. Còn “Paris 11 tháng 8” có phân chương và mỗi chương bắt đầu bằng một trích đoạn báo chí có thật. “T mất tích” thì nhân vật chính mất tích ngay từ đầu. “Vân Vy” lại kết hợp hư cấu và nhật ký. “Thang máy Sài Gòn” có gần 40 chương nhưng các chương không phụ thuộc vào một trật tự nào để tạo cảm giác thoải mái và năng động như Sài Gòn và thang máy. “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng 4” lại là một tổ hợp của các số 4, gồm 4 chương, mỗi chương gồm 4 đoạn, mỗi đoạn đều bắt đầu bằng thơ rồi mới đến văn xuôi, và câu nào cũng chi chít số 4. Tiểu thuyết “Thư gửi Mina” còn đang dang dở là những lá thư không bao giờ được gửi mà nhân vật chính đã viết trong vòng một tháng liền, cho người bạn gái đã mất liên lạc từ lâu.
Chính cấu trúc đã gắn kết câu chữ của tôi với nhau, tạo nên nhịp điệu của tiểu thuyết. Vì nó, tôi không ngại chỉnh sửa các chi tiết bên trong. Nói cách khác, với tôi, hình thức đã quyết định nội dung chứ không phải ngược lại. Tôi không chuẩn bị đề cương câu chuyện, làm sẵn dàn bài, dàn ý, dẫn dắt nhân vật, tạo thông điệp… nhưng nhất định tôi phải tìm được hình hài tiểu thuyết trước khi thực sự bắt tay vào viết.
Chị thường mất bao lâu để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết?
- Khoảng 1 năm là tương đối hoàn thành, nhưng để hoàn thành hẳn thì có thể lâu hơn nhiều, vì tôi còn tiếp tục chỉnh sửa cho đến ngày xuất bản mới thôi. Ví dụ, cuốn “Thang máy Sài Gòn” nếu tính hết thì phải mất 2 năm.
Đề tài nào làm chị ưa thích tìm tòi nhất?
- Hai đề tài thường trở đi trở lại trong các tác phẩm của tôi là chính trị và nhập cư, có lẽ vì chúng có khả năng đưa ra một số giải đáp về xã hội Việt Nam quê hương của tôi và xã hội Pháp nơi mà tôi đang sống. Ngoài ra thì tôi cũng rất quan tâm đến các đề tài tình yêu, tình dục là những thứ mà thiên hạ đã viết nát ra rồi và vì vậy mà vô cùng thách thức.
Chị định hình dần phong cách viết của mình như thế nào? Những thủ pháp nghệ thuật nào chị thích sử dụng nhất?
- Nhìn ngược lại ngần ấy năm, tôi có cảm giác tôi chỉ cố bước qua chính tôi, cuốn sau cố đừng dẫm vào cuốn trước, cứ thế mà dò đường đi tiếp.
Văn phong của tôi hay được người ta nhắc tới cùng những từ như “hài hước”, “giễu nhại”, “tự trào”. Hạnh phúc luôn là một phạm trù xa lạ với tôi. Tôi tự thấy mình gần gũi hơn với những con người buồn, những hoàn cảnh buồn. Nhưng nếu buồn không thôi thì cũng không có gì phải nhờ đến tay một nhà văn như tôi. Vấn đề ở đây là phải viết làm sao để nỗi buồn không trở thành nơi mà tác giả và độc giả ôm nhau thút tha thút thít. Một trong những giải pháp đó là giễu nhại. Bạn hãy hình dung độc giả đang nước mắt lưng tròng thì vấp phải một câu hài hước, thế là thay vì bật khóc, lại phải phì cười. Tôi tin rằng chính từ hành động ngược đời này mà họ cảm thấy băn khoăn và dừng lại để suy nghĩ. Đó có thể là những tiếp xúc đầu tiên của người đọc với văn chương. Tôi gọi đó là dùng nghịch lý để viết về nghịch lý. Còn tự trào, tự giễu là việc đương nhiên rồi, tôi bao giờ cũng làm nó trước tiên, và luôn với rất nhiều hào hứng, có thể do tôi là đối tượng mà tôi hiểu rõ nhất, là nhân vật mà tôi gần gũi nhất.
Ngoài ra giới chuyên môn cũng thường nói về tôi như một nhà văn ưa thủ pháp “giả hư cấu”, theo kiểu tôi khiến độc giả nửa tin nửa ngờ rằng nhân vật chính là tôi. Có lẽ nên hiểu lý do thế này: phần đông độc giả có xu hướng giải thích tác phẩm thông qua đời tư của tác giả và không gì khiến một nhà văn như tôi thất vọng bằng thế. Cho nên tôi phải tìm cách khiến họ đọc vào văn bản, đọc những gì do tay tôi viết ra, chứ không phải những gì người ta gán cho tôi. Ngoài ra tôi cũng thích nghịch ngợm, trêu chọc độc giả một chút. Cho họ đoán già đoán non cũng là tạo ra một cách đọc năng động, gây thói quen nghi ngờ. Vào thời đại thông tin hỗn loạn như hiện nay, có lẽ cái câu “Tôi suy nghĩ nên tôi tồn tại” phải chuyển thành: “Tôi nghi ngờ nên tôi tồn tại”. Vấn đề của chúng ta bây giờ không phải là thu nạp thông tin mà là kiểm tra thông tin.
