Mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng thời gian qua người dân Bắc Kạn vẫn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động. Nhiều cán bộ Mặt trận, trưởng thôn, người có uy tín đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.
Người dân thôn Bản Cuôn 1, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) tham gia làm đường giao thông nông thôn
Cán bộ làm trước
Là một tỉnh nghèo nên khó khăn lớn nhất đối với Bắc Kạn trong triển khai cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là nguồn lực đầu tư còn hạn chế, trong khi nguồn lực huy động trong nhân dân cũng rất ít do thu nhập của bà con còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, nhất là các thôn, bản vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, một số tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Nhiều thôn, bản ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa có ít hộ dân, nếu làm nhà văn hoá thì chỉ cần 50-60 chỗ ngồi là đủ, nhưng làm như vậy không đáp ứng tiêu chí về văn hoá, mà làm đúng tiêu chí thì sẽ rất lãng phí, trong khi nguồn lực tài chính của địa phương eo hẹp.
Hoặc như tiêu chí về đường giao thông yêu cầu phải rộng 3m thì sẽ khó thực hiện được vì dân cư thưa thớt, từ trung tâm xã đến các thôn, bản dài hàng chục km, địa hình đồi núi, sông suối, nhiều nơi là núi đá nếu mở đường sẽ cần kinh phí rất lớn…Thêm vào đó, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền cũng nhiều hạn chế. Để giúp bà con đồng thuận ủng hộ, cán bộ Mặt trận phải đi nhiều, vận động nhiều trong khi có nhà, cán bộ vừa trình bày xong thì bà con bảo, mình biết ý của cán bộ là tốt, nhưng mình không có tiền đóng đâu, mình cứ đi cái đường cũ thôi.
Để giải quyết những khó khăn này, cùng với chính quyền, thời gian qua, MTTQ các cấp cùng với người uy tín, tiêu biểu ở địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các cấp triển khai hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu về: xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Cán bộ vận động gia đình, người thân làm trước, người dân thấy hiệu quả và bắt đầu làm theo. Nhiều trưởng thôn, người có uy tín đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giúp được nhiều hộ gia đình thoát nghèo.
Điển hình như ông Bùi Đức Nguyện ở thôn Nà Chia, xã Vũ Loan, huyện Na Rỳ đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc nuôi gà đẻ trứng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Cùng với nuôi gà, ông nuôi dê, trâu. Trong vườn đồi ông trồng cam quýt, cây thạch đen, mỗi năm gia đình ông thu nhập bình quân 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình ông còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong thôn, chỉ với mong muốn mọi người cùng thoát nghèo, có điều kiện cho bọn trẻ ăn học, xây dựng được đường xá khang trang, sạch đẹp, cho bộ mặt thôn bản ngày càng khởi sắc hơn.
Và trong các cán bộ Mặt trận ở cơ sở ông Triệu Đình Nhất, thôn Nà Bay, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn vẫn được nhiều người nhắc đến như một tấm gương tiêu biểu. Ông bảo, muốn tuyên truyền cho người dân tin và làm theo thì trước tiên mình phải làm giỏi. Ông luôn tìm hiểu, học hỏi để đưa khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, cùng với các thành viên thành lập Hợp tác xã chế biến Chè San tuyết tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều lao động trong thôn. Ông bảo, mình làm được thì bà con cũng làm được. Cùng với tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các phong trào, cuộc vận động, người dân luôn thấy một ông cán bộ Mặt trận tận tụy đến từng nhà vận động bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, dạy cách chế biến chè, nấu rượu men lá, chăn nuôi lợn…để làm giàu.
6 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã có hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi như: nuôi gà thả đồi, nuôi trâu sinh sản, nuôi dê, nuôi lợn, trồng cam quýt, hồng không hạt, chè, rau an toàn… được xây dựng thành công, góp phần từng bước nâng cao đời sống của nhân dân; giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh cuối năm 2016 xuống còn 26,61% theo chuẩn nghèo đa chiều. |
Nhân lên những mô hình tiêu biểu
Theo ông Ma Nhật Hoài - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Kạn, cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, MTTQ tỉnh cũng đã xây dựng các mô hình điểm, giới thiệu gương điển hình, mô hình khu dân cư, xã, phường, thị trấn tiêu biểu thực hiện hiệu quả các nội dung Cuộc vận động. Còn trong công tác phối hợp, MTTQ tỉnh hiệp thương, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức thành viên giúp bà con thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Điển hình như giúp hộ nghèo về vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhà ở, giúp ngày công; hỗ trợ con, cây giống; hỗ trợ kỹ thuật, cách thức làm ăn trong điều kiện hiện có.
6 năm qua, tỉnh đã có hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi như: nuôi gà thả đồi, nuôi trâu sinh sản, nuôi dê, nuôi lợn, trồng cam quýt, hồng không hạt, chè, rau an toàn… được xây dựng thành công, góp phần từng bước nâng cao đời sống của nhân dân; giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh cuối năm 2016 xuống còn 26,61% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Trên cơ sở thực hiện 5 nội dung của Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ủy ban MTTQ thành phố Bắc Kạn đã cụ thể hóa thành các tiêu chí cụ thể để thực hiện mô hình “Khu dân cư văn minh” phù hợp tình hình thực tế của tổ dân phố. Đây là mô hình thực hiện làm điểm để nhân rộng trên địa bàn các khu dân cư của thành phố. Thông qua việc xây dựng, thực hiện mô hình nhằm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng mô hình tự quản ở khu dân cư; đoàn kết xây dựng phát triển cộng đồng dân cư ngày càng văn minh; làm tốt công tác bảo vệ mội trường, giữ gìn an ninh trật tự xã hội để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tính đến nay, bà con các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã hiến trên 130.000m2 đất; đóng góp trên 400 ngày công và hơn 1,4 tỷ đồng để mở rộng đường xá, xây trường học, kênh mương dẫn nước về ruộng đồng. Điển hình như Quang Thuận (huyện Bạch Thông) 1 trong 8 xã nằm trong kế hoạch phấn đấu về đích NTM trong năm 2017 của tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nông Văn Bình, chính quyền và nhân dân trong xã đã đóng góp hàng nghìn ngày công, trên 800 triệu đồng tiền mặt, hiến hơn 2.000m2 đất để làm đường; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp đã theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại cũng đã và đang gấp rút hoàn thiện để phấn đấu về đích sớm.