Nhạc sĩ Hồng Đăng - cha đẻ ca khúc "Hoa sữa", từng được vinh danh "Vì tình yêu Hà Nội" đã qua đời vì bệnh tuổi già lúc 5h57 sáng 21/3 tại Bệnh viện Hữu Nghị, hưởng thọ 86 tuổi.
Theo thông tin từ người thân của cố nhạc sĩ Hồng Đăng, từ đầu tháng 3, sức khỏe ông suy yếu, ăn ít. Nhạc sĩ nằm viện điều trị hơn một tuần, nhiều lần bị nhồi máu cơ tim.
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 tại Yên Thành, Nghệ An. Ông là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Từ năm 1950, khi là học sinh kháng chiến ở liên khu IV, ông đã có những sáng tác đầu tay như: Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh...
Ông học lớp sáng tác khóa đầu tiên của trường âm nhạc Việt Nam sau khi hoà bình lập lại. Nhạc sĩ nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV và V, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc (từ 1989), và tờ Thế giới Âm nhạc (từ 1996). Ông còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn Nghệ Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Giao lưu Văn hoá Việt - Nhật, Uỷ viên Uỷ ban Quốc gia Thập kỷ Phát triển Văn hoá quốc tế.
Nhạc sĩ Hồng Đăng là người có công trong việc khởi xướng Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam và chính ông cũng được vinh danh trong Con đường âm nhạc năm 2000. Ngày 28/10/2021, ông được trao Giải thưởng Lớn "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" vì có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô.
Sinh thời, nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác hơn 700 tác phẩm gồm nhiều thể loại như: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Những ca khúc nhạc phim nổi tiếng của ông có thể kể đến là Hoa sữa, Lênh đênh, Biển hát chiều nay, Nỗi nhớ đêm đại dương...
Trong đó, ca khúc "Hoa sữa" được ông viết cho bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" của đạo diễn Đức Hoàn vào 1978 trở thành ca khúc "đi cùng năm tháng" và sống mãi trong lòng người yêu nhạc. Cũng nhờ bài hát "Hoa sữa", nhạc sĩ Hồng Đăng được vinh danh, nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - giải thưởng lớn vì tình yêu Hà Nội.
Cống hiến của nhạc sĩ Hồng Đăng với tình yêu Hà Nội không chỉ là để lại những sáng tác nổi tiếng cho Thủ đô. Ông còn có nhiều đóng góp ở lĩnh vực đào tạo những thế hệ sau ở Trường Âm nhạc Việt Nam, sau đổi là Nhạc viện Hà Nội và hiện là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Ông từng đảm nhận chức vụ Phó tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc và Thế giới âm nhạc. Ông là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, Ủy viên BCH Hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Ủy viên Ủy ban quốc gia thập kỷ phát triển văn hóa quốc tế.
Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm "Biển hát chiều nay", "Hoa sữa", "Quà tháng năm", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ" và hợp xướng "Lửa rực cháy''.