Khi ngày càng nhiều người muốn sở hữu các danh hiệu sắc đẹp để làm bàn đạp nhanh chóng tiến thân thì các cuộc thi nhan sắc cũng mọc ra ngày càng nhiều. Sáu tháng với hơn 10 cuộc thi nhan sắc được diễn ra khiến công chúng đặt câu hỏi, liệu danh hiệu hoa hậu có còn giá trị?
“Loạn” thi nhan sắc
Trước đây, các cuộc thi nhan sắc phải do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép thì nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi. Điều này là nguồn cơn dẫn đến việc vì sao chỉ trong thời gian ngắn ồ ạt các cuộc thi nhan sắc lần lượt diễn ra.
Thực tế, đôi khi dư luận cho rằng các cuộc thi Hoa hậu được xem là "bàn đạp" để thí sinh tìm kiếm cơ hội đổi đời. Có phải chăng mà những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu này, các cuộc thi tìm kiếm nhan sắc được tổ chức càng ngày càng nhiều?
Theo thống kê sơ bộ 6 tháng đầu năm, làng giải trí có gần 20 cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Trong đó, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã chung kết ngày 25/6. Tháng 7 có Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam.
Chưa kể, từ nay tới cuối năm, showbiz Việt sẽ có thêm khoảng hơn 60 tân hoa hậu, hoa khôi, người đẹp. Chưa bao giờ, khán giả lại rơi vào tình trạng “bội thực” vì phải ghi nhớ tên các người đẹp bước ra từ các cuộc thi nhan sắc nhiều như bây giờ.
Nhằm tìm kiếm danh tiếng từ các cuộc thi, các thí sinh cũng tất bật chạy show. Điển hình là trường hợp của H’Cúc Êban, thí sinh vừa đăng quang Hoa hậu Sinh thái Việt Nam 2022 hồi đầu năm, giờ lại tiếp tục là thí sinh của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam vừa mới kết thúc.
Hay như Kim Duyên, trước khi xuất sắc giành ngôi vị Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Siêu Quốc gia được tổ chức tại Ba Lan, Kim Duyên cũng từng đoạt danh hiệu Hoa khôi Sinh viên thanh lịch Đại học Nam Cần Thơ 2016, Top 10 Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2014. Cô có kinh nghiệm dự thi quốc tế từ Miss Universe và dừng chân tại top 16 chung cuộc. Chính vì có quá nhiều cuộc thi nhan sắc cùng lúc diễn ra đã kéo theo tình trạnh những “gương mặt cũ” tham gia cuộc thi mới. Tình trạng “gương mặt quen thuộc” xuất hiện nhiều vì thế mà khiến công chúng ngán ngẩm.
Từ nhu cầu khoe sắc của phái đẹp, ở mọi lứa tuổi, một “cuộc chiến” đã thực sự bùng nổ, các đối tượng tham gia thi nhan sắc cũng trở nên đa dạng hơn. Từ những cô sinh viên, giáo viên... đến các nữ doanh nhân, các quý bà... đủ mọi ngành nghề, đều sẵn lòng bước vào một cuộc thi nhan sắc để đi tìm một danh vị cho chính mình.
Hoa hậu: được và mất?
Không phải ngẫu nhiên mà người người, nhà nhà đổ xô đi thi hoa hậu. Ở Showbiz Việt, có không ít người đẹp thừa nhận việc đổi đời từ danh hiệu cao quý này. Điển hình là trường hợp của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên.
Dù chỉ mới đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2022 được gần 5 tháng, thế nhưng thu nhập của cô lại đạt con số “khủng” khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Trước đó, Chủ tịch Miss Grand International - ông Nawat Itsaragrisil từng tiết lộ Thuỳ Tiên kiếm được số tiền xấp xỉ 70 tỉ đồng sau 3 tháng đăng quang nhờ những hợp đồng quảng cáo.
Ông Nawat cho biết thêm tân Miss Grand trúng hợp đồng với một nhãn hàng lớn có giá trị tới 5 triệu bath (hơn 3 tỉ đồng), tổng thu nhập sau chưa đầy 2 tháng lên đến hơn 20 tỉ đồng. Như vậy, trong 1 tháng còn lại, Thùy Tiên đã kiếm thêm được 50 tỉ đồng.
Câu chuyện “đổi đời” nhờ danh xưng hoa hậu vốn cũng không phải là chuyện hiếm. Bởi, những người đẹp sau đăng quang cũng không dấu sự “sang chảnh” của mình khi sẵn sàng khoe dáng trong những bộ đầm sang trọng, những tủ đồ hiệu có một không hai.
Thế nhưng, dư luận và quy luật đào thải cũng khắc nghiệt như đời sống giải trí. Khi các cuộc thi hoa hậu càng ngày càng nhiều, danh xưng hoa hậu dần trở thành một danh hiệu theo mùa đã khiến danh hiệu cao quý mất dần đi giá trị trong lòng công chúng.
“Đổi đời” nhờ danh hiệu hoa hậu là có thực nhưng rơi vào “vực thẳm” của danh hiệu ấy cũng là mặt trái khiến không ít người đẹp điêu đứng.
Trong số các hoa hậu đình đám, người có “vận đen” nhất phải kể đến Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Ngay thời điểm cô đăng quang cho đến hàng loạt các hoạt động sau đó cô cũng bị cộng đồng mạng "ném đá".
Được báo chí dự đoán có mặt trong Top 10 nhưng khi Kỳ Duyên đăng quang, nhiều ý kiến cho rằng nhan sắc của Kỳ Duyên không thể vượt trội hơn Á hậu. Khi đăng quang gương mặt Kỳ Duyên “không cảm xúc” càng khiến nhiều thông tin bên lề cho rằng cô đã biết trước kết quả.
Sau đó, Kỳ Duyên liên tục bị đưa ra những hình ảnh không hay trong mắt công chúng bởi bị soi khắp nơi, như: ngồi kém duyên trên máy bay, để mẹ xách đồ nặng, hút thuốc lá, hút bóng cười… Thậm chí, BTC Hoa hậu Việt Nam đã cắt bỏ hoàn toàn hình ảnh của cô ra khỏi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 vì những ồn ào. Có lẽ cô là Hoa hậu duy nhất bị tước bỏ đặc quyền trao vương miện cho người kế nhiệm.
Thực tế chứng minh tại các sự kiện, việc một cô gái đầu đội vương miện, sải bước tự tin trên thảm đỏ được giới thiệu với những cái tên nghe thật oách như hoa hậu thế giới của cuộc thi A, á hậu toàn cầu của cuộc thi B không phài là hiếm. Thế nhưng, xuất xứ, sự minh bạch và quy mô của những cuộc thi này không ai có thể đảm bảo. Chính hiện tượng loạn danh xưng Hoa hậu đã làm cho 2 chữ “Hoa hậu”, “Á hậu” ngày càng giảm giá trị trong mắt công chúng.