Ngày 29/2, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân -Giá trị lý luận và thực tiễn”, nhân kỷ niệm 55 năm ngày ra đời tác phẩm do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cách đây 55 năm, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đã được đăng trên báo Nhân Dân số 5409 ngày 3/2/1969 vào thời điểm tình hình thế giới và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo ông Lợi, với dung lượng gần 700 từ, tác phẩm tuy không dài, nhưng bao hàm những nội dung quan trọng, mang tính hệ thống, nhất quán, chặt chẽ về vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Đó là sự tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận vô cùng sâu sắc, là tài liệu học tập hết sức quý báu của cán bộ, đảng viên.
Ông Lợi cũng cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức cách mạng và xây dựng Đảng về đạo đức chính là nhằm đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận “số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”. Xây dựng Đảng về đạo đức còn là cơ sở nền tảng, nguồn sức mạnh nội sinh để Đảng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành mọi nhiệm vụ dân tộc giao cho, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thành công.
“Trong điều kiện Đảng cầm quyền, khi cán bộ, đảng viên bị nhiễm “vi trùng” chủ nghĩa cá nhân sẽ khó tránh khỏi sa vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chủ nghĩa cá nhân sẽ ngăn trở cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người cách mạng phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết và thường xuyên của tổ chức Đảng, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên” - ông Lợi nói.
Đề cập đến việc ở 3 nhiệm kỳ đại hội XI, XII và XIII, các Hội nghị Trung ương 4 đều thảo luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xác định chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó cũng là con đường ngắn, thậm chí rất ngắn dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, phản bội lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Từ đó theo ông Lợi, phải kiên quyết, kiên trì quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng trong toàn Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh hiện nay, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thế - Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng cho rằng, cần nhận diện rõ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Theo đó, phải nhận diện cho đúng những biểu hiện muôn hình vạn trạng hiện nay của chủ nghĩa cá nhân, nhất là trong đội ngũ cán bộ có chức, có quyền, cán bộ lãnh đạo chủ chốt. “Thế nào được coi là đặc quyền, đặc lợi? Thế nào được coi là chính sách, chế độ đãi ngộ? Cần nhận diện các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nhất là những người có học thức, người có chức quyền, những người càng nhiều kinh nghiệm thì họ che đậy giỏi đến những người dân thường rất khó biết” - ông Thế nêu vấn đề.
Trong khi đó, GS.TS Mạch Quang Thắng - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho rằng, chủ nghĩa cá nhân rất muôn hình vạn dạng trong biểu hiện hiện nay. Chống chủ nghĩa cá nhân hiện nay liên quan đến tiền bạc và về cơ chế hiện nay. Phải nhận diện cơ hội chính trị và chống cơ hội chính trị, cá nhân vì cơ hội chính trị cũng tiến tới để cho lợi ích cá nhân không chính đáng về tiền tài danh vọng.
TS Lê Trung Kiên - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho biết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”. Việc chăm lo, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng là công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy tăng cường kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để cho Đảng luôn thống nhất về ý chí và hành động vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tất cả các cán bộ, đảng viên thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì đương nhiên bộ máy Đảng, Nhà nước trong sạch. Đảng, Nhà nước trong sạch thì nhất định sẽ vững mạnh.