Thi thoảng, tôi “gặp” nhạc sĩ An Hiếu trên… facebook. Ở đó, anh chia sẻ nhiều chuyện, nhưng chưa khi nào tôi thấy anh chia sẻ hình ảnh hay những dòng trạng thái về gia đình.
An Hiếu thừa nhận điều đó, và bảo rằng, anh muốn dành facebook cho riêng mình, đó là nơi anh chia sẻ những câu chuyện trong âm nhạc.
Chẳng hạn, cách đây ít hôm, tôi thấy anh viết: “Vấn đề bản quyền âm nhạc trên youtube cũng đáng quan tâm đấy. Người nhạc sĩ thường chỉ biết sáng tạo trong âm nhạc, còn về lợi nhuận, bản quyền thì ít chú ý lắm! Nếu ba tôi ở nước ngoài thì có lẽ đã trở thành tỷ phú rồi cũng nên”.
Tôi hiểu anh nhắc tới cha mình, đó là nhạc sĩ An Thuyên - tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng. Tôi nghĩ, ai trong số chúng ta cũng có thể hát vài ba ca khúc mà nhạc sĩ An Thuyên đã viết, như “Ca dao em và tôi”, “Neo đậu bến quê”, “Em chọn lối này”… Nhưng tôi biết, nhạc sĩ An Hiếu là người không muốn nhắc đến cha mình. Một đồng nghiệp của tôi kể rằng, đã bị từ chối khi hỏi An Hiếu về nhạc sĩ An Thuyên.
Thế nhưng khi thấy anh chia sẻ dòng trạng thái trên, tôi vẫn quyết định bắt đầu cuộc trò chuyện với nhạc sĩ An Hiếu - hiện là Phó Chủ nhiệm Khoa quản lý văn hóa - Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội.
“Tôi là kẻ khờ khạo chính hiệu”
Anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện bản quyền âm nhạc của nhạc sĩ An Thuyên được không?
Nhạc sĩ AN HIẾU: Trước đây, ba tôi và gia đình không để ý lắm về vấn đề bản quyền. Ca sĩ nào muốn hát ca khúc của ba và tôi thì chỉ cần xin phép bằnh cách gọi điện thoại hoặc chạy qua nhà có đôi lời là đủ. Tiền tác quyền thì người có, người không. Tôi nhớ mãi một ca sĩ sau khi đoạt giải Nhất Sao Mai với 1 bài hát của ba tôi thì cầm một giỏ hoa quả tới nhà, cảm ơn thầy. Mọi việc đơn giản lắm.
Tuy nhiên sau khi ba tôi qua đời vào năm 2015, tôi đã chủ động hơn trong việc ký kết bản quyền âm nhạc với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và các công ty như Hồng Ân, Metub... để khai thác bản quyền trên các nền tảng công nghệ số.
Tôi biết, trên con đường âm nhạc, anh không muốn nhắc tới cha mình - nhạc sĩ An Thuyên. Thật sự mà nói, tôi rất ngưỡng mộ điều này bởi qua đó, cho thấy phần nào cá tính của anh, muốn đi riêng một con đường. Hay như cách anh nói, không muốn nấp dưới bóng của những cây tùng cây bách. Thế còn từ góc độ của một người con, điều gì anh nhận ra mình rất giống cha?
- Đúng là tôi từng từ chối nhiều nhà báo khi hỏi về ba tôi, nhạc sĩ An Thuyên. Thật sự, tôi không muốn có bất cứ sự áp lực nào, dù tôi luôn tự hào khi có một tượng đài cả ở trong tim và trên con đường âm nhạc.
Càng ngày tôi càng thấy mình có khá nhiều điểm giống ba mình, đó là luôn có một tình yêu âm nhạc bỏng cháy, luôn cầm bút viết trước tất cả mọi đề tài trong cuộc sống. Trong đời thường vẫn giữ được cách sống giản dị, chân thành của người dân quê. Trước những điều khó khăn luôn muốn tự mình tìm cách bước qua. Và rồi theo thời gian, tóc cũng dần thưa như vậy (Cười).
Thế còn điều khác biệt lớn nhất giữa anh và nhạc sĩ An Thuyên?
- (Cười) Khác biệt có chăng chỉ là cách suy nghĩ của 2 thế hệ thôi. Còn tôi có quá nhiều điều phải học hỏi ở ba qua cá tính trong công việc và đời sống.
Nhạc sĩ An Thuyên có phải là người quyết đoán, trong mắt anh?
- Trong công việc, ba tôi có cái quyết đoán, quyết liệt của người dân xứ Nghệ nhưng cũng rất mềm mỏng, nhẹ nhàng. Hơn thế ba còn có một tư duy, tầm nhìn thật xa, dự báo được nhiều điều. Còn trong cuộc sống, ông luôn yêu, ghét rõ ràng, thật sự bao dung, yêu thương mọi người.
Tôi biết, khi còn sống nhạc sĩ An Thuyên không muốn anh theo đường âm nhạc. Anh có thể chia sẻ việc viết nhạc đến với anh như thế nào?
- Con đường đến với âm nhạc của tôi khá trắc trở khi phải trải qua 3 lần thi trượt kỳ thi Đại học, với những ngày đi học sửa xe máy. Gia đình tôi lúc đó cũng nghĩ như bao nhà làm nghệ thuật, đều muốn con học nghề khác cho đỡ vất vả, có cuộc sung túc hơn. Năm 1994, tôi vào Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội học từ hệ Trung cấp, Cao đẳng rồi Đại học và ở lại làm giảng viên cho đến nay.
Bài hát đầu tiên của mình, hẳn anh còn nhớ?
- Bài hát đầu tiên của tôi có tựa đề “Tình yêu âm nhạc” được ra đời với mong muốn tặng thầy cô của mình. Và được tôi thể hiện cùng ban nhạc “Đồng đội” trên sân khấu của nhà trường, trong Liên hoan ban nhạc sinh viên toàn quốc năm 2000. Tôi nhớ mãi hình ảnh tôi hát chính, Hồ Quỳnh Hương, Phương Anh cùng tất cả thành viên ban nhạc vừa hát bè, vừa chơi nhạc cụ. Mọi thứ vẫn còn vẹn nguyên như ngày hôm qua.
Những sáng tác đầu tiên đó, thật sự, nhiều người muốn anh chia sẻ, nhạc sĩ An Thuyên đã nói gì với con trai mình?
- Những ca khúc đầu tiên hay về sau này khi đã viết tốt hơn thì tôi vẫn nhờ ba là người đầu tiên nghe để góp ý về ca từ, giai điệu và cấu trúc. Ba tôi luôn nói rằng người sáng tác hãy đến với tác phẩm âm nhạc bằng cảm xúc chân thật nhất, ca từ đừng sáo rỗng, hãy nói bằng đúng ngôn ngữ của lứa tuổi mình.
Âm nhạc, hẳn có điều gì đó quyến rũ, khiến anh vẫn theo đuổi, dù đã từng đi học sửa xe máy? Hay là, con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh?
- Người ta vẫn nói: nghề chọn người. Điều đó với tôi rất đúng. Sẽ rất khó tưởng tượng nếu ngày hôm nay tôi không có nốt nhạc, không có thanh âm thì tôi sẽ làm gì. Bởi ngoài âm nhạc tôi là một kẻ khờ khạo chính hiệu.
Khờ khạo nhưng vẫn có… vợ đẹp con khôn? (Cười)
- (Cũng cười) Các cụ thường nói, “mèo mù vớ được cá rán”. Tôi thấy mình may mắn thôi, chứ trong tình yêu không phải lúc nào cứ muốn là được.
Hiện, tôi là người hạnh phúc vì có một gia đình êm ấm, tràn ngập tiếng cười. Một gia đình theo hình mẫu “cổ điển”: “chồng là bộ đội, vợ là giáo viên”. Bà xã là một cô giáo dạy tiếng Anh có chuyên môn rất tốt. Tôi có một con trai - năm nay cháu đang học lớp 9.
Kể chuyện lính bằng âm nhạc
Chọn cho mình một con đường đi trong âm nhạc, điều áp lực lớn nhất mà anh phải chịu đựng là gì?
- Tôi là người ưa đi rừng khám phá thiên nhiên, nên tôi hiểu cảm giác bị lạc đường. Nếu bạn chọn sai đường đi thì đồng nghĩa với việc không thể đến đích đúng hẹn và đôi khi còn mang tới cho mình những điều nguy hiểm, khó lường.
Bây giờ tôi đã chọn đi trên con đường âm nhạc, tôi cho rằng luôn luôn đúng, nhưng áp lực để thành công, để có cá tính riêng trong mỗi tác phẩm luôn hiện hữu. Nhưng dù có khó khăn đến đâu, tôi vẫn thích điều đó và không bao giờ từ bỏ.
Gần đây, tôi biết anh có sáng tác một số ca khúc về người lính. Những “Ghi ta lính”, “Phiên gác đêm”, “Tết của lính”, “Thư nhà”, “Lính hát dân ca”... Mỗi bài hát là một câu chuyện của người lính, về người lính. Nhưng cảm xúc nào khiến anh có được một mạch như thế, dù một người như anh, tôi biết, cũng bị phân tâm giữa nhiều “câu chuyện” về cuộc sống, thời cuộc?
- Viết một bài về một chủ đề không khó, nhưng để viết nhiều bài, đa dạng hình thức thể hiện, có sức truyền cảm thì không dễ chút nào. Tôi có thuận lợi hơn các “nhạc sĩ dân sự” bởi tôi hiểu, lắng nghe được tình cảm, tâm hồn của người lính khi tôi là một sĩ quan Quân đội, có hơn 25 năm trong quân ngũ. Nhiều lúc tôi định dừng không viết về chủ đề lính nữa, nhưng ca từ mới, giai điệu hay lại ùa đến, kéo tôi ngồi trước đàn. Và tôi có một mong mỏi những câu chuyện lính được kể bằng âm nhạc đó đến được với người lính ở khắp mọi miền đất nước, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao.
Đâu là bài hát tâm đắc nhất trong số này?
- Với mỗi tác phẩm trong chùm ca khúc về đề tài người lính này, tôi đều yêu thích và nâng niu. Có thể người nghe sau khi nghe hết loạt bài đó sẽ hiểu thêm về hình ảnh người lính Cụ Hồ trong thời bình đẹp đẽ, trẻ trung và yêu đời ra sao.
Âm nhạc có vai trò như thế nào với những người lính, thưa nhạc sĩ An Hiếu?
- Âm nhạc ở thời kỳ nào cũng vậy, luôn là những món ăn tinh thần không thể thiếu của người chiến sĩ. Không có gì hơn khi sau mỗi giờ luyện tập trên thao trường đầy nắng gió hay những đêm hành quân xuyên rừng, họ lại được hát với nhau những bài hát mình yêu thích với cây đàn guitar. Mỗi lời ca, điệu nhạc sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người lính để quên đi nỗi nhớ nhà, bao lo toan vất vả của cuộc sống thường nhật.
Trên facebook của mình, mới rồi anh “bỏ nhỏ” một câu hỏi: “Nếu trong một ngày không có sóng điện thoại và wifi bạn và tôi sẽ làm gì?” thu hút nhiều ý kiến. Nhưng tôi chưa thấy ý kiến của nhạc sĩ An Hiếu?
- (Cười) Tôi sẽ đi pha một ấm trà ngon, chơi piano rồi nghĩ ra những giai điệu cho riêng mình.
Xin cảm ơn anh!