“Bên lúa, anh bên lúa cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng…”. Mỗi dịp xuân về, bài hát “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” lại được vang lên. Và tôi chợt nhớ tới nhạc sĩ Ngọc Khuê…
1. Nhạc sĩ Ngọc Khuê sinh ngày 8/4/1947 tại làng Giá, còn gọi là Kẻ Giá, Yên Sở, Phủ Hoài Đức, Hà Đông, nay là TP Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống học hành. Cha là cụ Nguyễn Đức Quảng thuộc gia tộc Nguyễn Bá, một thầy đồ dạy chữ Nho nhiều lớp học trò, là bậc tiên chỉ của làng. Mẹ là cụ Phan Thị Cư, thuộc dòng dõi họ Phan Huy ở Sài Sơn, chùa Thầy, nổi tiếng hay chữ, có nhiều người đỗ đạt…
Nhạc sĩ Ngọc Khuê kể rằng, lúc ông mới chào đời, cha mẹ chưa kịp đặt tên đã phải chạy giặc vào quê ngoại ở làng Thụy Khuê, dưới chân núi Thầy, nên sau đó mẹ bèn lấy tên Khuê để đặt với niềm hi vọng gửi gắm vào đứa con trai út.
Lớn lên, chàng trai Nguyễn Ngọc Khuê được nuôi ăn học cẩn thận. Thời đó, Ngọc Khuê đã bộc lộ năng khiếu ca hát và được thầy giáo dạy nhạc trường làng phát hiện, bồi dưỡng. Nhưng ước mơ làm thầy giáo làng không thành. Năm 18 tuổi, Nguyễn Ngọc Khuê lên đường nhập ngũ, trở thành lính pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Thời điểm năm 1965, chính là khoảng thời gian Đế quốc Mỹ leo thang ném bom đánh phá ác liệt, trong đó có cầu Hàm Rồng, con đường giao thông huyết mạch nối liền hai miền Nam - Bắc. Sống và chiến đấu ở vùng đất của những điệu hò sông Mã, Ngọc Khuê bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay. Đó là bài hát “Tiếng hát bên dòng sông Mã”. May mắn, bài hát đã được thu và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1968 khiến Ngọc Khuê có thêm động lực và tiếp tục những sáng tác mới…
Sau đó, năm 1974, một dấu mốc quan trọng đã đến, đó là khi Ngọc Khuê được chuyển về Đoàn Văn công Phòng không - Không quân, làm diễn viên hát. Cuộc đời ông gắn bó với Quân chủng Phòng không - Không quân đến lúc nghỉ hưu. Ở quãng này, công chúng từng được nghe giọng hát của Ngọc Khuê trầm ấm cùng với Minh Nguyệt trên sóng phát thanh qua ca khúc “Đưa em đi hái măng rừng”, “Sa Pa thành phố trong sương”, “Tiếng hát từ hai đầu dây”... Lại thêm những chuyến đi biểu diễn ở nhiều nơi khiến cho tên tuổi Ngọc Khuê quen dần với công chúng.
Nhưng với năng khiếu âm nhạc, Ngọc Khuê đã không ngừng tìm tòi để sáng tác ca khúc mới. Cho đến bây giờ, nhạc sĩ Ngọc Khuê là tác giả của hơn 300 ca khúc, có thể kể đến “Hạt nắng, hạt mưa”, “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”, “Tình ca người lính”, “Khoảng trời riêng em”, “Tìm em nơi phố nhỏ”, “Gửi những cánh bay trên biển”, “Tiếng hát từ hai bên đầu dây”... Trong đó, ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” đã định danh một Ngọc Khuê trong âm nhạc. Và có lẽ, chỉ bằng bài hát này, cái tên Ngọc Khuê sẽ luôn còn được nhắc tới.
2. Nhớ lại một buổi chiều Hà Nội, câu chuyện đưa chúng tôi ngược thời gian trở về khoảnh khắc rất riêng tư khi bài hát này ra đời.
Đó là vào quãng năm 1978, 1979, Ngọc Khuê có quen một cô gái. Là nhạc sĩ, ông rất muốn viết một ca khúc để đánh dấu kỷ niệm này. Đôi khi chở nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng trên những con đường ven hồ Tây của Hà Nội, Ngọc Khuê nảy ra ý định “mượn” những làng hoa ven hồ để làm cái cớ. Tuy vậy, cảm hứng để bật ra thành hình hài cụ thể thì chưa đến, ông đành “gác” kế hoạch viết bài hát ấy lại. Cho tới một chiều mùa đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây, Ngọc Khuê mới phát hiện ra rằng hồ Tây không chỉ có hoa. Phía bên Xuân La, Xuân Đỉnh còn là “làng lúa”. Sự “phát hiện” đó cộng với hình ảnh những “làng hoa” ấp ủ viết bấy lâu đã giúp ông bật ra câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng,…”.
