Nhàm chán và chống nhàm chán

Trần Hữu Thăng 24/06/2019 14:08

Xem tivi nhiều lúc ta thấy phóng viên đưa máy quay ghi lại những hình ảnh không mấy đẹp mắt trong một cuộc Hội thảo hoặc một cuộc họp nào đó. Những hình ảnh đó là người thì ngáp to quá không kịp lấy tay che miệng, người thì ngủ gật gục đầu đến rơi cả kính, rơi cả bút...

Nhàm chán và chống nhàm chán

Đó chính là hậu quả tất yếu của sự nhàm chán (bored, dégoutant) do người trình bày bản báo cáo nói giọng đều đều với một nội dung đã quá cũ, quá lạc hậu. Phòng họp lại có điều hòa quá mát, ánh sáng lại khi tỏ khi mờ là những nguyên nhân dẫn con người đi vào giấc ngủ, khởi đầu là ngáp và sau đó là ngủ, ngủ khi đang ngồi họp là ngủ gật!

Theo Từ điển tiếng Việt, trang 640 thì: “Nhàm là cảm thấy hoặc gây cảm giác chán vì lặp đi lặp lại nhiều lần, không có gì mới lạ. Thí dụ: Nói mãi thành nhàm. Xem mãi một trò cũng nhàm. Nhàm tai (chán không muốn nghe nữa vì phải nghe nhiều lần). Nhàm chán là nhàm đến mức phát chán. Thí dụ: Diễn mãi một chủ đề nhàm chán”.

Lại có một thí dụ hay gặp: Ta tình cờ gặp những người quen và phải nghe họ thao thao bất tuyệt trong nhiều giờ về những công việc làm ăn, buôn bán ở chợ, rồi thua lỗ, rồi cướp giật, rồi cháy chợ, rồi đưa ra những phương án lập đường dây làm ăn mới... Sau một ngày đi làm đã rã rời thân xác, nay được họ chia sẻ những thông tin chẳng liên quan gì đến mình, nên cảm thấy mệt mỏi và thật sự nhàm chán, thật sự hết cảm hứng, ta vừa nghe vừa ngủ gật.

Chao ôi, có biết bao nhiêu cảnh nhàm chán đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Thôi đành theo sự gợi ý của Từ điển tiếng Anh hiện đại Longman xuất bản năm 2011, trang 164, ta chỉ nên khu trú vào 2 vấn đề:

- Tự bản thân ta có cảm giác nhàm chán.

- Ta là thủ phạm gây sự nhàm chán cho người khác.

1. Tự mình cảm thấy bị nhàm chán, có cảm giác nhàm chán:

Đó là khi phải chờ đợi lâu, phải kéo dài một cuộc hành trình: Cái khổ nhất là trong thời gian chờ đợi ấy ta không thể bỏ ra ngoài để làm được việc gì khác. Sự chờ đợi và không làm gì cả trong một thời gian dài là trái với các hoạt động bình thường ở một cơ thể khỏe mạnh trong giờ làm việc, trong giờ hành chính thông thường. Một câu ngạn ngữ cổ của người Anh đã viết: “Chờ đợi là một sự nhàm chán” (Waiting is a bore).
Vậy chống lại sự nhàm chán ấy bằng cách nào?

- Phải lập thời khóa biểu, thỏa thuận hợp tác (Agreement) hoặc lịch hẹn gặp, hẹn tiếp (Rendez - vous) một cách khoa học, cụ thể, càng tỉ mỉ càng tốt và có yêu cầu không đến trễ cuộc họp một cách lịch sự nhưng cương quyết. Cũng cần nêu câu: Nếu không đến được phải phúc đáp trước ngày, giờ nào đó cho nghiêm túc và hợp lẽ ngoại giao thông thường. Thường dùng câu: “Xin vui lòng phúc đáp trước”...

- Nếu tình thế bất khả kháng, nghĩa là bắt buộc phải chờ đợi (đợi ra máy bay, xe lửa, tàu thủy, ô tô khách chạy đường dài, đợi ở bệnh viện, đợi ở công sở...) thì làm thế nào? Có một nhà thơ đã tả cảnh chán chường này: “Đời tẻ nhạt như tầu không chuyển bến”. Để chống lại sự nhàm chán này thì lúc nào cũng phải có một cuốn sách hay bên mình, lúc nào cũng cần mang theo máy tính để làm việc, lúc nào cũng phải có Ipad, Iphone để giải trí, để nghe nhạc, để đọc sách, đọc báo, xem thời sự... Có thế mới giết được cái thì giờ vô bổ kia, làm cho đầu óc thông thoáng, giải tỏa. Có người đề ra 3 không để cứu vãn bộ não đang bị căng thẳng (hoặc đang bị chán nản, nhàm chán) là: không nghĩ gì, không biết gì, không làm gì cả (Nothing to think, nothing to know, nothing to do).

Khi đã đỡ mệt óc rồi, ta phải chủ động ngồi thiền. Đây là một cứu cánh rất quan trọng để đưa tâm linh vào trí tuệ, để đưa minh triết chiến thắng những vặt vãnh, lẻ tẻ của đời thường. Nhắm mắt chặt, ngồi im lặng trên ghế ở máy bay hoặc chỗ nào bằng phẳng ở nơi vắng vẻ, kín đáo có thể ngồi được. Có người đếm sao, đếm cừu. Có người niệm Phật. Có người không nghĩ gì cả, đầu óc trống rỗng hoàn toàn. Nếu ngủ đi được, thiếp đi được 5-10 phút là cực kỳ quý giá. Nhiều tác giả Nhật chuyên về khoa học giấc ngủ (Sleeping science) đánh giá rất cao những giấc ngủ thiếp đi 5-10 phút ngắn mà sâu, có giá trị phục hồi não rất hiệu quả.

Ai đã đi du lịch nước ngoài đều rất thú vị và cảm phục cách sắp xếp bán xăng dầu, nhà vệ sinh, các cửa hàng tạp hóa, ăn uống, vui chơi trong cùng một tổ hợp để khôi phục lại sự tươi mới cho đầu óc con người. Này nhé, cứ chạy được 3–4 giờ đồng hồ trên đường trường, xe cũng cạn xăng, người ngồi trên xe cũng đã có nhu cầu vệ sinh, có nhu cầu ăn uống và đặc biệt là người lái xe phải được nghỉ ngơi mới có thể phục vụ đoạn đường tiếp theo được tốt, không để xảy ra tai nạn. Đặc biệt, sự nhàm chán trong 3–4 tiếng đồng hồ trên xe phải được giải tỏa, phải được khắc phục. Những cốc cà phê thơm ngon, những cái bưu ảnh đẹp, những câu chuyện rôm rả của khách với nhau, những giấc ngủ ngắn cho lái xe... đều trở nên kỳ diệu để tiếp tục chinh phục đoạn đường du lịch còn dài, còn xa.

- Luôn phấn đấu vươn lên để sớm từ bỏ một cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt, mòn mỏi, lặp đi lặp lại: Đây là câu chuyện rất lớn, rất hệ trọng cho cả một đời người. Một người trưởng thành tiếp thu tốt một nền giáo dục cơ bản của gia đình, một nền giáo dục tiên tiến của xã hội hiện đại đều phải có ước mơ, có hoài bão để vươn cao, vươn xa trên quãng đường đời. Khi ngồi trên ghế học đường nhất định phải học chăm, học giỏi để tiếp thu nhiều nhất những bài giảng của thầy cô, phải nhanh chóng nắm bắt được những ý cơ bản, ý chủ đạo trong từng bài học để chuẩn bị tiếp thu bài sau. Hàng rào kiến thức này rất khó vượt qua, những ai đã vượt qua được là có cơ hội nắm bắt cái mới, cái khác biệt. Các em lười học, ham chơi không vượt qua được hàng rào kiến thức cơ bản, chủ đạo này nên sức học đuối dần, càng học càng nản, dẫn đến phá ngang, phá hỏng cả một con đường học tập và tiến bộ. Vì thế, người đi học phải vượt qua được các lớp học đầu cấp 1 (Tiểu học), đầu cấp 2 (Trung học cơ sở), đầu cấp 3 (Trung học phổ thông), những năm đầu ở trường Cao đẳng, ở trường Đại học. Phải có được cái nền cơ bản của những năm đầu đó mới có cái hứng thú để đón chào những ánh sáng mới của khoa học toán, lý, hóa, sinh học... của khoa học làm một con người trưởng thành. Thật sung sướng biết bao khi ta đã có cái nền móng khoa học đó (Background) để tiến vào những chân trời rộng lớn của tương lai. Và cũng thật đáng buồn thay cho những học sinh đã đánh mất những kiến thức cơ bản, càng lớp sau càng đuối sức nên các em này cảm thấy thật buồn tẻ, nhàm chán khi đọc sách giáo khoa, khi nghe thầy giảng bài mới. Cứ thế, cứ thế, các em này sẽ rẽ sang những con đường khác lúc nào không biết. Đến khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn.

Vì vậy, khẩu hiệu: “Học, học nữa, học mãi” là hết sức đúng, là kim chỉ nam cho mỗi con người. Trong Từ điển Oxford cũng có nêu ra gợi ý là cuộc đời học tập không ngừng để tiến bộ mới là cái đáng nói của người trưởng thành.

Một số tác giả gợi ý: Cần có nền giáo dục gia đình năng động, sáng tạo để giúp cho trẻ em sớm có một tinh thần tự lập, sáng tạo tùy theo lứa tuổi. Lịch sử nhân loại đã chứng minh các danh nhân, các nhà phát minh thành đạt có tên tuổi phần lớn có một tuổi thơ tinh nghịch, nhanh nhẹn, tích cực hòa mình với cộng đồng và đặc biệt có lòng thương xót, sẻ chia với người có hoàn cảnh vất vả, khó khăn hơn mình. Chính cái ý nghĩ muốn cứu giúp người khác tránh khỏi bệnh tật, tránh được các vụ dịch lớn mà các bậc thầy như Pasteur, Yersin... đã có hứng thú để phát minh ra những biện pháp hữu hiệu chống dịch của ngành Y học dự phòng.

2. Ta không nên là thủ phạm gây nhàm chán cho người khác:

Theo Từ điển Oxford thì cái khó nhất là khi mình bị người khác, bị hoàn cảnh gây nên sự nhàm chán như ở trên đã nêu. Còn khi đã biết cái khó chịu, cái mòn mỏi của sự nhàm chán rồi thì ta phải tự biết cách phòng tránh và không gây nhàm chán, tẻ nhạt cho người khác. Việc này ta chủ động được nên dễ thực hiện hơn là khi bị động. Để tránh gây nhàm chán cho người khác, đặc biệt trong sinh hoạt đời thường cần tham khảo những gợi ý sau:

- Đã hẹn ai đến làm việc, đến chơi, đến dự lễ cưới, dự cuộc họp... bắt buộc ta phải đến đúng giờ. Tốt nhất, đề phòng đường phố đông dễ bị tắc đường ta nên đi sớm 5-10 phút thì tốt hơn, yên tâm hơn. Nếu vì lý do nào đó mà không đến được thì phải nhắn tin, phải gọi điện thoại phúc đáp lại cho đối tác để họ khỏi phải đợi chờ.

- Không nói điện thoại quá lâu. Chỉ nói ngắn gọn, đủ ý muốn nói. Dưới 5 phút mà truyền đạt đầy đủ các thông tin cần thiết là người thông minh nhất. Nên nhớ, ta càng nói nhiều thì phía bên kia đầu dây lại chỉ nhớ rất ít nội dung ta nói.

- Nếu phải phát biểu, giảng bài, nói chuyện trước đám đông: Bản báo cáo, tham luận không quá 15 phút. Bài giảng sau 45 phút phải cho học viên giải lao, nên có hình ảnh, biểu đồ, slides minh họa cho dễ hiểu.

Tất cả chúng ta đều mong muốn có một cuộc sống luôn vui vẻ, năng động và có hiệu quả, vì vậy hãy cố gắng vượt qua sự nhàm chán do khách quan đưa lại và đặc biệt là tránh gây nhàm chán cho người khác để cuộc sống tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhàm chán và chống nhàm chán