Nhà văn Vũ Hùng: Người kể chuyện thiên nhiên và muông thú

Thư Hoàng 06/10/2015 14:56

Đó là nhà văn Vũ Hùng - tác giả của hơn 40 đầu sách viết cho thiếu nhi chỉ xoay quanh đề tài: rừng, thiên nhiên, muông thú. Trong các tác phẩm của ông, từ cuốn sách đâu tay là “Mùa săn trên núi” ra đời năm 1961 cho tới những tác phẩm sau này, như “Sống giữa bầy voi”, “Giữ lấy bầu mật”, “Sao sao”, “Chú ngựa đồng cỏ”, “Người quản tượng và con voi chiến sĩ”... chủ đề rừng, thiên nhiên và muông thú hiện lên vô cùng sinh động, hấp dẫn.

Nhà văn Vũ Hùng: Người kể chuyện thiên nhiên và muông thú

Nhà văn Vũ Hùng

Nhà văn Vũ Hùng là ai? Hẳn sẽ có người đặt câu hỏi ấy. Quả thực, với nhiều độc giả, nhất là thế hệ độc giả đương thời, Vũ Hùng là cái tên ít quen thuộc. Điều ấy hoàn toàn đúng, và cũng có nguyên do. Trước hết, bởi ông đã già (sinh năm 1931), lại sang Pháp định cư từ năm 1989. 25 năm liền sống xa Tổ quốc, một cái tên bặt đi trên văn đàn, thế thì có nhiều lứa độc giả không biết, không nhớ đến Vũ Hùng cũng là điều có thể hiểu được.

Nhưng với thế hệ độc giả đi trước, những ai từng đọc dù chỉ 1 tựa sách ông viết, cũng không dễ quên, bởi ấn tượng quá mạnh về thiên nhiên hiện ra trong từng trang sách của Vũ Hùng.

Nhà văn Vũ Hùng sinh tại làng Láng (Cầu Giấy, Hà Nội), là cựu học sinh trường Bưởi (Chu Văn An) và Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1950, học trường Thủy quân Việt Nam (khóa 2) và trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (khóa 7). Sau đó, ông phụ trách Đài trưởng Đài Vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào. Ông từng là phóng viên Khoa học kỹ thuật của báo Quân đội Nhân dân, biên tập viên của NXB Ngoại văn và NXB Văn học. Ông nguyên là Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa. Năm 1989 ông định cư tại Pháp và tháng 5-2014, ông trở lại Việt Nam sinh sống. Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, ông đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ông cũng đã hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng: cuốn “Sao Sao” (1982) và cuốn “Sống giữa bầy voi” (1986).

Nhà văn Vũ Hùng chia sẻ, những cuộc hành quân dài dặc, vất vả trong đời lính đã mang lại cho ông nhiều khám phá về thiên nhiên, đất nước, về phong tục tập quán của các dân tộc Việt - Lào anh em bao đời từng chung sống trên một dải Trường Sơn. Vùng biên giới phía Bắc hùng vĩ, với “những ngọn núi mây phủ triền miên, những rừng thông vi vút” hay vùng biên giới phía Tây, trong lòng dãy Trường Sơn với “những cánh rừng chưa hề in dấu chân người, những ngọn núi tím biếc với những hồ nước trong vắt trên đỉnh, những đồi lau và đồi tranh vàng rực dưới nắng thu, những bầy thú mà ta dễ dàng gặp trên đường: những con tê giác cuối cùng, những bầy hươu nai, bầy voi, những con bò tót hùng tráng, lũ báo gấm uyển chuyển”, và câu chuyện của những người đi rừng lão luyện với “một ngôn ngữ giản dị, ít lời nhưng nhiều hình ảnh, thứ ngôn ngữ riêng chỉ có trong rừng” chính là nguồn cảm hứng để ông viết những tác phẩm ấy.

Ở tuổi 84, mái tóc bạc trắng nhưng bước đi còn nhanh nhẹn, nhà văn Vũ Hùng bảo, lúc đầu khi bị phân công sang Lào, ông cũng cảm thấy khó chịu. Vì nhiều người vẫn được ở lại sống trong nước, sao mình phải ra đi? “Sau đó thì tôi thấy đó là thời gian cực kỳ may mắn và cực kỳ quý báu. Thời gian ở Lào giúp tôi thay đổi nhiều về nhận thức, về tư tưởng. Nếu không có thời kỳ ấy, chắc chắn sẽ không viết theo tư tưởng nhân văn như thế”, Vũ Hùng tâm sự.

