Người dân huyện Sông Mã (Sơn La) những ngày đang vào vụ thu hoạch nhãn. Năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi, dự kiến sản lượng nhãn của huyện ước đạt trên 55.800 tấn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ quả nhãn tươi khó khăn hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, có một tin vui là nhãn Sông Mã được xuất khẩu sang các thị trường EU và vương quốc Anh nên người nông dân rất phấn khởi.
Những ngày qua, nhiều vườn nhãn đã được thương lái tìm đến tận nơi mua. Bởi ngoài xuất khẩu sang các thị trường EU, do bà con chăm sóc theo hướng hữu cơ nên quả nhãn to và lượng đường nhiều hơn. Đây là những đặc điểm được nhiều thương lái và những người làm long nhãn rất ưa thích. Vì vậy, lượng tiêu thụ khá mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Nguyễn Văn Phương, việc xuất khẩu thành công nhãn Sông Mã sang thị trường EU và Vương quốc Anh đã góp phần thúc đẩy hơn nữa việc phát triển diện tích cây ăn quả trên đất dốc, đặc biệt là đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu trong thời gian tới.
Huyện Sông Mã hiện có trên 7.200ha nhãn; trong đó, gần 5.900ha cho sản phẩm, với sản lượng quả ước đạt 55.870 tấn. Tại HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn, đa phần các hộ gia đình trồng nhãn hữu cơ, phân bón sử dụng là phụ phẩm nông nghiệp được ủ hoai mục, sử dụng phương pháp làm cỏ thủ công. Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy cách nên quả nhãn không những dày cùi, ngọt thơm mà năng suất rất cao. Năm nay, do lường trước được khó khăn do dịch Covid-19 nên nhiều nhà vườn đã chủ động đăng ký bán hết cho các cơ sở làm long nhãn với giá từ 7-8.000đồng/kg. Mặc dù không cao bằng năm ngoái nhưng với giá này nhà vườn vẫn có lợi nhuận.
Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh ở xã Chiềng Khoong, việc trồng và kinh doanh và sản xuất long nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp cải thiện rất nhiều về đời sống cho bà con nông dân. HTX có 4 lò sấy long nhãn, tổng công suất 8 tấn quả tươi/ngày. Năm ngoái HTX chế biến 300 tấn quả tươi, sau khi sấy khô thu được 30 tấn long thành phẩm, chủ yếu xuất khẩu với giá 125.000 - 140.000 đồng/kg và đưa vào các chuỗi siêu thị tiêu thụ trong nước với giá khoảng 160.000 đồng/kg.
Theo ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, hàng năm, hợp tác xã luôn duy trì sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 20 tấn long nhãn, tương đương 200 tấn quả nhãn tươi, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, góp phần giải quyết tình trạng khó khăn trong tiêu thụ quả nhãn tươi tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho 200 lao động nông nhàn với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn chung, so với một số loại cây trồng khác, nhãn Sông Mã cho sản lượng tốt, giá cả ổn định. Hiện nay các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Sông Mã đã từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản sản xuất nông nghiệp như áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP vào trồng trọt, để sản xuất ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đến nay đã có 31/56HTX sản xuất hoa quả an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích là 343,19 ha sản lượng quả đạt trên 3 nghìn tấn.
Ngoài ra, một tin vui là cây nhãn ở Sông Mã đã được Trung tâm Kiểm dịch thực vật I của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp 3 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Australia, với diện tích hơn 26 ha, sản lượng ước đạt 350 tấn/năm; 16 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với diện tích 951 ha, sản lượng đạt trên 11.400 tấn/năm. Năm 2021, huyện Sông Mã phấn đấu xuất khẩu được 14.500 tấn nhãn.