“Cảm xúc của buổi chiều cuối năm 1981 ngay giữa thiên nhiên đó đã giúp tôi hoàn thành đoạn chính của bài hát trước. Đến khi về nhà tôi mới ngồi viết phần đầu và phần kết của bài hát”, nhạc sĩ Ngọc Khuê chia sẻ.
Ông cũng chân thành tâm sự: “Tôi viết phần đầu và phần cuối này thật khó khăn, nhất là đoạn mở đầu: “Bên lúa, anh bên lúa/ Cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa, hoa hơm ngát bốn mùa…”. Tôi đã thử bằng nhiều cách khác nhau để bắt đầu bài hát, cuối cùng thấy hợp lý khi lấy âm hưởng của một điệu hò để thể hiện sự lấp lánh của mặt gương hồ Tây, sự dào dạt êm ả của sóng nước, sóng lúa. Đó là một sự giao duyên tình tứ rất mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm của những đôi trai gái mà tôi nghĩ rằng chỉ có những làng mạc lâu đời, trù phú mà thanh lịch ven hồ Tây Hà Nội mới có. Rồi đến đoạn kết của bài hát, vừa là cao trào của âm nhạc vừa là một tình cảm như đột ngột bừng dậy của tình yêu đôi lứa. Đến đây thì hồ Tây chỉ còn lại như cái cớ, như điểm tựa để nhường chỗ cho tình ca, cho tình yêu và hạnh phúc của con người. Với tôi, lúa và hoa như một biểu tượng đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Làng lúa – làng hoa, cả mùa xuân nữa dường như mới chỉ bắt đầu”.
Viết xong và để đấy, mãi đến mùa xuân năm 1982, Ngọc Khuê mang bài hát tới Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Gửi ca khúc đến Đài và được duyệt để dàn dựng phát sóng cũng là một niềm khích lệ lớn rồi. Khi đó, nhạc sĩ Hoàng Tạo và nhạc sĩ Thế Song đang phụ trách. Khi nghe xong bài hát này, nhạc sĩ Thế Song khuyên ông nên thêm 2 chữ “Mùa xuân” vào tên bài hát. Sau đó, ca sĩ Thanh Hoa là người đầu tiên thể hiện bài hát này. Suốt một thời gian dài, bài hát lan truyền đi khắp cả nước trên sóng phát thanh và người nghe rất háo hức, đón chờ bài hát này. Đến khi truyền hình đã phổ biến hơn một chút, hầu như sáng nào ca sĩ Trung Anh cũng xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với tiếng hát ngọt ngào: “Em hát câu ca ấy lùa mùa này thêm bông/ Hạnh phúc trên tay nơi anh đã gieo mầm/ Chiều nay anh dù xa hoa nói với anh nhiều/ Hồ Tây nên duyên vẫn gần nhau như hoa lúa cuộc đời”. Trung Anh đã nổi tiếng với bài hát này, và đối với nhiều người, khi nghe lại “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”, một trời ký ức lại ùa về…
Bên cạnh “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”, về đề tài mùa xuân, nhạc sĩ Ngọc Khuê còn viết nhiều ca khúc như: “Mãi là em - mùa xuân” (lời phổ thơ Đoàn Hoài Trung), “Ông đồ” (lời trích thơ Đoàn Văn Cừ), “Khoảnh khắc mùa xuân” (lời trích thơ Hoàng Nhuận Cầm), “Trở về mùa xuân”, “Mùa chim làm tổ”...
3. Tôi biết nhạc sĩ Ngọc Khuê gần 20 năm nay, từ hồi gia đình ông còn ở “nhà đất” trên phố Trần Điền (Hà Nội), nay đã chuyển nhà tới một khu chung cư hiện đại nhất nhì Hà Nội. Gần đây ít được gặp ông nhưng qua mạng xã hội, vẫn biết được những công việc ông đang làm, những bài hát ông mới viết, và những giải thưởng ông mới được nhận. Năm rồi ông có chương trình nghệ thuật và giao lưu “Tình yêu tự hát” kỷ niệm một chặng đường làm nghệ thuật thật ấm cúng, với sự tham gia của nhiều thế hệ nghệ sĩ…
Xuân này, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã bước vào tuổi 74, ông vẫn bền bỉ sáng tác những ca khúc mới. Trong đó, có những “đơn đặt hàng” như là động lực để ông sáng tác. Như 2 năm trước, từ một lời đặt hàng mà ông đã sáng tác được ca khúc “Biên cương âm vang lời Bác”, sau đó vinh dự nhận Giải B (không có giải A) trong Cuộc vận động sáng tác ca khúc về biên giới, biển, đảo và bộ đội Biên phòng…