Nhắm mắt đi vào cuộc khủng hoảng khí hậu

THẾ TUẤN 19/06/2022 07:23

Khi những trận mưa như trút nước, những vùng đất khô hạn, những cánh rừng bốc cháy và những đô thị căng mình trong cái nóng như nung, người ta nhận thấy rằng mối đe dọa từ thiên nhiên đang ngày một lớn dần. Thời tiết cực đoan - đó không còn là cảnh báo mà đã là thực tế diễn ra hết sức khốc liệt thời gian qua ở nhiều vùng trên Trái đất. Thông báo khoa học hồi giữa tháng 6 của một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi hai nhà khoa học Stefan Kruse và Ulrike Herzchuh của Viện Alfred Wegener (AWI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Địa cực và a Helmholtz (Đức) càng cho thấy năm 2022 sẽ là một năm khốc liệt bởi thiên tai. Nói như bà Jaci Brown - Giám đốc Trung tâm Khoa học về khí hậu của CRISCO (Cơ quan Khoa học quốc gia Australia) thì “nhân loại đang nhắm mắt đi vào cuộc khủng hoảng mới mang tên biến đổi khí hậu”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi lớp phủ băng vĩnh cửu của lãnh nguyên Siberia tan ra, nó có thể giải phóng một lượng lớn khí nhà kính được lưu trữ vào bầu khí quyển, làm tăng tốc độ ấm lên của toàn thế giới.

“Thật kinh ngạc khi thấy lãnh nguyên chuyển hóa thành rừng nhanh đến thế” - nhà sinh thái học Kruse thảng thốt. Chỉ từ năm 1960 đến nay, nhiệt độ ở khu vực băng giá này đã tăng gần 4 độ C.

Phụ nữ làng Badama (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) đội nước về nhà trong một ngày nắng nóng. Ảnh: REUTERS.

Biến động dữ dội chưa có tiền lệ

Trong khi đó, nghiên cứu từ Viện Địa vật lý Fairbanks thuộc Trường ĐH Alaska (Mỹ) cũng đưa ra cảnh báo nhiều khu vực đất đai vốn băng giá thì nay đã không còn băng nữa cho thấy biến đổi khí hậu là rất mau lẹ. Những hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao cũng cho thấy màu xanh đang dần lan rộng trên dãy Alps ngàn năm tuyết phủ.

Đáng chú ý, báo cáo mới nhất từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy mức CO2 - liên quan mật thiết đến sự ấm lên toàn cầu, đã nhiều hơn 50% so với thời tiền công nghiệp và tương đương 4 triệu năm về trước. Đó là giai đoạn mà nhiều vùng tuyết giá trên Trái đất ngày nay được phủ xanh và cũng là thời điểm mực nước biển cao tới nỗi nhiều thành phố lớn của thời hiện đại còn chìm sâu 5-25 m dưới đại dương.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, thời tiết biến động không ngừng được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới: nắng nóng gay gắt ảnh hưởng tới Nam Âu và Bắc Phi, bão lớn quét qua Tây và Bắc Âu, tuyết rơi trái mùa ở Mỹ, cháy rừng và hạn hán theo sau hiện tượng La Nina. Tháng 5 vừa qua, nhiều nơi ở Tây Ban Nha đạt nhiệt độ cao kỷ lục, trong đó thành phố Jaén in Andalucia ghi nhận mức 40,3 độ C.

Còn tại Bắc Phi, thành phố Sidi Slimane (Morocco) trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử: 45,7 độ C. Trong khi đó, ở Tây và Bắc Âu, bão mạnh gây ra gió lớn, mưa xối xả, mưa đá và lốc xoáy. Thành phố Paderborn, miền Tây nước Đức, một trận lốc xoáy khiến 43 người bị thương.

Còn vào tuần cuối tháng 5, tại bang Colorado (Mỹ), xuất hiện một trận tuyết rơi trái mùa. Trong vòng 36 giờ nhiệt độ giảm mạnh 30 độ C, lập tức tuyết rơi trắng xóa. Trong khi đó, một trận bão bụi tràn qua bang Florida khiến bầu trời xám xịt.

Người đứng đầu văn phòng dự báo La Nina và El Nino của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, bà Michelle L’Heureux, chỉ ra rằng các hiện tượng bất thường của thời tiết ngày một xảy ra nhiều hơn.

“Kể từ tháng 3 tới nay, chúng ta không chỉ thấy những trận lụt kinh hoàng ở miền Nam Trung Quốc, Brazil, Australia mà còn chứng kiến những ngày nóng như đổ lửa ở Ấn Độ, Pakistan. Trong khi đó, Bờ Đông nước Mỹ đã xuất hiện những cơn bão chưa bao giờ thấy ở thời điểm này của năm”- bà L’Heureux nói.

Mưa lớn tại bang New South Wales (Australia). Ảnh: AP.

Sống trong cái nóng 51 độ C

Năm nay, mùa hè đến sớm nhiều nơi trên Trái đất. Nhưng khủng khiếp nhất chính là tại Pakistan.

Saeed Ali, 12 tuổi, ngã gục trên đường đi học về dưới cái nóng gay gắt ở thành phố Jacobabad. “Một người lái xe lam đã chở con tôi đến bệnh viện. Thằng bé không đi nổi”- bà Shaheela Jamali, mẹ của Saeed, kể lại. Saeed kiệt sức vì say nắng, khi thành phố Jacobabad ở tỉnh Sindh khô cằn hứng chịu đợt nắng nóng khốc liệt với nhiệt độ cao nhất lên tới 51 độ C.

Trải qua đợt nắng khủng khiếp kéo dài trong suốt tháng 5, tới nay kênh rạch trong thành phố Jacobabad đã cạn trơ đáy. “Jacobabad đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu”- Abdul Hafeez Siyal, một quan chức thành phố cho hay và cho biết khoảng một triệu người sinh sống ở đây đã rơi vào cảnh đói nghèo. Thiếu nước, cắt điện thường xuyên khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn dưới bầu không khí nóng rẫy kéo dài từ sáng sớm cho tới nửa đêm.

Y tá Bashir Ahmed, người điều trị cho Saeed cho biết, trước đây, nắng nóng sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối tháng 6 và tháng 7, nhưng bây giờ đã khác rồi. Bệnh viện liên tục tiếp nhận những người bị say nắng. “Cái nóng gay gắt đôi lúc khiến người ta buồn nôn, nhưng nếu không làm thì sẽ không có tiền” - y tá Ahmed dẫn lời một công nhân tên là Rasheed Rind, người cũng phải vào bệnh viện điều trị do làm việc quá sức ngoài trời nóng.

Một thợ rèn, ông Shafi Mohammad cho biết, hiện cuộc sống ở Jacobabad chỉ xoay quanh việc chống chọi với cái nóng. “Tôi có cảm giác như xung quanh là lửa. Chúng tôi cần nhất là điện và nước”- ông Shafi nói.

Còn chị Khairun Nissa, người mẹ trẻ ôm đứa con 2 tuổi trong tay nói: Những tay “buôn nước” ở địa phương hoạt động liên tục. Họ đổ vào can nhựa và dùng xe lừa chuyển đi khắp nơi, bán với giá 20 rupee (khoảng 24.000 đồng) một can 20 lít. Chị Khairun cho biết, từ 3 giờ sáng đã phải dậy đi lấy nước cách đó hơn 1 cây số, nhưng không phải lúc nào cũng lấy được.

Pakistan xếp thứ 8 trong danh sách những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu Tổ chức bảo vệ môi trường Germanwatch. Đại diện tổ chức này cho biết, đợt nóng vừa qua đã khiến rất nhiều người dân rời khỏi Jacobabad để đến Quetta, cách đó khoảng 300 km.

Còn bà Naussheen H.Anwar- chuyên gia quy hoạch đô thị ở những thành phố nắng nóng của Pakistan thì cho rằng: “Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi đang đối mặt là không có cơ sở vật chất hạ tầng cơ bản. Vì thế khi nắng nóng dữ dội, người dân rất khó chống đỡ. Khổ nhất là những đứa trẻ khi chúng đi học mà như đi đánh trận, trong cuộc chiến đấu không cân sức với nắng nóng thiêu đốt da thịt”.

Vì sao thời tiết ngày càng cực đoan?

Gần đây, trên truyền thông quốc tế xuất hiện xảy đặc cụm từ “hỗn loạn khí hậu”, “môi trường đang sống bị thu hẹp”. Báo cáo Tình hình khí hậu toàn cầu năm 2021 mà Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa ban hành cho thấy các chỉ số toàn cầu quan trọng về khí hậu đã và đang bị phá vỡ.

Nếu như thời tiết năm 2021 được WMO khốc liệt qua các đợt nắng nóng khốc liệt ở Tây Bắc Mỹ, Địa Trung Hải; lũ lụt chết người ở Trung Quốc và Tây Âu; lần đầu tiên có mưa trên đỉnh khối băng Greenland thì năm nay WMO dự báo miền Đông châu Phi sẽ không có mùa mưa thứ 4 liên tiếp, đồng nghĩa với hạn hán tồi tệ nhất trong 40 vòng năm.

Tờ The Guardian dẫn lời giáo sư Petteri Taalas - Tổng Thư ký WMO: “Khí nhà kính do con người gây ra làm ấm hành tinh trong nhiều thế kỷ. Một số sông băng tan chảy đã đến điểm không thể phục hồi. Hơn 2 tỉ người sẽ phải trải qua căng thẳng về nước”.

Còn theo Cơ quan thời tiết Anh (MET), mùa hè năm nay nhiệt độ tối đa có thể đạt tới 50 độ C ở nhiều nơi. Đó là ác mộng bởi nhiệt độ gần 40 độ C cho đến dưới 50 độ C đã đủ gây thiệt hại nghiêm trọng lên mùa màng, đời sống và sức khỏe con người.

Sau báo cáo của WMO, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, đó là “thất bại của nhân loại trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu”. Ông Guterres cho rằng, để cứu Trái đất thì phải cắt giảm 50% lượng khí thải đến năm 2023. Một nửa khí thải đến từ than đá, 1/3 từ dầu mỏ và 1/5 từ khí đốt. Đồng nghĩa với việc đóng cửa sớm 50% cơ sở sản xuất nhiên liệu hóa thạch hiện tại là lối thoát duy nhất.

Nhưng điều đó được cho là không khả thi khi mà năng lượng xanh, sạch vẫn chiếm tỉ lệ rất thấp trong tổng số các nguồn năng lượng đang được sử dụng hiện nay trên phạm vi toàn cầu.

“Tương lai bền vững duy nhất là một tương lai có thể tái tạo. Gió và mặt trời luôn sẵn có và trong hầu hết trường hợp, rẻ hơn than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác. Nếu chúng ta cùng hành động, việc chuyển đổi năng lượng tái tạo có thể là dự án hòa bình của thế kỷ XXI” - ông Guterres khẳng định.

Một báo cáo của nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên hợp quốc (GIEC) khẳng định: Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn mức dự báo trước đây, và rõ ràng là do con người gây ra. Bà Jaci Brown - Giám đốc Trung tâm Khoa học về khí hậu của CRISCO (Cơ quan Khoa học quốc gia Australia) nói rằng, sắp tới những ngày nóng nhất thì cũng chỉ là “một ngày mát mẻ” so với những gì chúng ta đã trải qua. Nhiệt độ Trái đất đã tăng hơn 1,44 độ C, so với năm 1910, từ đó dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhiệt độ của các đại dương cũng tăng lên 1 độ C, khiến đại dương bị axit hóa, dẫn đến việc san hô - được mệnh danh là “rừng của biển”, nơi trú ẩn chủ yếu của các loài sinh vật biển cũng bị hủy diệt với tốc độ nhanh chóng.

Bà Brown từng đưa ra cảnh báo: Nhân loại đang nhắm mắt đi vào cuộc khủng hoảng mới mang tên biến đổi khí hậu. “Cùng một lúc con người phải căng sức chống chọi với quá nhiều thứ. Nhưng thật đáng tiếc là trong đó chúng ta phải chống chọi lại chính những gì do mình gây ra, đó là việc hủy hoại môi trường sống của chính mình” - bà Brow dẫn lời nhà nghiên cứu môi trường, Tiến sĩ Marine Floy, nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhắm mắt đi vào cuộc khủng hoảng khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO