Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vẫn đơn giản, hàm lượng công nghệ chỉ đạt mức trung bình, thậm chí là thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm... đó là những điểm yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ khiến cho các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta chưa thể phát triển như kỳ vọng.
Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp hiện vẫn còn thấp, đơn cử ngành điện tử chỉ từ 5-10%; ngành ô tô từ 7-10%; ngành dệt may, da giày từ 45-50%.
Ngành công nghiệp ô tô, một trong những ngành được kỳ vọng sẽ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn với tỷ lệ nội địa hóa cao, thế nhưng đến thời điểm này, nhiều mục tiêu của ngành công nghiệp này đã không đạt được. Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cả nước hiện có hơn 350 doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ ô tô, nhưng 80% là DN nước ngoài, số còn lại là DN trong nước nhưng phần lớn quy mô nhỏ, khó có điều kiện đầu tư công nghệ. Đáng chú ý, cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của công nghiệp ô tô thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 đối với các loại xe thông dụng như: xe tải, xe khách, xe con.
Số liệu thống kê cho hay, phần lớn DN công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% DN có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường).
Giới chuyên gia nhận định, thực tế, DN tham gia lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chủ yếu thuộc loại nhỏ và vừa, chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa… Ngay cả lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô để xuất khẩu, các DN Việt Nam cũng chỉ mới làm được một số sản phẩm đơn giản.
Cũng là một trong những ngành chưa đạt được mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa như kỳ vọng, ngành da giày của Việt Nam vẫn đang khá chật vật khi mới chỉ đạt được 45-50% tỷ lệ nội địa hóa.
Dù là ngành có thị trường xuất khẩu rộng lớn với hơn 20 thị trường đạt giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD, như: Mỹ, Trung Quốc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc… Tuy vậy, theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép là của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tại Việt Nam, mỗi năm nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp da giày nhập vào là khoảng 300 triệu USD.
Những con số nói trên là minh chứng rõ rệt cho sự ì ạch của ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay. Điều đó khiến cho mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các ngành kinh tế mũi nhọn của chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn. Giới chuyên gia nhận định, các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đáng chú ý, theo khảo sát của Tổng Cục thống kê năm 2021, về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% DN cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% DN có sử dụng thiết bị tự động hóa, và chưa đến 10% DN có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Điều này cho thấy năng lực của DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về năng lực quản lý sản xuất và trình độ công nghệ.
Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng DN hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% DN dệt may da giày và 33% DN điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.
Trong xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc chỉ có10% DN áp dụng công nghệ, robot trong hoạt động sản xuất thực sự đặt ra những vấn đề cho bài toán thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, DN đầu chuỗi như Samsung thì công nghệ là yêu cầu phải có, nhưng với DN Việt thì đây là rào cản vì kỹ năng, năng lực đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi còn khiêm tốn.
Thực tế, DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, yếu về vốn và công nghệ; trình độ quản trị sản xuất còn thấp. Để trở thành nhà cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia cần vượt qua rất nhiều hạng mục tiêu chí, đó là bộ chỉ số mà DN phải nỗ lực. Đơn cử như Samsung có 4 bộ chỉ số về đảm bảo chất lượng, an toàn an ninh, kiểm soát minh bạch, đảm bảo chỉ số sản xuất. Tương tự, các hãng khác của Mỹ, Nhật Bản… cũng có các tiêu chí như vậy.
Trọng tâm ưu tiên
Dù còn tồn tại khá nhiều điểm nghẽn, song giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ đủ phục vụ trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Trên thực tế, nhiều DN trong nước cũng đã thể hiện năng lực sản xuất tốt với những sản phẩm công nghệ cao như việc sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Các sản phẩm nói trên đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. DN công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., đã tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Qima - một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng khi thực hiện khảo sát với hơn 700 DN trên toàn cầu cho thấy, Việt Nam tiếp tục được nhiều DN Mỹ và châu Âu lựa chọn vào chuỗi cung ứng. 25% DN có trụ sở tại châu Âu trong cuộc khảo sát này đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ trong quý I/2021, riêng với DN ở Mỹ, con số này còn cao hơn, ở mức 43%.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ vẫn là trọng tâm cần ưu tiên. Do vậy, cần làm rõ điểm nghẽn, vướng mắc, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng lực, cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới.