Kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố ngừng hoạt động. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp đã thích ứng và chuyển mình, tìm ra con đường phát triển.
Theo chia sẻ của ông Trần Bằng Việt - CEO của Dong A Solutions, làm kinh doanh sẽ có những thách thức mang tính chu kỳ. Trong đó, “công thức” thành công và là động lực phát triển cho doanh nghiệp (DN) lại chính từ sức ép của đối thủ cạnh tranh, những yêu cầu ngày càng nâng cao từ phía khách hàng... Trong bối cảnh đó, các DN sẽ phải tập trung tinh thần cao hơn, nỗ lực củng cố kinh doanh và tái cấu trúc mạnh mẽ hơn để đáp ứng và có cơ hội tồn tại, phát triển. Vì vậy, các DN phải thay đổi phương thức quản trị, tìm kiếm động lực và cơ hội phát triển, dự báo diễn biến của “dòng chảy” kinh tế…
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong nguy luôn có cơ, nên nhiệm vụ của các DN là lựa chọn góc nhìn, chọn hướng đi nào để đón cơ, tránh nguy. Thị trường hàng hoá luôn có tính chu kỳ, sau giảm sẽ tăng, nên nếu chủ động thích ứng để vượt qua khó khăn thì DN sẽ đón được cơ hội khi thị trường phục hồi.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 900 nghìn DN đang hoạt động, hơn 14 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như biến động của tình hình thế giới và trong nước, đội ngũ DN, doanh nhân gặp nhiều khó khăn.
Trong tình hình đó, thời gian qua nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng được đưa ra cho thấy sự chung tay của hệ thống chính trị trong việc tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều này mang lại niềm tin và động lực cho cộng đồng DN về một tương lai phát triển rõ ràng và tươi sáng hơn.
Chẳng hạn như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ sẽ có tác động kép, thúc đẩy tích cực hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Thuế cũng rất quyết liệt trong việc thực hiện nhiều biện pháp để xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ tối đa nguồn vốn cho DN trong sản xuất, kinh doanh. Trong giai đoạn cần chống chọi với những khó khăn, những chính sách này có thể được coi là những "liều thuốc quý" cho cộng đồng DN để tiếp tục phục hồi và phát triển.
Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam nhận định, những khó khăn của nền kinh tế tác động đến hầu hết DN. Trong số đó, chỉ có những DN chủ động phát huy nội lực, tăng cường nghiên cứu sáng tạo để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới, tăng giá trị cho DN thì mới có thể vượt qua thách thức, tiến tới thành công. Nguồn lực nội tại là yếu tố quyết định sự thành công của DN trong thời điểm khó khăn này.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), bà Vũ Kiều Nữ - Giám đốc Công ty Vũ Kiều bày tỏ mong muốn, để các DN yên tâm sản xuất kinh doanh, rất cần sự ổn định của chính sách cũng như cần có những chiến lược lâu dài. Bà Nữ cho biết, DN của bà hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nên cần một chính sách về đất đai phù hợp và không nên có nhiều thay đổi để tạo thuận lợi cho DN.
Còn ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ quan điểm, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN. Nền kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu khởi sắc nên cần tiếp tục có các động thái hỗ trợ, chia sẻ với nhau để cùng phát triển.
Trong khi đó, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có thêm chính sách về tín dụng cho các DN, đặc biệt là các ngành công nghệ chế tạo, các ngành công nghiệp mới.
“Cần tập trung vào việc xanh hóa nền kinh tế, đặc biệt là xanh hóa nguồn năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái cho các ngành công nghệ cao. Đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng, nguồn tín dụng lớn, linh hoạt đối với các doanh nghiệp để chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và bền vững” - ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh.