Trong nhiều nỗ lực giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng hiệu quả xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nam Định đã và đang áp dụng, triển khai, nhân rộng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, thu được nhiều lợi ích thiết thực...
Chia sẻ về mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, bà Trần Thị Ngoan - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu cho biết, việc này cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các hội đoàn thể đã trăn trở, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân trong huyện thực hiện từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Nhưng việc triển khai ban đầu chưa đồng bộ nên chưa mang lại nhiều kết quả.
Theo đó, người dân phân loại rác hữu cơ, vô cơ ngay tại nhà nhưng đến khi thu gom thì rác vẫn được thu gom chung mang đến nơi xử lý, tác dụng do vậy không nhiều. Sau nhiều trăn trở, tìm tòi, từ đầu năm 2020, Phòng TNMT huyện phối hợp cùng với Ủy ban MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân huyện và cấp ủy, chính quyền ở 34 xã, thị trấn trong huyện phát động, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới.
Theo bà Ngoan, ban đầu huyện chọn khu dân cư xóm 2,3 thôn Phú Lễ xã Hải Châu để thực hiện thí điểm mô hình, với 170 hộ dân tham gia. Để giúp bà con thực hiện mô hình, huyện liên kết với một doanh nghiệp lĩnh vực xử lý môi trường hướng dẫn người dân kỹ thuật phân loại rác, xử lý rác hữu cơ, cung cấp chế phẩm sinh học ủ rác. Đồng thời, huyện hỗ trợ các hộ dân một phần kinh phí mua sắm thùng rác, xây hố rác, chế phẩm.
Từ đó ý thức trách nhiệm của người dân với việc bảo vệ môi trường được chuyển biến, nâng cao. Từ mô hình điểm, huyện đã tổ chức cho cán bộ, người dân, đặc biệt là cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan, học tập mô hình, đến nay đã nhân rộng, triển khai thực hiện ở 25/34 xã, thị trấn của huyện.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng theo bà Trần Thị Ngoan, quá trình thực hiện vẫn còn tình trạng người dân chưa có nhận thức đúng về trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường, chưa thực hiện tốt hướng dẫn phân loại rác thải, vẫn có tâm lý ỷ lại, cho rằng người dân đã đóng phí thu gom rác thì việc thu gom thế nào là trách nhiệm của đơn vị thu gom.
“Chính vì vậy, hiện tại cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong huyện vẫn đang duy trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân cùng có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm tham gia BVMT bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đơn giản nhất là phân loại rác ngay tại gia đình” - bà Ngoan chia sẻ.
Mới đây, khảo sát thực tế mô hình phân loại rác tại nguồn ở một số địa phương trong tỉnh, ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cùng đoàn công tác của tỉnh đánh giá cao những ưu điểm, hiệu quả BVMT của mô hình, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương; đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của MTTQ, các hội, đoàn thể.
Ông Hoan cho biết, đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã có 86/226 xã, thị trấn (41% số xã, thị trấn) đã và đang thực hiện mô hình này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở TNMT tỉnh khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, MTTQ, các đoàn thể, địa phương tổng hợp, báo cáo đánh giá các mặt tích cực, hạn chế trong triển khai mô hình, phương án triển khai nhân rộng trong thời gian tới.
“Cuối tháng 11 này tỉnh sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề bàn việc triển khai, nhân rộng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên phạm vi toàn tỉnh” - ông Hoan cho biết.