Tạ Duy Tuấn là một nhạc sĩ đa phong cách và thành công ở nhiều mảng, như sáng tác, hòa âm phối khí, sản xuất… Hiện Tạ Duy Tuấn đang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.
Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn là nghệ sĩ nhiệt thành, trẻ trung với nhiều kế hoạch cho công việc và sáng tạo. Anh đã có nhiều sáng tác về quê hương, đất nước, cuộc sống muôn màu... Tuy nhiên, đề tài mà anh tâm đắc và dành nhiều trăn trở nhất vẫn là về Bác Hồ, cách mạng và hình tượng người lính. Anh có nhiều sáng tác nhận được sự yêu mến của khán giả, sự đánh giá cao của giới chuyên môn và giành được nhiều giải thưởng như: "Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh", "Bản làng em nhớ ơn Người", "Có Đảng sáng soi vững bước ra đi", "Việt Nam ngày nắng mới"... Khi khởi đầu sự nghiệp âm nhạc, anh cũng viết về chủ đề tình yêu, xã hội... Tuy nhiên, hành trình nghệ thuật của anh dần chuyển hướng khi mà môi trường học tập và công tác luôn gắn bó sâu sắc với truyền thống cách mạng và lý tưởng quân đội. Tạ Duy Tuấn chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp, tôi về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Được sống và làm việc trong môi trường đó, tôi càng hiểu rõ hơn vai trò của người nghệ sĩ quân đội, không chỉ mang tiếng hát đến với công chúng, mà còn có trách nhiệm nuôi dưỡng tâm hồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc qua từng giai điệu. Những điều ấy đã âm thầm bồi đắp cho tôi niềm cảm hứng sáng tác những ca khúc mang tinh thần cách mạng, và đặc biệt là ca khúc viết về Bác Hồ kính yêu”.
Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có một thế hệ nhạc sĩ tiền bối với đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà, đặc biệt là dòng nhạc cách mạng. Họ là những người đặt nền móng, tạo nên những khúc ca hào hùng, sống mãi với thời gian, làm lay động bao thế hệ người Việt Nam. Âm nhạc của họ không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn có sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên nhân dân, chiến sĩ hăng say lao động, chiến đấu, bảo vệ đất nước. Tạ Duy Tuấn hiểu điều đó nên không ngừng làm mới mình. Anh luôn nghĩ rằng, trong âm nhạc cũng như trong bất kỳ lĩnh vực sáng tạo nào nếu chỉ dừng lại ở việc làm điều người khác đã làm tốt, thì rất khó để tạo nên dấu ấn riêng.
“Cá nhân tôi luôn đề cao việc tìm kiếm một con đường sáng tác mang màu sắc riêng dù có thể ban đầu không dễ được đón nhận rộng rãi. Tôi không chạy theo thị hiếu ngắn hạn mà chọn đi theo những đề tài có chiều sâu như Bác Hồ, quê hương, người lính, thanh niên thời đại mới… nhưng thể hiện bằng góc nhìn trẻ trung, đôi khi là phá cách, kết hợp giữa chất liệu truyền thống và kỹ thuật âm nhạc hiện đại”, Tạ Duy Tuấn giãi bày.
Sự khác biệt đôi khi là con đường khó khăn hơn, nhưng nó cũng là điều khiến người nghệ sĩ tồn tại lâu dài. Tuấn muốn mỗi ca khúc của mình khi vang lên, người nghe không chỉ nhận ra giai điệu hay ca từ, mà còn nhận ra “màu” của Tạ Duy Tuấn với cái chất riêng không lẫn vào ai khác. Tôi tin rằng âm nhạc chỉ thật sự chạm được đến người nghe khi nó xuất phát từ sự trung thực trong cảm xúc và sự dũng cảm trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Để làm được điều đó, mỗi nghệ sĩ cần kiên trì với con đường mình chọn, dẫu có gập ghềnh nhưng luôn là chính mình.
Tạ Duy Tuấn sinh năm 1983, quê gốc ở Hoài Đức (Hà Nội). Ông nội anh là nhà giáo ưu tú Tạ Tấn (tên thật là Tạ Duy Thái), một trong những người sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) - người truyền cảm hứng và chỉ dạy những nốt nhạc đầu tiên khi Tuấn còn nhỏ. Còn bố anh là nghệ sĩ guitar Tạ Tiến, người đưa anh vào khuôn khổ, uốn nắn, dìu dắt và định hướng con trai vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Do có bố mẹ đều công tác ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc quân đội) nên ngay từ nhỏ Duy Tuấn đã được đi và chứng kiến những buổi biểu diễn trên mọi miền Tổ quốc.
Nhớ về ông nội, Tạ Duy Tuấn chia sẻ: “Ông nội không chỉ là người thầy đầu tiên trong ngành âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, mà ông còn là người gieo vào tôi lòng yêu nghề, sự nghiêm cẩn với từng nốt nhạc. Ông nội cũng là một trong những nghệ sĩ tiên phong đưa cây đàn guitar cổ điển vào đời sống âm nhạc Hà Nội. Những ngày thơ bé, tôi lớn lên trong tiếng đàn, tiếng hát, trong không khí mà nghệ thuật không phải điều gì xa vời, mà hiện diện như hơi thở”.
Thừa hưởng năng khiếu và lòng đam mê từ ông nội, bố mẹ, Tuấn đã quyết tâm để có thể theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp khi lần lượt theo học nhạc cụ tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, sau đó học tiếp khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Với ca khúc “Bản làng em nhớ ơn Người”, anh đã sử dụng giai điệu mang âm hưởng Tây Bắc và cách phối khí trẻ trung hiện đại, cùng với lời ca trong sáng và tràn đầy năng lượng tích cực của đồng bào dân tộc anh em hôm nay khi nói lên tiếng lòng của mình đối với Bác Hồ kính yêu. Hay ca khúc “Bản trường ca đất mẹ”, anh viết ở thể loại trường ca với sự hào hùng và đầy tự hào khi đứng trên mảnh đất quê hương hôm nay để cất cao lời ca tiếng hát. Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn bảo, anh vừa phải giữ tư tưởng, lập trường và định hướng, tuyên truyền vừa phải có tính nghệ thuật, mới mẻ và thời đại để tiếp cận khán thính giả hiện nay.
Có người nói, trong sáng tác, yếu tố nghệ thuật và tuyên truyền khó ăn nhập với nhau. Với Tuấn, hai yếu tố: tuyên truyền và nghệ thuật không hề mâu thuẫn, nếu người nghệ sĩ biết đặt cảm xúc thật và tư duy sáng tạo vào tác phẩm. Tuyên truyền ở đây không còn là những khẩu hiệu khô cứng hay lý tưởng hóa một chiều, mà là sự lan tỏa tinh thần tích cực, truyền cảm hứng sống đẹp, sống có trách nhiệm. “Để đạt được điều đó, tôi luôn bắt đầu bằng việc đi sâu vào đời sống, tìm hiểu thực tế từ cuộc sống của người lính, người dân, cho đến cảm xúc chân thực trước những sự kiện lớn của đất nước. Khi chất liệu đời sống trở thành nguồn cảm hứng thì bài hát sẽ tự nhiên chạm được đến người nghe”, Tạ Duy Tuấn nói.
Với lòng đam mê, nhiệt thành và không ngừng làm mới mình, tôi tin, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn sẽ tiếp tục khẳng định bản thân trong sự nghiệp âm nhạc.
Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn đã nhận được nhiều giải thưởng lớn và uy tín, như: Giải Nhạc sĩ xuất sắc tại Liên Hoan âm nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2022; Giải A Giải thưởng âm nhạc Việt Nam năm 2022 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc “Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh”; Giải A sáng tác ca khúc “Cứ mơ mộng đi” – bài hát chính thức của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2022; Giải A sáng tác ca khúc “Bản làng em nhớ ơn Người” tại Liên hoan âm nhạc toàn quốc 2024; Huy chương vàng Giám đốc Âm nhạc tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc liên tiếp các năm 2022- 2023-2024; hai giải B giải thưởng văn học nghệ thuật giai đoạn 2020-2025…