Tóm lại, độc giả thân mến, hãy khám phá thế giới mà tôi tạo ra chứ đừng khám phá cuộc đời mà tôi đang sống, nó không có gì đặc biệt đáng để các bạn bận tâm.
Tiểu thuyết nào chị đã viết mà chị thấy hài lòng và ưa thích nhất?
- Nói như Jean-Paul Sartre thì “cuốn sách hay nhất là cuốn mà ta đang viết”. Và đó là “Thư gửi Mina” vẫn đang dang dở trong máy tính, bản thảo ngốn của tôi nhiều thời gian nhất từ trước đến nay: bắt đầu từ giữa năm 2015 và cuối năm nay hy vọng mới có thể đặt dấu chấm hết. Cho tới giờ phút này thì tôi có cảm giác đã đi được một chặng đường khá dài, nhưng những cái khó nhất dường như vẫn lẩn quất đâu đây. Văn chương trong tay tôi là thứ mà chưa xong thì chưa thể chắc chắn bất cứ điều gì. Tạm thời chỉ có thể tiết lộ đôi chút thế này: Mùa thu 2016, nhân vật chính, một nhà văn gốc Việt sống ở Paris, đã quay lại căn phòng áp mái giữa khu Pigalle nóng bỏng từng chứng kiến những ngày đầu tiên cô đặt chân đến Pháp, để bắt tay vào một bản thảo mới. Nhưng thay vì đeo đuổi một cuốn tiểu thuyết như việc mà cô vẫn làm, cô đã ngồi viết thư cho Mina một người bạn gái gốc Afganistan mà cô đã mất liên lạc ngay sau ngày cả hai cùng tốt nghiệp đại học ở Nga. 30 bức thư đều đặn trong vòng một tháng, không bao giờ được gửi đi, dần dần trở thành một dạng nhật ký nơi cô có thể thổ lộ mọi điều - về nghề viết, về nhân tình thế thái, về cuộc sống tha hương, về quan hệ vợ chồng trống rỗng, về mối tình tuyệt vọng xa xưa, về những nỗi niềm riêng tư bấy lâu bị chôn vùi, về những hành động vô nghĩa của một cuộc sống thường nhật nhàm chán đến kinh ngạc… Tất cả trên một phông nền rộng lớn chạy từ Hà Nội của bao cấp đến Sài Gòn của ngày hôm nay, qua nước Nga của perestroika, Kabul của nội chiến và chưa chắc đã dừng ở Paris của đầu thế kỷ 21 với khủng hoảng kinh tế, chính trị và di dân.
Ở đây có lẽ phải nói thêm rằng hình thức thư từ kiểu này đã cho phép tôi một sự thoải mái lớn nhất từ trước đến nay, để chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác tôi chỉ cần bắt đầu một thư mới, nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà tôi lại có trách nhiệm tìm được mối gắn kết giữa những lá thư đó với nhau, ví dụ như nhịp điệu và chi tiết luôn được lặp đi lặp lại, hay cảm giác vừa khắc khoải vừa cô độc lan tràn … Dù thế nào thì “Thư gửi Mina” cũng là một tiểu thuyết trong ý nghĩa trọn vẹn của nó về cả hình thức lẫn nội dung, chứ không phải là những bức thư rời rạc được xếp cạnh nhau.
Nhà văn Thuận – người thực phía sau tác phẩm - hiện đang có cuộc sống ra sao?
- Chỉ những gì xảy ra trong đầu tôi mới phức tạp, còn cuộc sống thường nhật của tôi thì vô cùng đơn giản: ngoài việc đưa đón Mike đi học, và chuẩn bị một bữa tối thì có lẽ việc duy nhất tôi làm là gõ bàn phím. Tôi viết khá nhanh để đuổi kịp trí tưởng tượng như ngựa vía của mình, nhưng công đoạn chỉnh sửa thì cực kỳ công phu. Một dấu phẩy cũng có thể khiến tôi băn khoăn thao thức.
Hơn hai mươi năm hành nghề, đúng là không phải lúc nào cũng cứ rời khỏi bàn viết là về ngay được với bàn ăn. Nhất là những khi gặp phải phân đoạn khó thì mọi thứ xung quanh đều trở nên vô nghĩa, mà không hiểu sao phân đoạn nào cũng khó, càng viết là càng rơi vào ma trận do chính mình tạo ra. Rút tiền xong quên thẻ, mua đồ không nhìn giá, uống thuốc ngủ ba tối liền, mấy tháng không đến hiệu cắt tóc, gật đầu cho Mike đạp xe dưới trời mưa… Đó là những cái giá phải trả cho một bản thảo. Để chống lại cơn stress có nguy cơ đổ ụp xuống tôi bất kỳ lúc nào, tôi thường đi xem phim. Nghệ thuật thứ 7 với tôi là một thứ hấp dẫn vô cùng. Ngồi trước một màn ảnh rộng, trong một phòng ciné vắng người, thả mình vào một bộ phim hay, cũ hay mới không quan trọng, cảm giác đó thật khó có gì thay thế.
Trân trọng cảm ơn chị.