Theo lộ trình, đến năm 2025, tại tỉnh Quảng Trị sẽ đáp ứng nhu cầu về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sạch cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Trước việc được hỗ trợ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế gia đình, chủ động đăng ký vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Hồ Văn Vun (34 tuổi) và chị Hồ Thị Hân (29 tuổi), trú tại thôn Ba De, xã Linh Trường (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) thuộc diện hộ nghèo. Những năm qua, 5 thành viên của gia đình anh Vun sống trong căn nhà tuềnh toàng. Vào mùa nắng, căn nhà được lợp bằng những tấm fibro xi măng thường có nhiệt độ cao hơn so với ngoài trời. Những ngày mưa, nước thấm, dột từ trên mái xuống khiến nền nhà ẩm ướt.
Nhìn căn nhà nhỏ, chị Hồ Thị Hân nói, “gia đình tôi sắp có căn nhà mới khang trang, kiên cố hơn rồi”. Ngay khi UBND xã Linh Trường thông báo, gia đình chị sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở theo Dự án 1, Giải quyết tình trạng đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (Dự án 1) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), anh chị mừng lắm.
Cùng với số tiền được hỗ trợ, vợ chồng anh Vun sẽ vay thêm 40 triệu đồng theo Nghị định số 28/2022 ngày 26/4/2022 của Chính phủ và vay mượn từ người thân để xây dựng một căn nhà vững chãi, đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng và mái cứng), đủ rộng để các thành viên sinh sống.
Chị Hân chia sẻ thêm, năm tới đứa con út của gia đình cũng cứng cáp hơn, tạo điều kiện để chị có thời gian chăn nuôi, trồng trọt san sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Và hy vọng việc thoát khỏi danh sách hộ nghèo của gia đình chị Hân sẽ không còn xa nữa.
Tương tự gia đình chị Hân, năm 2023 gia đình anh Hồ Cu La (33 tuổi, trú tại thôn Làng Vây, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cũng liên tiếp đón nhận tin vui từ việc triển khai Dự án 1. Trước đó, vào tháng 8/2023, những người thân của gia đình anh La đã tổ chức một cuộc họp gia đình về việc thỏa thuận tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình tại bản Cồn, xã Tân Lập. Đến tháng 9/2023, đại diện chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể và nhiều cá nhân có liên quan tại xã Tân Lập tổ chức họp về việc triển khai xây dựng nhà ở hộ nghèo thuộc Dự án 1 và anh Hồ Cu La thuộc đối tượng được hỗ trợ. Nhiều nội dung được thảo luận tại cuộc họp, trong đó, thống nhất giao trưởng bản tuyên truyền vận động các tổ chức đoàn thể, bà con nhân dân tham gia hỗ trợ vật chất, ngày công để gia đình có thêm điều kiện hoàn thành nhà ở. Hỗ trợ gia đình kiểm tra giám sát trong quá trình thi công.
Ông Hồ Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho hay, ngay sau khi có thông báo về việc được hỗ trợ xây dựng nhà ở, hơn 100 hộ trên địa bàn xã đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Cũng theo ông Hương, dù mới triển khai và bước đầu còn một số khó khăn, vướng mắc, nhưng đến nay, Chương trình MTQG 1719 đã mang đến cho người dân trên địa bàn động lực to lớn để vươn lên trong cuộc sống.
Theo ông Võ Đắc Hóa - Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, Linh Trường là xã duy nhất của huyện được thụ hưởng Chương trình MTTQ 1719. Chương trình được bắt đầu triển khai từ năm 2022. Đến nay, UBND huyện Gio Linh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc triển khai Dự án 1 nói riêng và Chương trình MTTQ 1719 nói chung.
Vào cuối tháng 5/2023, ông Dương Đức Hạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa đã chủ trì buổi làm việc bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo ông Hạnh, những khó khăn, lúng túng ban đầu đã được các phòng, ban chuyên môn và địa phương chủ động, tích cực tham mưu UBND huyện để triển khai các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra và bước đầu đạt được những kết quả nhất định.
Báo cáo về tình hình thực hiện Dự án 1, UBND huyện Hướng Hóa cho biết, nguồn vốn thực hiện Dự án 1 tại huyện năm 2023 là hơn 53,6 tỷ đồng (trong đó, hơn 44,3 tỷ đồng là vốn đầu tư và hơn 9,2 tỷ đồng là vốn sự nghiệp). UBND huyện đã ban hành các quyết định phân bổ vốn.
Phía UBND huyện Đakrông cũng cho hay, qua rà soát nhu cầu triển khai Dự án 1, trên địa bàn sẽ thực hiện hỗ trợ cho 347 hộ thiếu đất ở; 571 hộ thiếu nhà ở; 775 hộ thiếu đất sản xuất (trong đó, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất 121 hộ, chuyển đổi nghề 654 hộ); hỗ trợ 1.695 hộ khó khăn về nước sinh hoạt theo hình thức phân tán; đầu tư xây dựng mới 6 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 448 hộ dân hưởng lợi.
Năm 2022 - 2023, 190 hộ tại huyện Đakrông đã được phê duyệt hỗ trợ đất ở, 201 hộ đã được phê duyệt hỗ trợ nhà ở, dự kiến hỗ trợ đất sản xuất cho 64 hộ và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 126 hộ.
Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, việc triển khai Dự án 1, qua rà soát, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.550 hộ gia đình có nhu cầu về nhà ở phân bố ở các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh. Bên cạnh đó, tại các huyện này có 993 hộ có nhu cầu về đất ở, 1.233 hộ có nhu cầu về đất sản xuất và 7.597 hộ có nhu cầu về nước sạch. Theo kế hoạch, nhu cầu của các hộ gia đình này sẽ được hỗ trợ lần lượt trong các năm 2022, 2023, 2024 và 2025.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch 154 về giám sát Chương trình MTTQ 1719. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh yêu cầu, hoạt động giám sát đảm bảo nghiêm túc, dân chủ, khách quan, hiệu quả theo quy định tại Quyết định số 217 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và Nghị quyết liên tịch số 403/2017 ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
(Còn nữa)