Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng tại cuộc gặp gỡ, trao đổi về công tác phục hồi, phát triển du lịch thuộc khuôn khổ Diễn đàn "Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch TP HCM tổ chức khai mạc vào ngày 8/8 tại TP HCM.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, cùng với việc phục hồi nền kinh tế, nhiệm vụ phục hồi du lịch cũng được đặt ra và đang triển khai quyết liệt.
Để tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn, những khó khăn vướng mắc, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, toàn ngành có chủ trương tổ chức một sự kiện để lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Từ đó, cùng trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, tìm ra hướng đi mới tốt hơn sau đại dịch Covid-19.
"Kể từ khi mở cửa hoàn toàn du lịch ngày 15.3, chúng ta đang ở đâu, chúng ta đạt được kết quả gì, khó những gì. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp cần lên tiếng về điều gì, để cơ quan tổng hợp, cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước xử lý theo thẩm quyền và báo cáo cấp cao hơn để kiến tạo các chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề.
Cũng theo "tư lệnh" ngành du lịch, kinh tế đất nước đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn, trong đó riêng ngành du lịch muốn hồi phục nhanh để phát triển nhưng phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt với các nước trên thế giới, nhất là thị trường quốc tế của nước ta chưa được khai thông, mở rộng.
Trước đại dịch, bức tranh tổng thể của ngành du lịch là một điểm sáng của nền kinh tế đất nước, đóng góp 9,2% GDP, từng bước khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 diễn ra đã làm du lịch thế giới thiệt hại 2,4 nghìn tỉ USD. 46 quốc gia, hàng nghìn điểm đến trên toàn cầu phải đóng cửa tất cả mọi hoạt động du lịch, tỉ lệ thất nghiệp tăng gấp 4 lần. Riêng tại Việt Nam cũng có lúc phải đóng cửa du lịch hoàn toàn, tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Khi hoạt động trở lại bình thường, năm 2022 Việt Nam đặt mục tiêu đạt 60 triệu lượt khách nội địa. Và, đến thời điểm hiện nay, cả nước đã đạt trên 71 triệu khách du lịch nội địa. "Điều đó chứng minh hướng đi đúng của du lịch Việt Nam khi chúng ta coi nội địa là bệ đỡ của du lịch quốc tế, đi trên “đôi chân” của mình, vừa chú ý đến thị trường nội địa, vừa từng bước tiếp cận để khai thác thị trường quốc tế", Bộ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định.
Tại diễn đàn, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã dẫn chứng câu chuyện thành công của ngành du lịch thành phố khi cho biết trong 7 tháng đầu năm nay TPHCM đã đón khoảng 13,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng hơn 765.000 lượt khách quốc tế, với tổng thu du lịch ước đạt 60.379 tỉ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021.
"Tuy số lượng khách quốc tế vẫn còn rất "khiêm tốn" so với trước đại dịch Covid-19 nhưng tiềm năng thu hút khách du lịch của thành phố đang rất được kỳ vọng", bà Thắng chia sẻ.
Giải pháp từ nay đến cuối 2022, Sở Du lịch TP HCM cho biết, đang triển khai chương trình phục hồi, phát triển du lịch, trong đó tập trung nâng chất và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; đẩy mạnh thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch và khởi động lại hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước.
Đối với TP Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, rất ủng hộ chủ trương liên kết các địa phương và giữa các doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch chung của cả nước và của từng địa phương. "Khách quốc tế phục hồi chỉ 10-15%.
Vấn đề mở cửa song phương nhiều thị trường lớn rất được quan tâm. Ngoài ra, các địa phương kiến nghị Bộ VHTTDL tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn của từng địa phương, từ đó có được định hướng hiệu quả cho quá trình phục hồi"./.