Lý giải vì sao viết nhiều về những con vật, như trăn, gấu, culi thậm chí là những con vật đồ sộ như voi, tê giác, nhà văn Vũ Hùng cho rằng đó cũng là vì được sống ở đất nước Triệu Voi nên ông có nhiều điều kiện để tiếp xúc, quan sát đời sống của các loài vật này. “Thoạt đầu tôi rất kiêng dè những con vật đồ sộ này, thường lạ lùng tự hỏi: làm sao với sức mạnh ghê gớm vốn có, chúng lại chịu tuân phục dễ dàng những con người trần trụi và bé nhỏ như chúng ta? Sống lâu ở những làng voi, tôi dần hiểu: quản tượng có thể sai khiến con voi bằng lòng nhân hậu và sự công bằng. Ở những làng voi, tôi đã học được cách sống hợp nhân tình: hãy độ lượng và yêu thương. Một cách sống trong quan niệm từ bi của đạo Phật, xa lạ với các lí thuyết phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp. Giống như trong một câu phương ngôn Lào: “Nếu bạn chột mắt, hãy nhìn bạn phía con mắt lành, ta sẽ thấy bạn chẳng khác gì ta”.

Nhà văn Vũ Hùng: Người kể chuyện thiên nhiên và muông thú - 1

Một số tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng

Vừa qua, tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Thiên nhiên bí ẩn và kì thú trong tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng”, có ý kiến đã so sánh những trang viết của nhà văn Vũ Hùng không thua kém, thậm chí phong phú hơn một số tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn Đoàn Giỏi, Tô Hoài, Võ Quảng. Muông thú trong tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng có tâm hồn và tính cách riêng. Dù đó là khi ông viết về con kiến, con culi hay những loài động vật to lớn như gấu, voi. Theo nhà nghiên cứu – PGS.TS Vân Thanh, nhà văn Vũ Hùng có lòng nhân ái lớn. “Ông muốn gieo vào lòng các em thiếu nhi khi đọc tác phẩm của ông lòng nhân ái thông qua những cốt truyện đơn giản nhưng vô cùng sống động, để lại ấn tượng khó quên”, PGS Vân Thanh nhận xét. Theo bà, một điểm đáng lưu ý khác, đó là ngôn ngữ trong các tác phẩm của Vũ Hùng là ngôn ngữ hình ảnh. Đồng quan điểm này, nhà văn Lê Phương Liên nhận xét, đọc Vũ Hùng thấy ông có giọng văn miêu tả rất hay. Bây giờ rất nhiều người viết đã bỏ qua thứ văn miêu tả này khiến tác phẩm mất đi nhiều cảm xúc.

Còn nhà văn Hà Phạm Phú - một trong những đồng nghiệp của ông từ thời làm việc ở báo Quân đội Nhân dân kể lại rằng: “Cuốn sách đầu tiên của Vũ Hùng mà tôi được đọc là “Mùa săn chim”, và tôi đã có ấn tượng rất mạnh mẽ. Cách viết về thiên nhiên, về con vật trong các tác phẩm của ông rất tinh tế và luôn có những bài học sâu sắc”.

Khi được hỏi, ông muốn gửi gắm điều gì thông qua những tác phẩm của mình, nhà văn Vũ Hùng nhỏ nhẹ tâm sự: “Qua tác phẩm của mình, tôi muốn độc giả thiếu nhi hiểu về một thời chưa xa lắm, thiên nhiên đất nước ta tươi đẹp, trong lành như thế, muông thú phong phú như thế và con người hiền hòa như thế”.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ: “Nhà văn Vũ Hùng là người con trai Hà Nội với những cơ duyên đặc biệt khi đến với thiên nhiên kỳ thú. Những tác phẩm của ông làm nên tuổi thơ của nhiều thế hệ. Tôi là một trong những độc giả từ thủa nhỏ của nhà văn Vũ Hùng. Ông đã cho tôi và những đứa trẻ thời đó biết được rất nhiều điều về thiên nhiên kỳ thú”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Vũ Hùng: Người kể chuyện thiên nhiên và muông thú

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO