Nhận định đề thi Ngữ văn lớp 10 tại TP HCM

Minh Quang 06/06/2023 11:48

Sáng 6/6 hơn 96.000 thí sinh tại TP HCM đã hoàn thành xong môn thi Ngữ văn, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Ngay sau khi kết thúc môn thi này, các giáo viên Tổ Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI đã có nhận định về đề thi và gợi ý lời giải.

Đúng như dự đoán của các giáo viên và học sinh trước đó, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, ngữ liệu phần Đọc- Hiểu được đưa vào với hình thức một bức thư của cô giáo gửi các học sinh của mình. Trong bức thư này, người giáo viên đã trích những đoạn từ cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" và bài thơ "Gửi mẹ" của nhà thơ Lưu Quang Vũ và tác phẩm "Mặt kính không vướng bụi" của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima. Từ những ngữ liệu đó, học sinh thực hiện các yêu cầu của đề thi.

Thí sinh dự thi vaò lớp 10 tại TP HCM năm học 2023- 2024 (ảnh TL)

Theo nhận xét chung của các giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI: Cấu trúc đề thi của năm nay tương tự như năm 2022-2023, gồm có 3 câu và (theo trục chủ đề và đọc hiểu 2 văn bản). Chủ đề “Để những nghĩ suy cất lên thành lời” của đề khá hay, độ phân hoá của đề thi rất tốt; do vậy, dự kiến kiến phổ điểm trung bình dao động từ 6.0 - 7.0 điểm

Câu 1- Đọc hiểu: Ngữ liệu được lựa chọn khá tốt; các câu hỏi khai thác ngữ liệu kiểm tra được cả kĩ năng đọc hiểu và kiến thức Tiếng Việt của thí sinh. Câu hỏi số 4 (ý d) của phần này rất hay, thí sinh sẽ cần tư duy về cuộc sống, quan điểm của bản thân và đưa ra cách trình bày hợp lý. Tuy nhiên, câu hỏi số 3 (ý c) là một câu hỏi vận dụng, đòi hỏi thí sinh rút ra bài học, thông điệp từ nội dung văn bản nên sẽ cần chú ý về thời gian làm bài và cân đối với các nội dung sau.

Câu Nghị luận xã hội: Vấn đề đưa ra khá hay, đặt ra cho thí sinh sự suy nghĩ về tình yêu cuộc sống và sự lan tỏa những giá trị tích cực. Đối với yêu cầu này, thí sinh cần đưa ra những lý giải phù hợp, dẫn chứng rõ ràng để nêu bật quan điểm về việc tạo ra, lan tỏa những điều tốt đẹp, có ý nghĩa trong cuộc sống; việc vận dụng các thao tác lập luận tốt, kết hợp với các dẫn chứng phù hợp sẽ là điểm nhấn cho bài làm của thí sinh. So với yêu cầu của năm trước khi chỉ ra mối quan hệ giữa thời gian và sự trưởng thành thì ở câu hỏi này, thí sinh có thể đạt được khoảng từ 2,0 – 2,25 điểm dễ dàng.

Câu Nghị luận văn học: Vẫn theo thông lệ, đề thi đưa ra 2 sự lựa chọn cho thí sinh

Đề 1: Lựa chọn một khổ thơ hoặc đoạn thơ bất kì để làm rõ tình yêu nước của con người Việt Nam, thí sinh có thể chọn một khổ thơ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính hoặc Mùa xuân nho nhỏ đã được học trong chương trình Ngữ văn 9 và tiến hành phân tích. Câu hỏi này không khó, thí sinh có thể lúng túng khi lựa chọn văn bản nhưng phần làm bài sẽ không gặp trở ngại lớn vì đây là 2 tác phẩm khá quen thuộc trong chương trình phổ thông.

Đề 2: Yêu cầu đề không mới, nếu không muốn nói là rất quen thuộc với thí sinh. Tuy vậy, cách đặt vấn đề của đề thi có khả năng gây nhiễu thông tin cho thí sinh. Với yêu cầu viết bài văn nghị luận trình bày những suy nghĩ của bạn về tình cảm gia đình trong tác phẩm hoặc đoạn trích, thí sinh có thể lựa chọn văn bản trong SGK hoặc ngữ liệu ngoài đều được; nhưng chia sẻ về “cách đọc” sẽ gây khó cho một số thí sinh khi viết vì khó để hệ thống, sắp xếp những suy nghĩ cá nhân trong thời gian ngắn. Những thí sinh thích lối tư duy mở sẽ cảm thấy hứng thú với cách đặt vấn đề này.

Cụ thể:

Câu 1:

a. Hai lợi ích của việc để những nghĩ suy cất lên thành lời là:

+ Mang đến sự chia sẻ cảm thông;

+ Tạo thành mối dây liên kết giữa người với người.

b. Thành phần biệt lập trong đoạn thơ của Lưu Quang Vũ:

+ Thành phần biệt lập gọi đáp "Mẹ ơi".

c. Từ nội dung đoạn trích trong cuốn Nhật kí của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, học sinh rút ra được những hiểu biết về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.

