Đề xuất điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp cho nhân viên y tế tuyến cơ sở, y tế dự phòng là một trong những nội dung được lãnh đạo Bộ Y tế nêu ra tại tọa đàm mới đây về “Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định”.
Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế cho biết khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ngành y ở mức cao nhất để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Cần có chính sách đặc thù đãi ngộ nhân viên y tế
Bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Cùng với đó, hiện chúng ta mở cửa, dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan có nguy cơ xâm nhập là không thể tránh khỏi.
Do đó, Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành tại Nghị quyết 38 và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành tại Việt Nam như sốt xuất hyết, tay chân miệng, Adenovirus; Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học; Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch; mua sắm, đấu thầu; huy động, vận động các nguồn lực trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính khẩn cấp, nhanh, hiệu quả trong phòng, chống dịch; Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghiệp dược, sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng, chống dịch.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhân viên y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, cần ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng; Đặc biệt tăng cường năng lực, khả năng cung cấp dịch vụ y tế, mở rộng phạm vi chi trả tại các trạm y tế xã để tham gia chống dịch tốt nhất. Theo bà Hương, cần có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, công nhận liệt sĩ đối với lực lượng này nếu hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tạo cơ chế chính sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 vì qua các đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 cho thấy vai trò rất quan trọng của y tế tư nhân.
Đề xuất tăng phụ cấp ngành y ở mức cao nhất
Trước đó, cử tri Thái Nguyên có gửi nội dung kiến nghị trong đó “đề nghị tăng phụ cấp nghề lên 80 - 100% đối với nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; điều chỉnh tăng phụ cấp thường trực đối với cán bộ y tế”.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã nêu rõ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đã có báo cáo trình Chính phủ, trong đó đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 27 và Nghị quyết số 107 của Chính phủ. Ngoài ra, chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ đề nghị xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó đề nghị áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở, hiện nay đang trình các cơ quan có thẩm quyền để ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn, thời gian qua có tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập. Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.
Công đoàn Y tế Việt Nam đã chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế thời gian qua. Trong đó nguyên nhân đầu tiên là do thu nhập thấp: Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Do tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.