Nhạc sĩ Tuấn “gà” - cựu thành viên nhóm tác giả M6 - qua đời vì bạo bệnh, hưởng dương 45 tuổi.
Người thân của nhạc sĩ Tuấn “gà” thông tin với báo chí, nam nhạc sĩ trút hơi thở cuối cùng vào 3h15 sáng 23/2. Tin anh ra đi khiến bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu nhạc indie bất ngờ, xót xa.
Chị Lan Anh - vợ cũ nghệ sĩ Tuấn 'gà' - chia sẻ trên trang cá nhân: "Tạm biệt anh. Cảm ơn một quãng đường mà ta đã đi cùng nhau. Em tin tất cả những điều tốt đẹp nhất, sẽ ở lại nơi con gái chúng ta. Mong rằng tất cả những gì còn dang dở, những gì chưa thể thực hiện, anh sẽ làm được ở một cuộc đời khác".
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đăng lời tiễn biệt người em, một cựu thành viên của nhóm tác giả M6 (Giáng Son, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngô Tự Lập, Nguyễn Thắng, Nguyễn Tuấn (Tuấn 'gà'), Trần Đức Minh). Nguyễn Vĩnh Tiến điểm lại các tác phẩm nổi bật của nhạc sĩ: "Tiếng gáy thời gian", "5 hồi chuông ký ức", "Áo cũ dây phơi", "Bồ câu hạt thóc"....
Nghệ sĩ Tuấn 'gà' tên thật là Nguyễn Tuấn sinh năm 1977. Cuộc đời anh nhiều sóng gió. Từ nhỏ, Tuấn 'gà' đã làm đủ nghề nhưng sớm bén duyên âm nhạc. Anh viết bài “Cảm xúc giao mùa” khi mới 17 tuổi.
Năm 1997, Tuấn 'gà' tham gia ban nhạc The Ocean của Đại học Hàng Hải và tham dự Liên hoan các ban nhạc sinh viên toàn quốc.
Dù vậy, Tuấn 'gà' từng từ bỏ âm nhạc. Giai đoạn 1998 - 2003, anh vừa làm thợ xăm vừa kinh doanh, quên sạch mọi thứ liên quan âm nhạc. Thế nhưng, âm nhạc là đam mê không thể dập tắt, anh đã trở lại sáng tác và viết nhạc ngày đêm cho thỏa nhớ mong.
Năm 2006, Tuấn 'gà' mang bài “Em là ai” tham gia chương trình Bài hát Việt. Một năm sau, anh tiếp tục mang bài “Tiếng gáy thời gian” đến chương trình và nhận được giải Phối khí hiệu quả của tháng.
Tuấn 'gà' luôn tự nhận mình là kẻ tay ngang trong âm nhạc. Vì thế, anh sáng tác hơn 100 bài nhưng hầu như chỉ quảng bá với đồng nghiệp, bạn bè và người yêu nhạc indie. Âm nhạc của Tuấn 'gà' dung dị nhưng giới chuyên môn đánh giá rất cao.
Dấu ấn của anh thể hiện rõ trong các đêm nhạc: “Tiếng gáy thời gian”, “Vào ngay rạp xiếc thú”, “Hà Nội cúc vàng”, “Đêm ngoại ô”, “Rời tổ”...