+ Đó là những chàng trai, cô gái sẵn sàng rời ghế nhà trường đi theo tiếng gọi thiêng liêng để bảo vệ Tổ quốc. Họ tự nguyện vào chiến trường, đối mặt với bao hiểm nguy để sống hết mình với lí tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

+ Đó là thế hệ trẻ đã chứng kiến, thấu hiểu và biết ơn sự hi sinh của những người đi trước để từ đó họ có thêm động lực tiếp tục hành trình bảo vệ Tổ quốc.

+ Đó cũng là tuổi trẻ kiên cường, gan dạ, bản lĩnh của họ được tôi luyện, rèn giũa từ khói lửa chiến tranh và từ lòng căm thù giặc sâu sắc.

d. Với những góc nhìn khác nhau, thí sinh đưa ra quan điểm cá nhân của mình về cách suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: Tớ không trở thành ai khác/ Không ai khác có thể trở thành tớ. Thí sinh cần lập luận để chỉ ra lí do mình thích hay không thích.

Một vài gợi ý:

- Em rất thích cách suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: "Tớ không trở thành ai khác/ Không ai khác có thể trở thành tớ". Bởi vì:

+ Chia sẻ của Bao Nakashima đã khẳng định những giá trị riêng biệt của bản thân mỗi người. Mỗi người sinh ra là một cá thể riêng biệt, độc đáo và duy nhất, không lẫn với bất kỳ ai.

+ Vì chúng ta là cá thể độc đáo, riêng biệt nên ta cũng không cần lặp lại, bắt chước hay trở thành bản sao của bất kì ai. Ta cần giữ được bản sắc của riêng mình trong suốt hành trình khôn lớn và trưởng thành.

Chính nhờ sự khác nhau này đã tạo nên tính đa dạng cho cuộc sống, sự muôn màu cho xã hội. Xã hội phát triển là nhờ vào những giá trị riêng biệt của cá nhân tạo thành.

Câu 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận;

Có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Vấn đề nghị luận: "Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời..."

* Giải thích:

- Giải thích ý thơ: Cuộc sống có những biến cố và khi chúng ta vấp ngã sẽ nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh.

- Vấn đề cần bàn luận: Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời thì sẽ tạo nên sự nuối tiếc, còn ngược lại, nó sẽ là nền tảng cho tình yêu thương, sự gắn kết giữa người với người.

* Bàn luận:

- Những suy nghĩ tốt đẹp không chỉ là những lời cảm ơn chân thành dành cho hành động giúp đỡ của người khác với mình mà đó còn là việc mình lan tỏa sự giúp đỡ đó cho những người xung quanh.

- Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời thì những tình cảm tốt đẹp sẽ không được thể hiện và lan tỏa, cuộc sống sẽ bớt đi những sắc màu tươi sáng, tâm hồn ta sẽ nặng trĩu những nuối tiếc.

- Làm thế nào để những suy nghĩ tốt đẹp khi cất lên thành lời? Phải cất lời cảm ơn kịp thời, đúng thời điểm để người giúp đỡ, hỗ trợ ta cảm nhận được thành ý của ta. Những suy nghĩ tốt đẹp cũng cần xuất phát từ tình cảm chân thành vì như vậy những điều tích cực đẹp đẽ mới được lan truyền rộng rãi.

* Dẫn chứng:

- Lời cảm ơn sau khi nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh mình: bác bảo vệ, cô bán nước, người bạn...

- Hoạt động tri ân, tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ, những người công với đất nước, dân tộc...

- Lắng nghe những ý tưởng khởi nghiệp và sẵn sàng ủng hộ khi thấy phù hợp: đổi giấy, quần áo cũ lấy cây xanh; túi làm từ các vật liệu tái chế...

* Mở rộng vấn đề:

- Bày tỏ thái độ không đồng tình với những quan niệm, hành động sai lầm: những người ích kỉ, vô cảm, không biết sẻ chia và cảm thông; không biết nói lời cảm ơn;...

* Bài học và nhận thức:

- Hiểu được vai trò, giá trị của việc sẻ chia những điều tốt đẹp, tích cực trong cuộc sống.

- Lan truyền những tấm gương người tốt, việc tốt tới những người xung quanh để rút ra được bài học đúng đắn trong cách hành động và ứng xử.

- Nên bày tỏ, bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc chân thành để mọi người cảm nhận được những điều tốt đẹp mình muốn lan tỏa.

c. Sáng tạo Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Chiều nay, các thí sinh tại TP HCM tiếp tục dự thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 90 phút. Ngày 7/6, thí sinh làm bài thi môn Toán với 120 phút và môn chuyên 150 phút (thí sinh dự thi lớp chuyên).

Điểm thi lớp 10 ở TP HCM được công bố vào ngày 20/6.

Năm nay, TP HCM có gần 114.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó 96.300 em đăng ký dự thi lớp 10 công lập. Tổng chỉ tiêu của 108 trường THPT công lập của thành phố là 77.300, tỷ lệ trúng tuyển khoảng 80%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận định đề thi Ngữ văn lớp 10 tại TP HCM

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO