Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với nhiều chương trình chính sách dân tộc được triển khai thực hiện có hiệu quả, đời sống của đồng bào đã có những bước tiến mới.
Trước đây, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc nơi có 100% đồng bào dân tộc Lô Lô cư trú, cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo luôn chạm ngưỡng 50%. Thế nhưng từ khi được hỗ trợ theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025”, đời sống của đồng bào đã có những chuyển biến tích cực.
Nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước nhất là các chương trình, dự án chính sách dành cho đồng bào dân tộc, đã tạo động lực cho đồng bào Lô Lô vượt khó vươn lên, với số hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Đến nay, hàng chục hộ đồng bào dân tộc Lô Lô ở xóm được hỗ trợ sản xuất, cấp các thiết bị phục vụ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.
Không chỉ đầu tư trang thiết bị bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Cao Bằng đã tập trung nguồn lực hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu trên địa bàn 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm - nơi có đông đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống. Cũng từ nguồn vốn do Trung ương cấp, Ban Dân tộc tỉnh đã đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm có đồng bào dân tộc Lô Lô để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình trồng cây hồi, cây sở lấy tinh dầu.
Cùng với Bảo Lạc, những năm gần đây huyện Hà Quảng cũng tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Từng được coi là vùng đất biệt lập khó khăn nhất của xã Sóc Hà, bản Lũng Củm, xóm Nà Nghiềng là nơi có 40 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ sinh sống. Những năm trước đây, nghèo đói luôn là nỗi ám ảnh đeo bám người dân mỗi khi mùa giáp hạt. Thế nhưng, với sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các chương trình, chính sách dân tộc, cuộc sống của người Dao đỏ trong bản dần ấm no hơn.
Với mục tiêu xây dựng xã Sóc Hà đạt chuẩn nông thôn mới, tranh thủ nguồn vốn Chương trình 135 và nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã đầu tư làm đường lên Lũng Củm. Cùng với việc hoàn thiện đường giao thông, cấp ủy, chính quyền xã cũng xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội đối với bản Lũng Củm. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng bào Dao đỏ đã dần xóa bỏ lối sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, chất lượng vào sản xuất. Đến nay, cả bản Lũng Củm chỉ còn xấp xỉ 10 hộ nghèo.
Báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng về tình hình thực hiện công tác dân tộc những tháng đầu năm 2022 cho thấy, với sự hỗ trợ của Nhà nước và quyết tâm của địa phương, các chương trình, chính sách dân tộc đến được các xóm, bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào DTTS sinh sống. Từ việc nhận diện đúng, đầu tư hiệu quả các chính sách mà đời sống của người dân đã được nâng cao. Diện mạo tại các vùng đồng bào DTTS đã có nhiều đổi thay với số hộ nghèo giảm 4%/năm.
Ông Bế Văn Hùng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, triển khai giai đoạn 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng coi đây là một nguồn lực hết sức sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững trên cơ sở tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương để từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.