Nhận diện điểm nghẽn

Ngọc Quang 14/11/2023 06:23

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 10 tháng của năm nay ước đạt 1.398.700 tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ năm ngoái. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 10 tháng ước đạt 188.800 tỷ đồng, bằng 79% dự toán, giảm 21,9%.

Vẫn theo Bộ Tài chính, tổng số thu thuế 10 tháng của năm 2023 ước đạt 300.400 tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán, giảm 17,2%; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 111.600 tỷ đồng, bằng 60% dự toán. 7 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 56 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Những con số đó cho thấy về tổng thể kinh tế năm nay là rất khó khăn.

Vấn đề đặt ra là cần tháo gỡ những nút thắt để tăng tốc độ phát triển kinh tế không chỉ đối với thời gian còn lại của năm 2023, mà còn phải tạo đà cho tăng trưởng năm 2024. Nếu năm nay dự kiến tăng trưởng GDP trên dưới 5%, thì mức phấn đấu được đặt ra với năm 2024 là 6-6,5%.

Giới chuyên gia nhìn nhận, để đảm bảo tăng trưởng GDP như kỳ vọng cần đánh giá trên cả hai phương diện. Thứ nhất là nhìn nhận những nút thắt tạo điểm nghẽn nền kinh tế. Và thứ hai, phát huy tối đa các động lực tăng trưởng.

Về nút thắt, trước hết đó là xuất khẩu giảm mạnh. Đây không phải do sức khỏe nền kinh tế trong nước mà do kinh tế thế giới suy giảm, các thị trường giảm nhập khẩu đồng thời tăng cường các rào cản kỹ thuật để bảo hộ hàng sản xuất trong nước. Vì thế, bên cạnh việc khai thác tốt hơn thị trường truyền thống thì rất quan trọng là tìm kiếm thị trường mới. Việc quay lại khai thác thị trường trong nước với sức mua của 100 triệu dân cũng là giải pháp cần thiết khi xuất khẩu suy giảm.

Nút thắt thứ hai là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, tới tháng 10, chỉ đạt 51% kế hoạch cả năm. Nguyên nhân của việc này đã được chỉ rõ nhưng tiến độ giải ngân vẫn không cải thiện nhiều. Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm được cho là do cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ kỷ luật.

Nút thắt thứ ba là sức khỏe của thị trường bất động sản. Gần một năm qua, giao dịch cũng như tính thanh khoản của thị trường này rất thấp, nhà ở thương mại tồn kho nhiều. Mối liên hệ hữu cơ của bất động sản tới hơn 40 ngành nghề kinh tế và đóng góp khoảng 14% GDP cho thấy nếu lĩnh vực này suy yếu sẽ tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế.

Nút thắt thứ tư là lãi suất ngân hàng. Trong nỗ lực kiềm chế và kéo giảm lạm phát cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ thì việc áp dụng những biện pháp kiểm soát dòng tiền là cần thiết. Tuy nhiên, nếu lãi suất cho vay cao thì doanh nghiệp đã khó lại càng khó.

TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay cần phải có những giải pháp cụ thể tháo gỡ các điểm nghẽn đến nơi đến chốn. “Cần nhìn nhận trong thách thức có cơ hội và cơ hội đó phải được tận dụng khi doanh nghiệp còn sức lực, còn chống chịu được” - ông Lịch khuyến nghị.

Còn về động lực tăng trưởng?

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, 3 động lực tăng trưởng được Chính phủ xác định là xuất khẩu, đầu tư công, tiêu dùng trong nước. Như vậy, tăng cường động lực tăng trưởng cũng chính là gỡ nút thắt, điểm nghẽn của nền kinh tế.

Động lực tăng trưởng thứ nhất: Xuất khẩu. Như đã nói, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước gia tăng thì việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) là hết sức quan trọng. Trong đó, vai trò của các tham tán thương mại cần phải được phát huy.

Động lực tăng trưởng thứ hai: Đầu tư công. Ở đây, vai trò của người đứng đầu bộ ngành, địa phương mang tính quyết định. Nếu vẫn còn sợ sai, sợ bị kỷ luật dẫn đến không dám làm thì tình thế rất khó xoay chuyển.

Động lực tăng trưởng thứ 3: Tiêu dùng trong nước. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm, tiêu dùng nội địa và thương mại nội địa đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Bà Ngọc cũng cho biết, mặc dù bán lẻ hàng hóa của TPHCM 10 tháng đầu năm 2023 tăng hơn 11% so với cùng kỳ 2022, nhưng vẫn chưa đạt so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Chính vì vậy, việc bình ổn giá, tăng cường các chương trình khuyến mại, ngăn chặn các hình thức gian lận thương mại là rất cần thiết.

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trước mắt nên kéo dài chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đến năm 2025 thay vì năm 2024 như kế hoạch hiện nay. Việc hỗ trợ này nhằm tạo ra luồng gió khuyến khích mọi người tiêu dùng nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện điểm nghẽn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO