Ở Liên hoan phim Cannes, nơi ánh đèn không bao giờ tắt, nơi những bộ váy đắt tiền được may riêng phục vụ ánh nhìn của hàng triệu người, Aishwarya Rai Bachchan xuất hiện, không cần catwalk, chỉ cần hiện diện.
Báo chí quốc tế thốt lên: “Cô ấy không phải là người phụ nữ đẹp nhất thế giới, cô ấy chính là định nghĩa của cái đẹp. Nhan sắc ấy đến từ thiên đường”.
Thế nhưng phía sau ánh nhìn xanh xám ấy, sau chiếc vương miện Hoa hậu Thế giới, là cả một bi kịch, một hành trình, một người phụ nữ từng tan vỡ – và từng tái sinh rực rỡ như một nữ thần điện ảnh.
Sinh ra tại Mangaluru, Karnataka (Ấn Độ) năm 1973 trong một gia đình Tulu Bunt trung lưu, cô bé Aishwarya sống một tuổi thơ giản dị, nề nếp. Cha là sĩ quan không quân, mẹ là nội trợ, anh trai là kỹ sư hàng hải. Mỗi buổi chiều, cô gái nhỏ thường ngồi bên cửa sổ, ngước nhìn máy bay lượn trên bầu trời Mumbai – không biết rằng một ngày nào đó, cô sẽ bay cao hơn bất kỳ thứ gì từng lướt qua.
“Lúc nhỏ, tôi và anh trai hơn kém nhau mấy tuổi, từng cãi nhau chí chóe nhưng giờ là tri kỷ,” cô kể về ký ức tuổi thơ giản đơn nhưng ấm áp, theo Indian Forum.
Aishwarya từng nuôi ước mơ thành kiến trúc sư tại Đại học Rachana Sansad, say mê từng đường nét bản vẽ. Từ năm lên sáu, cô đã thể hiện năng khiếu hội họa: từng bức chân dung tự họa mà cô vẽ đã khiến cô giáo mỹ thuật, bà Lata Surendra, không giấu được ngỡ ngàng: “Em có ánh mắt của một nghệ sĩ bẩm sinh. Em sẽ đi xa,” bà nói trong một buổi phỏng vấn gần đây.
Năm 1994, sau khi giành ngôi Á hậu tại cuộc thi sắc đẹp Femina Miss India, Aishwarya đến với Miss World tại Sun City, Nam Phi. Khi được hỏi phẩm chất quan trọng nhất của một hoa hậu, cô trả lời ngắn gọn nhưng đầy uy lực: "Compassion" (lòng trắc ẩn). Chiếc vương miện Hoa hậu Thế giới không chỉ tôn vinh nhan sắc, mà còn mở ra cánh cửa đưa cô từ đời thường bước vào huyền thoại.
Phong cách của cô tại Sun City đã khiến đài RAI Italy gọi là “bước đi nhẹ nhàng như vũ điệu, ánh mắt dịu dàng như khúc nhạc của hoàng hôn”.
Chiến thắng trên đấu trường nhan sắc hàng đầu thế giới, Aishwarya bắt đầu lấn sân vào điện ảnh. Bộ phim đầu tay Iruvar (1997) của đạo diễn Mani Ratnam là minh chứng đầu tiên cho tài năng diễn xuất của Aishwarya, khi cô phải song diễn hai vai trong tiếng Tamil chưa từng học. Nhớ lại lần đầu làm việc, cô nói: "Ngồi trước Mani sir như ngồi trước một thầy giáo; tôi biết đây là điểm khởi đầu hoàn hảo cho mình", tờ India Today dẫn lời Aishwarya.
Vai Kalpana trong Iruvar tạo nền tảng để cô chinh phục khán giả Ấn Độ với Jeans (1998) rồi chạm đỉnh vinh quang nhờ Hum Dil De Chuke Sanam (1999). Báo India Today ca ngợi: “Aishwarya Rai – sự kết hợp giữa sự tinh tế phương Tây và truyền thống Đông Phương”.
Năm 2002, Aishwarya hóa thân vào vai Paro trong Devdas – chuyển từ bi kịch Bollywood lên thảm đỏ Cannes. "Khi đến Cannes, chúng tôi được diễu hành bằng xe ngựa, và tiếng vỗ tay vang dội chưa từng thấy" cô hồi tưởng, “là khoảnh khắc tôi sẽ khắc ghi suốt đời”.
