Hiện nay, nhiều người đang phản ánh về việc nhận được những tin nhắn có cùng nội dung từ một số máy lạ. Dù rằng họ không hiểu đã cung cấp tiết lộ số điện thoại, họ và tên tại đâu nhưng các đối tượng thuộc bên thứ ba đã lợi dụng thông tin cá nhân để phát tán quảng cáo rác.
Tràn lan tin nhắn rác 18+
Em Nguyễn Thị Tâm (22 tuổi, người dân tại Long Biên) vào ngày 28/5 đã nhận được một dòng tin nhắn với nội dung mời chào câu kéo vào cuộc nói chuyện kín thông qua một số điện thoại lạ.
Điều kỳ lạ xảy ra khi gọi thử vào số gửi tin nhắn thì không thấy phản hồi và thông báo rằng máy bận. Còn số điện thoại được quảng cáo trong tin nhắn lại sử dụng để làm một tài khoản mạng Zalo ảo có tên “*** Anh”.
Mục đích của các tài khoản ảo này là để quảng cáo cho những ứng dụng 18+ được người môi giới khẳng định rằng: “gọi gái dễ như gọi Grab”. Khi ấy Tâm mới hốt hoảng không hiểu tại sao số điện thoại của mình lại có thể rơi vào tay những kẻ như này.
“Em đã kiểm tra lại lịch sử trình duyệt trên cả máy tính lẫn điện thoại đều không thấy có truy cập vào các trang có nội dung đồi trụy. Em đang lo rằng có thể cả số điện thoại lẫn tên tuổi của mình đã được bán cho bên thứ ba nào đó để họ quảng cáo”, Tâm chia sẻ.
Không chỉ Tâm, em Đ.Q.V. (23 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) cũng nhận được tin nhắn tương tự. Người môi giới với giọng nữ cho biết: “Phải nạp 100.000 để kích hoạt tài khoản và vô phòng dịch vụ. Tùy theo từng khu vực tỉnh thành sẽ có gái gọi riêng”.
V. chia sẻ: “Ứng dụng này kín đáo hơn và không khác gì so với các web 18+ tôi đã thấy trước đây. Một số người là thật nhưng đa phần ảnh đều là ảo và lấy từ nguồn khác trên mạng về trá hình”.
Các tin nhắn rác quảng cáo về dich vụ cho vay hay đăng ký các gói ưu đãi bảo hiểm vẫn được xuất hiện nhưng việc quảng cáo cho các web 18+ thông qua hệ thống sms gần đây mới bắt đầu xuất hiện và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc bảo mật thông tin cá nhân.
Việc nhẹ lương cao
Không chỉ những lời mời tham gia ứng dụng gái gọi, thông tin cá nhân bị sơ hở còn được các đối tượng khác lợi dụng để quảng cáo những công việc nhẹ lương cao như thả tim, thả like, follow Facebook với mức giá dao động từ 200.000 - 500.000đ/ngày.
Sau khi đồng ý tham gia qua trao đổi với người giới thiệu trong cuộc gọi, tất cả sẽ được thêm vào một nhóm zalo với tư cách là “cộng tác viên thả tim Tik Tok”.
Anh T.M. (người dân tại Hoài Đức) đã nhận được cuộc gọi giới thiệu công việc này một lần duy nhất, sau khi thử nghe lời người hướng dẫn anh được thêm vào một nhóm trong đó có khoảng 11 - 12 người. Ban đầu họ bắt đóng lệ phí 250.000 đồng và gọi là phí “duy trì”. Cùng với đó, một tài khoản Zalo chủ nhóm cam kết sẽ hoàn lại sau khi hoàn thành công việc.
“Trước đó, em có tìm hiểu một chút thông tin trên mạng về vấn đề này. Đây có thể là một hình thức lừa đảo trước đó từng diễn ra thế nên em không đồng ý và rời khỏi nhóm đó”, M. cho biết.
Thế nhưng điều M. hay Tâm đều vẫn không thể hiểu rằng tại sao những người như này lại có số điện thoại của mình và biết được cả tên tuổi rõ ràng. Dù rằng đã kiểm tra lại lịch sử trình duyệt hay một số cài đặt khác, không ai phát hiện ra thông tin cá nhân của mình đã lọt theo đường nào.
Một số chuyên viên bảo mật cho biết, có hai con đường để thông tin cá nhân bị lộ ra.
Thứ nhất là việc đăng ký các tài khoản trên các web game, web tin tức không chính thống.
Thứ hai là việc đồng ý tham gia các trang dưới hình thức bốc thăm trúng thưởng, bốc thăm đổi quà trên mạng xã hội, tất cả những ứng dụng ẩn trong website này hoàn toàn có thể đánh cắp thông tin của người sử dụng.
Chỉ cần một nút bấm, số điện thoại, họ và tên có thể dễ dàng thuộc về một bên thứ ba. Vì vậy người sử dụng cần tỉnh táo hơn khi truy cập vào các website được cảnh báo trên internet.