Tinh hoa Việt

Nhà văn Trầm Hương: Viết bằng sự thôi thúc của trái tim

Hải Miên 19/04/2025 09:45

Viết nhiều thể loại và ở lĩnh vực nào, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh) cũng gặt hái được nhiều thành công. Điều đáng trân trọng nhất ở bà là thái độ chuyên nghiệp và sự bền bỉ, dành tình yêu với đề tài chiến tranh, cách mạng. Bà đang viết cuốn tiểu thuyết "Giá của hòa bình" để kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cơ duyên đến với đề tài chiến tranh, cách mạng

nhà văn Trầm Hương
Nhà văn Trầm Hương.

Nhà văn Trầm Hương khởi nghiệp văn chương bằng thơ và được trao giải thơ hay năm 1993. Bà bắt đầu viết truyện năm 1985, khi còn là sinh viên Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Cần Thơ. Còn nhớ, truyện ngắn mang tên “Dấu chân qua ngõ lầy”, viết về một cô sinh viên chạy theo vật chất, đánh mất phẩm chất, đánh mất tương lai… Truyện được giải thưởng cuộc thi văn học đồng bằng sông Cửu Long. Khi bà đến nhận giải thưởng ban tổ chức không tin bà là tác giả, đòi kiểm tra giấy tờ.

Nhà văn Trầm Hương chia sẻ: “Tôi nhớ giải thưởng năm ấy mua được chiếc xe đạp. Số tiền ấy thật khích lệ tôi trong hoàn cảnh sinh viên ốm đói thời bao cấp. Những năm ấy chiến tranh biên giới Tây Nam, nhiều thương binh trở về thành phố với những cây nạng gỗ, những ống quần cụt phơ phất khi các anh di chuyển. Tôi bắt đầu viết về người lính trở về quê hương với âm thanh chiếc nạng gỗ gõ trên đường trong đêm tối…”

Rồi bà trở thành kỹ sư nông nghiệp, lăn vào đời. Những chuyện kể của người nông dân về con chim bị vặt trụi lông ám ảnh bà. Chẳng bao lâu, bà chuyển sang làm phóng viên Đài truyền hình Vũng Tàu. Thế nhưng, nhắc đến Trầm Hương, bạn đọc sẽ nghĩ ngay đến người chuyên về chiến tranh cách mạng, điều đó có một cơ duyên, kể từ khi bà về công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Ở đó, hình ảnh những nữ tù, những nhân chứng chiến tranh đầy ắp, sống cùng bà trong những câu chuyện. Bà rung cảm trước âm thanh chiếc ghế gỗ của người nữ tù bị cưa sát hai chân gõ xuống mặt đường. Khi ấy, bà là thuyết minh viên, hằng ngày mặc áo dài tha thướt thuyết minh nội dung bảo tàng. “Một hôm tòa nhà vắng khách. Tôi như bị vây quanh bởi những hình ảnh, hiện vật. Hình như những người hy sinh trong bức ảnh máy môi cử động đòi bước ra cuộc đời. Tôi nhận ra lồng kính đựng những hiện vật trưng bày quá chật chội. Tôi muốn đi tìm sự kết nối giữa hiện vật ở bảo tàng và đời sống. Tóm lại, lòng đa cảm dẫn tôi đi. Từ những người quá cố tôi gặp được những người sống. Những người sống cho tôi biết thêm nhiều người hy sinh, nhiều giá trị thầm lặng bị chôn vùi. Cứ thế, những trang viết đầy lên…”, nhà văn Trầm Hương nhớ lại.

Nhờ phát hiện “nhà văn có thể sống bằng nhuận bút”, Trầm Hương từng bước trở thành nhà văn “cày sâu cuốc bẫm” vào loại nhất nhì trong giới viết ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có thời điểm một mình nuôi hai con nhỏ, bà từng gõ máy chữ đến bật máu ngón tay. Bà viết khá nhiều tấm gương phụ nữ Long An trong thời kỳ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, cứu nước và trong lao động trên các lĩnh vực, tô đậm 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trên vùng đất có 2 dòng sông lớn Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đã chảy vào thơ văn kháng chiến...

Một tác phẩm của Trầm Hương
Một tác phẩm của nhà văn Trầm Hương.

Trầm Hương có nhiều chuyến đi Mỹ để gặp gỡ một số cựu binh, nhân chứng chiến tranh để làm phim tài liệu và viết sách. Đầu năm 2025 bà lại sang để tìm kiếm tư liệu viết cuốn "Giá của hòa bình". Sách nói về sự hòa hợp hoà hiếu, những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Mỹ từ hai phía. Khi bà đến thăm gia đình Giáo sư Tom Patterson - Khoa Chính trị và Truyền thông (Đại học Harvard), mới được biết ông từng tham chiến ở Việt Nam, vai trò cố vấn, từng có mặt ở Đồng Tháp Mười. Sau khi trở về Mỹ, ông rời quân đội, tiếp tục con đường nghiên cứu, trở thành giáo sư một đại học danh giá. Điều đặc biệt là ông rất yêu Việt Nam, phản đối mạnh mẽ "đường lưỡi bò" ở biển Đông, không để tiền bạc mua chuộc chính kiến của mình.

Trầm Hương tiếp xúc nhiều các nhân chứng lịch sử, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thanh niên xung phong, cựu chiến binh… Để các nhân vật từ cuộc sống khi bước vào văn chương, giúp những trang văn sống động, bà đặt mình vào những con người đó, hòa cùng nước mắt với những người mẹ, người chị. Bà luôn tự hỏi là con người ai cũng xương thịt yếu mềm, sao các chị, các anh kiên cường, dũng cảm đến thế? Càng đi, càng gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử, bà càng kinh ngạc, tự hào khi đất nước mình có quá nhiều những con người lạ lùng, kỳ diệu. Trầm Hương tâm sự: “Tôi đến với họ không phải tư cách là nhà văn, nhà báo, nhà làm phim, mà đến với một con người để thấu hiểu nỗi đau một con người. Có quá nhiều những hy sinh thầm lặng; có quá nhiều lãng quên, cả bất công nữa. Nên làm được điều gì cho các nhân chứng chiến tranh thì tôi làm. Những trang viết của tôi là cầu nối số phận những người mất mát trong chiến tranh đến những tấm lòng nhân ái. Và những giá trị được biết đến, được tôn vinh, những ngôi nhà tình nghĩa được mọc lên trên khắp miền đất nước. Sự đồng cảm, sẻ chia, đồng hành cùng nỗi thống khổ, nước mắt, nỗi đau của những người đi qua chiến tranh, vượt qua những khó khăn thời hậu chiến cho tôi những trang viết gởi đến bạn đọc”.

Nhà văn Trầm Hương (bên trái) trong một lần giới thiệu tác phẩm.
Nhà văn Trầm Hương (bên trái) trong một lần giới thiệu tác phẩm.

Ước trời không có đêm

Nhà văn Trầm Hương sinh năm 1963, tại Bến Tre, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Bà vinh dự được nhận nhiều giải thưởng: Giải thơ hay năm 1993 của Tuần báo văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Giải thưởng truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1994; Giải thưởng tiểu thuyết do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2000 cho tiểu thuyết “Đêm trắng của Đức Giáo Tông”; Giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tiểu thuyết “Đêm Sài Gòn không ngủ”; Giải A tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” cuộc thi sáng tác về đề tài Cách mạng và Kháng chiến (giai đoạn 1930-1975); Giải B truyện ký “Chuyện năm 1968” ; Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” năm 2016; Giải nhất cuộc thi thơ và tản văn “40 năm rực rỡ tên vàng” do báo Người Lao động tổ chức năm 2021; Giài thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần 2 - năm 2021 cho tập truyện ký "Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái"…

Trầm Hương quan niệm: “Văn chương là sứ mạng nói thay cho những điều thầm lặng. Văn chương là cầu nối để cái "lý" được người hơn và "tình" có ánh sáng của lý trí”.

Trầm Hương từng ước trời không có đêm, để có thêm thời gian làm việc. Với một viên chức viết văn thì 8 tiếng vàng ngọc bà đã phải dành cho cơ quan. Thời gian viết văn chủ yếu về đêm. Bà chia sẻ: “Bạn thử hình dung một ngày của bà mẹ viết văn có con nhỏ. Sáng 5 giờ thức dậy, vài động tác thể dục, lo cho lũ trẻ ăn sáng, đưa trẻ đến trường, vội vã vào cơ quan. Rồi họp hành, gặp gỡ nhân chứng, làm đề cương trưng bày, viết kịch bản cho sự kiện, đi thực địa… Chiều vội vã đón con, lo cơm nước, tắm rửa cho con, chơi với con ít phút, xem qua bài vở các con… Khi ngồi vào bàn viết thì đã hơn 10 giờ tối. Người mẹ viết văn bắt đầu trận chiến với con chữ, với nhân vật, tình huống trong tiểu thuyết. Không viết thì đọc. Có được cuốn sách hay thì mê mải đọc cho đến sáng…”

Sau hơn 40 năm cầm bút, Trầm Hương tâm sự rằng, bà nhận được quá nhiều, bởi đã tận hiến cho từng trang viết. Giờ mở dữ liệu toàn bộ bìa sách đã xuất bản, bà thấy mình cũng thật giàu có. Bà có thơ, truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết, sách biên khảo, kịch bản phim truyện và hàng trăm kịch bản phim tài liệu và nhiều phim được giải thưởng. “Tôi đi lập nghiệp bằng một cái giỏ rách, giữa phồn hoa đô hội, với một trái tim đa cảm. Lòng đa cảm dẫn tôi đi giữa cuộc đời này, lắng nghe những giọt nước mắt, chuyển hóa những số phận con người tôi gặp với nỗi khổ niềm đau vào trang viết. Kỳ lạ thay những trang viết nở hoa, cho tôi cuộc sống. Nghề viết không phụ tôi”, nhà văn Trầm Hương giãi bày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Trầm Hương: Viết bằng sự thôi thúc của trái tim