Hình ảnh cô trong sari đỏ rực, đôi mắt ướt lệ đứng giữa ánh đèn flash, đã được NYTimes nhận xét: “Đó không chỉ là ngôi sao điện ảnh – đó là biểu tượng văn hóa”.
Bước chân vào Hollywood với các phim Bride and Prejudice (2004), The Mistress of Spices (2005) và The Pink Panther 2 (2009), cô vẫn giữ phong thái tự tin. Trên Vogue France, cô được gọi là “nữ hoàng Bollywood, người mang sự bí ẩn của phương Đông vào thời trang phương Tây”.
Tháng 10/2005, Aishwarya Rai Bachchan là khách mời đặc biệt của chương trình The Oprah Winfrey Show. Tại đây, Hoa hậu Ấn Độ đã có cuộc trò chuyện thân mật về điện ảnh Bollywood, khi được đề cập đến cảnh hôn trong phim. MC Oprah hỏi: "Tại sao ở hầu hết phim Bollywood, ta ít thấy cảnh hôn?" Aishwarya mỉm cười, trả lời: "Ở Ấn Độ, nụ hôn không phải là cảnh thường thấy. Ở Hollywood, nụ hôn là quảng cáo cho trailer, nhưng chúng tôi trân trọng sự lãng mạn kín đáo, để khán giả tự tưởng tượng”.
Lời đáp của cô không chỉ khiến khán giả bật cười, mà còn giúp truyền thông phương Tây hiểu hơn về khác biệt văn hóa giữa hai nền điện ảnh, khẳng định cô không chỉ là nhan sắc mà là đại sứ văn hóa thầm lặng.
Năm 2012, cô được chọn làm Đại sứ Thiện chí Quốc tế UNAIDS. “Tôi vinh dự nhận trọng trách này. Việc nâng cao nhận thức sức khỏe, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em, luôn là ưu tiên của tôi”, cô nói.
Tuy nhiên, cuộc đời của Aishwarya không hoàn toàn màu hồng. Có lẽ bi kịch lớn nhất mà cô gặp phải là cuộc tình đầy bi kịch với Salma Khan. Anh là bạn diễn của cô trong trong phim Hum Dil De Chuke Sanam. Năm 1998, hai người bắt đầu thân thiết ở trường quay, khiến báo chí Ấn Độ xôn xao. Fan hâm mộ đắm chìm trong câu chuyện tình lãng mạn của cặp đôi Bollywood: họ cùng xuất hiện tại lễ trao giải, dự tiệc chung và trao nhau ánh mắt tình tứ, hình ảnh được chia sẻ rầm rộ trên báo chí và truyền hình.
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc không kéo dài. Đến cuối năm 2002, tin đồn về sự đổ vỡ xuất hiện: Aish-warya bị khán giả phát hiện vắng mặt tại sự kiện cùng Salman, truyền thông loan tin mâu thuẫn và áp lực từ cuộc sống showbiz khiến đôi trẻ chia tay. Thông tin nhanh chóng lan truyền, một số fan lên tiếng thương xót, nhưng cũng có không ít người đặt câu hỏi về sự chín mùi tình yêu ở tuổi còn trẻ.
“Ai cũng muốn biết chuyện của chúng tôi, nhưng đó là một phần quá khứ, cần để nó nằm lại đó”, Aishwarya tuyên bố khi được phóng viên hỏi về Salman, và khẳng định đã “đuổi những ám ảnh đi rồi”. Sự im lặng của cô càng khiến công chúng thêm phần tò mò: có người đồng cảm cho cô, cho rằng cô đã chịu đựng không ít tổn thương, có người lại chỉ trích cô “không đủ kiên định”.
Nhiều năm sau, khi khán giả tình cờ tìm lại những bức ảnh cũ, vẫn có những bình luận trái chiều: “Họ sẽ có những đứa con dễ thương biết bao”. Nhưng cũng có người nhắc lại “đừng quên chuyện bạo hành tinh thần”.
Ở đây, “bạo hành tinh thần” ám chỉ những cáo buộc của Aishwarya về việc cô từng chịu áp lực tâm lý nặng nề: bị yêu cầu kiểm soát điện thoại, gặp gỡ bạn bè bị giám sát và thường xuyên bị phê phán, chỉ trích công khai trên báo chí, khiến cô cảm thấy mất tự do và cảnh giác trong mọi mối quan hệ. Chính những áp lực vô hình ấy đã khiến cô quyết định chấm dứt mối tình, bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân.
Dù vậy, Aishwarya chưa bao giờ công khai phản bác hay khai thác scandal để nổi tiếng, mà chọn giữ kín bí mật, dùng sự im lặng làm hàng rào bảo vệ trái tim.
Sau này, khi kết hôn với diễn viên Abhishek Bachchan năm 2007, cô lui về chăm sóc con gái Aaradhya đến năm 2016 mới tái xuất trên điện ảnh.
Aishwarya Rai Bachchan không chỉ tỏa sáng trên màn ảnh mà còn dành sức lực để cải thiện đời sống cộng đồng. Năm 2004, cô thành lập tổ chức Aishwarya Rai Foundation, với sứ mệnh hỗ trợ người nghèo khắp Ấn Độ thông qua các chương trình giáo dục, y tế và cứu trợ khẩn cấp. Tháng 8 cùng năm, cô trở thành gương mặt đại diện cho chiến dịch tuyên truyền hiến giác mạc trên toàn quốc.
Năm 2005, Aishwarya đảm nhận vai trò đại sứ hình ảnh cho Pulse Polio – chiến dịch tiêm chủng bại liệt của chính phủ Ấn Độ – đồng thời là người phát ngôn cho Năm Quốc tế tín dụng nhỏ của Liên hợp quốc, nhằm nâng cao nhận thức về giảm nghèo toàn cầu. Cô cũng tham gia biểu diễn để quyên góp hỗ trợ nạn nhân sóng thần 2004.
Trong năm 2008, cùng gia đình Bachchan, cô đặt viên gạch đầu tiên xây dựng một trường học dành cho trẻ em gái nghèo ở làng Daulatpur, bang Uttar Pradesh, thể hiện cam kết lâu dài với giáo dục và bình đẳng giới. Cô còn tham gia hỗ trợ tổ chức PETA India trong các chiến dịch chống ngược đãi động vật.
Không dừng lại ở đó, năm 2009, Aishwarya được bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí đầu tiên của Smile Train, tổ chức quốc tế phẫu thuật miễn phí cho trẻ em hở hàm ếch. Công việc của cô đã góp phần đưa dịch vụ này đến 76 quốc gia đang phát triển.
Tháng 9/2012, cô được chọn làm Đại sứ Thiện chí Quốc tế của UNAIDS, với trọng trách nâng cao nhận thức về việc phòng ngừa HIV ở trẻ em và mở rộng tiếp cận điều trị kháng virus.
Khát vọng nhân đạo của Aishwarya Rai Bachchan không chỉ là danh hiệu và lời nói, đó là hành động bền bỉ, xuyên suốt suốt hai thập kỷ qua, thắp sáng hy vọng và thay đổi cuộc sống cho hàng triệu người.
Suhasini Maniratnam, vợ đạo diễn Mani Ratnam, từng so sánh cô với Florence Nightingale (1820–1910), nữ y tá Anh được coi là người sáng lập ngành điều dưỡng hiện đại và biểu tượng của lòng tận tâm với bệnh nhân. “Nhiều người chỉ thấy vẻ đẹp, nhưng tôi thấy một tấm lòng chăm sóc, một tình thương ẩn sau ánh hào quang”, bà Suhasini Maniratnam bày tỏ.
Đạo diễn Ratnam cũng nói về lý do ông luôn tin tưởng Aishwarya: “Tôi chỉ mời cô ấy nếu tôi tin cô ấy hoàn hảo cho vai diễn. Mỗi lần Aishwarya đồng ý, là vì cô ấy hiểu và tôn trọng tầm nhìn của tôi”.
Ở tuổi 50, khi trở lại Cannes lần thứ 21, Aishwarya Rai Bachchan không chỉ là biểu tượng sắc đẹp mà là minh chứng cho một vẻ đẹp trường tồn cùng ý chí thép. Cô không dạy phụ nữ phải đẹp thế nào, cô chỉ sống và cho thế giới thấy: “Bạn có thể tỏa sáng bằng chính bản thân mình, không cần gồng”.
Khi người ta hỏi “Cái đẹp có thể cứu thế giới không”, hãy nhìn vào Aishwarya Rai Bachchan. Câu trả lời đã ở đó, trong ánh mắt xanh xám không bao giờ tắt.