Nguồn cung trong nước khá mạnh nhưng lượng thép nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Các giải pháp áp thuế tự vệ vẫn được sử dụng.
Tiếp tục áp thuế tự vệ đối với phôi thép nhập khẩu
Từ ngày 23/3, lộ trình áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài tiếp tục bắt đầu. Cụ thể trong quãng thời gian từ 23/3/2017 tới đến ngày 21/3/2018, thuế tự vệ đối với phôi thép là 21,3% và thép dài là 13,9%.
Việc áp thuế tự vệ đối với thép dài và thép nhập khẩu là hình thức để bảo vệ ngành thép trong nước. Tuy nhiên, có nghịch cảnh thép ngoại vẫn đổ bộ về Việt Nam.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 0,2% về lượng và 49,3% về trị giá. Nếu chỉ tính riêng tháng 2-2017, lượng sắt thép nhập khẩu tăng 22,9% tương ứng với 1,5 triệu tấn,
Điều này cho thấy ngành thép đang có những điểm nghẽn nhất định. Câu hỏi đặt ra, tại sao đã sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng thép nhập khẩu vẫn nhiều dù nguồn cung trong nước ổn định. Cụ thể tính chung 2 tháng đầu năm 2017, sản lượng sắt thép thô đạt 838,7 nghìn tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ.
Nhiều kịch bản đã được đưa ra để giải thích. Đó là do ngành thép nội bấp bênh nhưng cũng có một thực trạng lách thuế đau đầu đang diễn ra. Đó là từ khi áp thuế tự vệ với thép dài và phôi thép, doanh nghiệp nhập khẩu đã kê khai sang mã HS khác đối với mặt hàng thép dây cuộn, hay còn gọi là thép cuộn - một trong những sản phẩm hiện thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại.
Phía Hiệp hội Thép cũng cho biết, từ khi áp thuế tự vệ với phôi thép thì lượng phôi thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã giảm đến 60%. Song một số loại thép dài, thép xây dựng đang có biểu hiện tránh thuế phòng vệ thương mại vào Việt Nam bằng chiêu “đội lốt” thép hợp kim đang có chiều hướng tăng.
Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) phân tích, việc Việt Nam đang tiến hành ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA giữa ASEAN - Trung Quốc sẽ càng làm tăng thêm cơ hội để thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Trong khi năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép nội chưa đủ mạnh, đây thực sự là thách thức lớn đối với các DN ngành thép nội địa.
Khẩn trương quy hoạch ngành thép
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã chính thức phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo Quy hoạch Hệ thống Sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, căn cứ trên kiến nghị của Vụ Công nghiệp Nặng. Trong đó, Bộ trưởng giao cho Vụ Công nghiệp Nặng là đơn vị chủ trì. Đơn vị thực hiện là Công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Được biết đã có 2 đơn vị tư vấn nước ngoài gửi thư bày tỏ sự quan tâm đến Dự thảo Quy hoạch ngành thép. Đó là Deloite (Nhật) và Roland Berger (Đức).
Theo TS Vũ Thành Tự Anh- Trường ĐH Fullbright Việt Nam, sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc.
Việc quy hoạch lại ngành thép là điều không thể không làm. Chúng ta có nhiều dự án nhiều nhà máy thép nhưng thép vẫn luôn trong cảnh thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu. Các nhà máy thép nhỏ lẻ, manh mún được.
Giới chuyên gia cho rằng, Bộ Công thương phải chấn chỉnh công tác đầu tư các dự án thép cho “ra tấm, ra món”, việc phát triển ngành thép vẫn cần được quan tâm. Để trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống cảng biển, đường bộ, đường sắt…