Nhận diện bẫy tín dụng đen

Lê Bảo 08/09/2023 07:50

Tín dụng đen vẫn đang âm thầm bòn rút tâm sức của không ít người lao động. Kể cả khi đã có nhiều cảnh báo, nhiều công nhân vẫn “sập bẫy” tín dụng đen.

Để có tiền mua chiếc xe đạp điện cho con đi học, chị Nguyễn Thị Thơm (khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã vay nóng một số tiền theo số điện thoại dán ở ngay cổng công ty. Chỉ sau 30 phút gặp và ký vào giấy vay nợ cùng với bản photo căn cước công dân, chị Thơm đã dễ dàng vay được số tiền 15 triệu đồng với mức lãi suất tính theo ngày 3.000 đồng/triệu/ngày. Như vậy hàng tháng chị Thơm phải trả số tiền lãi là 1.350.000 đồng cho khoản vay 15 triệu đồng.

“Theo dự tính sau 2 tháng tôi sẽ thanh toán được nợ nhưng do nhà có việc nên lần lữa mãi không trả được hết nợ. Đến giờ từ 15 triệu đồng, cộng cả lãi và gốc số tiền nợ đã lên tới gần 30 triệu đồng” - chị Thơm chia sẻ.

Trong khi đó, anh Hoàng Trần Văn (khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết, đã phải xin rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trả nợ. “Dù đã có nhiều bài học cảnh báo nhưng nhà có người ốm cần gấp một số tiền lớn nên tôi đã vay 50 triệu đồng qua app quảng cáo trên mạng xã hội. Đến giờ, lãi tính theo ngày đã nhân lên gấp đôi. Để có tiền trả nợ, tôi buộc phải xin rút bảo hiểm xã hội một lần dù mình vẫn đang đi làm công nhân” - anh Văn nói.

Một khảo sát của Ban Chính sách pháp luật cùng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với gần 3.000 công nhân được công bố hồi đầu tháng 8 cũng cho thấy do khó khăn về đời sống, có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ, trong đó hơn 3% thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Nhận định về tình trạng tín dụng đen hiện nay, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông, Bộ Công an) cho biết, tín dụng đen đang hoành hành dữ dội, tấn công vào cả công nhân lao động, học sinh, sinh viên. “Nhiều người do túng quẫn đã thực hiện mọi yêu cầu của bên cho vay. Khi đến hạn nếu không trả thì lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cộng gốc, tính lãi mới,… khiến người vay rơi vào vòng xoáy vô cùng mệt” - ông Hiếu nêu thực tế, đồng thời cho biết thêm, khi cho người khác vay tiền, các đối tượng thường kèm theo điều kiện, người vay cho phép đối tượng truy cập đồng bộ vào danh bạ cá nhân, tài khoản mạng xã hội, khi người vay không trả được nợ, các đối tượng sẽ gọi điện cho các số điện thoại có trong danh bạ để thúc ép đòi nợ. Chuyện các đối tượng quấy rối những người không liên quan để thúc ép đòi nợ là vi phạm pháp luật” - ông Hiếu khẳng định.

Để giúp người lao động tránh xa bẫy tín dụng đen theo các chuyên gia bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động nhận diện các hiểm họa về tín dụng đen cần có chính sách cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất ưu đãi để người lao động tránh xa bẫy tín dụng đen đồng thời hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần và đảm bảo ổn định cuộc sống.

Theo bà Nguyễn Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ&TBXH), cần sớm có giải pháp hỗ trợ cả lao động tự do. Bởi vì đây cũng là nhóm lao động yếu thế, chịu tác động mạnh nhất khi kinh tế gặp khó khăn. “Có thể tính các biện pháp hỗ trợ trực tiếp hoặc hỗ trợ gián tiếp thông qua giới thiệu việc làm, vay vốn, tăng cường đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề… ví dụ như đào tạo kỹ năng số, bán hàng trực tuyến, tiếp cận lớp dạy nghề ngắn hạn… cho lao động” - bà Hương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện bẫy tín dụng đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO