Kinh tế

Nhận diện gian lận thuế giá trị gia tăng

H.Hương 15/12/2023 06:57

Gian lận Thuế giá trị gia tăng (VAT) ngày càng phức tạp với các thủ đoạn tinh vi gây thất thu ngân sách nhà nước trong đó nhiều trường hợp được phát hiện với gian lận lên tới hàng tỷ đồng tiền thuế.

anhbaitren.jpeg
Nhiều biện pháp quản lý rủi ro trong công tác hoàn thuế VAT được ngành thuế áp dụng trong phạm vi cả nước. Ảnh: TC Tài chính.

Tổng cục Thuế cho biết, thuế VAT đối với doanh nghiệp (DN) là nghĩa vụ và trách nhiệm, với nhà nước là nguồn thu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều hành vi gian lận thuế VAT. Theo Tổng cục Thuế, có các dạng gian lận Thuế VAT như sau: Giảm thuế VAT đầu ra phải nộp, tăng thuế VAT đầu vào được khấu trừ; vượt qua sự kiểm soát của các cơ quan thuế; lợi dụng kẽ hở trong các quy định để gian lận trong hoàn thuế VAT. Vốn dĩ ban đầu, các hành vi không mấy phức tạp. Để được hoàn thuế về mức 0% hay giảm thuế, các DN đã tìm cách lập hồ sơ hàng bán ra là hàng xuất khẩu. Bởi dựa trên quy định của nhà nước, suất thuế VAT của các DN xuất khẩu hàng hóa là 0%.

Tuy nhiên, các hành vi ngày càng trở nên phức tạp hơn. Đặc biệt, trường hợp DN được thành lập và đăng ký kinh doanh nhiều sản phẩm, hoạt động trong nhiều ngành nghề, nhưng lại không có kho hàng hay trụ sở. Mục đích mà các DN này được lập ra là để bán hóa đơn VAT cho các DN khác - các DN đang tìm cách hợp thức hóa bán hàng buôn lậu trốn thuế và ăn chặn tiền hoàn thuế.

Gian lận nhờ tăng thuế VAT đầu vào xuất phát từ quy định DN có thể tự in ấn và sử dụng hóa đơn thuế VAT mua bán nội địa trong chính sách quản lý thuế. Lợi dụng kẽ hở này, một số DN tự in ấn và phát hành hóa đơn. Họ tạo ra một lượng lớn hóa đơn và tự hợp thức hóa cho nguồn gốc của các lô hàng xuất khẩu.

Theo đó, nhiều DN đã lợi dụng việc làm hóa đơn bất hợp pháp, bao gồm hóa đơn chưa hết giá trị sử dụng hoặc chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn giả hay hóa đơn của các đơn vị đã bị hủy bỏ địa chỉ kinh doanh để hợp thức hóa việc khấu trừ thuế VAT.

DN còn kê khai khấu trừ các hóa đơn nhưng không mang tên hay mã số thuế của đơn vị mà dùng với mục đích cá nhân. Hoặc khấu trừ thuế VAT của hàng hóa dịch vụ nhưng không phải là phục vụ hoạt động nghiên cứu, sản xuất - kinh doanh. DN kê khai thuế được khấu trừ không trùng khớp với ngày chứng từ nộp thuế ở giai đoạn nhập khẩu. Hoặc phân bổ sai hoặc không phân bổ thuế đầu vào cho mặt hàng không chịu thuế và chịu thuế.

Trường hợp các DN thực hiện để gian lận thuế VAT là giảm thuế đầu ra. Khai thiếu thuế đầu ra là một trong những hành vi sai phạm phổ biến. Để thực hiện điều này các DN sẽ bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, mục đích là giấu doanh thu đầu ra để tránh nộp thuế, thậm chí là chiếm đoạt thuế.

Bên cạnh đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hay kinh doanh bất động sản hoặc thực hiện hành vi gian lận bằng cách xuất hóa đơn sớm, hoặc chưa thu tiền của khách hàng ngay cả khi dự án, dịch vụ đã được thực hiện. Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng nội bộ, họ cố tình khai thiếu hoặc không khai thuế VAT đầu ra, bởi họ cho rằng cơ quan thuế sẽ không đả động đến.

Ngoài ra còn có gian lận bằng cách điều chỉnh thuế VAT đầu vào và ra không dựa theo quy định. Thực tế cho thấy, một số cán bộ thanh tra thường không để ý tới các thông tin quản lý điều chỉnh tăng và giảm thuế VAT ở kỳ trước, mà chỉ tập trung vào việc chấm hóa đơn. Các DN tận dụng việc này điều chỉnh giảm doanh thu cũng như thuế đầu ra và tăng thuế đầu vào của kỳ trước. Sự điều chỉnh này diễn ra mà không có hóa đơn, cũng không được chứng minh. Mục đích chính là để giảm thuế đầu ra của kỳ này, hoặc tăng thuế VAT đầu vào được khấu trừ sang kỳ nộp tiếp theo.

Còn có một trường hợp điển hình, đó là DN cố tình xác định sai thuế suất đối với dịch vụ, hàng hóa. Theo đó, nhập nhèm thuế suất là một trong những chiêu trò khá phổ biến của các DN trốn thuế. Hành vi này xuất phát từ kẽ hở trong chính sách kích cầu để giảm khó khăn cho các DN của Chính phủ.

Nhiều DN cố tình kê sai thuế suất thuế đầu ra VAT của các mặt hàng chịu 10% thành mặt hàng chịu dưới 5%. Có khi các mặt hàng chịu thuế lại được liệt kê vào mục không chịu thuế.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, mục đích của các đối tượng là hợp thức hóa các khoản chi tiêu bất hợp lý của DN, đưa khoản chi đó vào chi phí hợp lý nhằm được hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm đóng thuế thu nhập DN. Các hành vi này không những gây thất thu ngân sách nhà nước, mà còn làm giảm uy tín của các cơ quan và DN chân chính, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh.

Theo ông Thịnh, việc áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc sẽ góp phần hạn chế tình trạng trên. Song, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa thanh tra, kiểm tra để chống gian lận hoàn thuế VAT.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần siết chặt quản lý việc thành lập DN và tăng mức xử phạt với hành vi gian lận thuế. Trường hợp phát hiện bất thường trong kỳ báo cáo hóa đơn giá trị gia tăng phải kiểm tra, xác minh ngay, không chờ đến khi DN xin hoàn thuế.

Theo khuyến cáo của Tổng cục Thuế, để DN thể hiện đúng vai trò trách nhiệm của mình, việc nắm các thông tin về phương pháp tính, mức thuế là điều quan trọng. Còn đối với những vấn đề thường gặp hay những sai sót thường xảy ra, người nộp thuế cần cẩn thận hơn trong kê khai để tránh mắc phải lỗi không đáng có, gây ảnh hưởng đến lợi ích và danh tiếng của DN.

DN còn kê khai khấu trừ các hóa đơn nhưng không mang tên hay mã số thuế của đơn vị mà dùng với mục đích cá nhân. Hoặc khấu trừ thuế VAT của hàng hóa dịch vụ nhưng không phải là phục vụ hoạt động nghiên cứu, sản xuất - kinh doanh. DN kê khai thuế được khấu trừ không trùng khớp với ngày chứng từ nộp thuế ở giai đoạn nhập khẩu. Hoặc phân bổ sai hoặc không phân bổ thuế đầu vào cho mặt hàng không chịu thuế và chịu thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện gian lận thuế giá trị gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO